Từ buổi đầu thất bại với chương trình truyền hình không ăn khách, Yang Lan đã đi lên và giờ đây làm chủ một “đế chế” truyền thông tư nhân lớn nhất Trung Quốc với khối tài sản lên đến 1,1 tỷ USD.
Nữ tỷ phú truyền thông Yang Lan trong chương trình trò chuyện TED. Ảnh: Shanghaiist |
Trong vai trò một người mẹ, Yang Lan, nữ tỷ phú truyền thông cũng có những suy tư riêng về việc nuôi dạy con cái. Yang lo rằng thế hệ sau này có thể đang ngày càng trở nên dễ dãi trong việc thúc ép con cái học hành, khác với những gì nữ tỷ phú này đã trải qua trước đây.
“Bây giờ, ở Trung Quốc, vấn đề mà giáo viên hết sức lo ngại là tất cả trẻ con - “những ông vua con” - sẽ bị hư hỏng, luôn cho rằng mình phải ở vị trí trung tâm của sự chú ý, và không còn coi bố mẹ chúng ra gì”, Yang Lan chuyện trò trong bữa ăn trưa với mái tóc búi cao và làn da trắng như sứ. Ở người phụ nữ 43 tuổi toát lên dáng vẻ đầy quyền lực của một người nổi tiếng.
Bà nói với tôi về việc một trường học đã mời 1.000 phụ huynh đến ngồi trên ghế ở một khu sân chơi của trường, “sau đó các con rửa chân cho bố mẹ trước mặt mọi người. Đây là một cử chỉ để bày tỏ lòng hiếu thảo và sự quan tâm đối với cha mẹ.”
Yang nói: “Tôi có thể hiểu được sự thất vọng của các giáo viên, họ sợ rằng những đứa trẻ đang mất dần lòng hiếu thảo, sự kính trọng và quan tâm đến cha mẹ. Những điều này là điểm mấu chốt nhất của hệ tư tưởng Nho giáo.”
Ở tuổi 43, Yang có sự pha trộn giữa hiện đại và truyền thống. Mặc dù phải công du khắp thế giới và làm say lòng các khán giả phương Tây ở chương trình trò chuyện TED, nhưng Yang vẫn sống chung với bố mẹ. “Gia đình tôi là một gia đình truyền thống với ba thế hệ sống chung dưới một mái nhà,” Yang cho biết.
Cũng giống như hầu hết những người Trung Quốc khác, bà thích dùng nước ấm hơn là nước đá. Bởi vì, theo bà “trong y học cổ truyền Trung Quốc thì vấn đề nguy hiểm nhất đối với phụ nữ là bị nhiễm lạnh.” Và mặc dù bà tuyên bố không thúc ép con cái - “nhiệm vụ của bố mẹ là giúp con cái khám phá niềm đam mê thực sự của chúng” - nhưng bà cũng quan niệm một cách vô thức theo kiểu Trung Quốc “Miễn là chúng đạt được điểm 90 hoặc là cao hơn. Đó là tất cả những điều tôi đòi hỏi.”
Trong số bốn nữ tỷ phú xinh đẹp giỏi giang trong loạt bài này, Yang có thời thơ ấu dễ chịu hơn cả. Gia đình bà xuất thân từ Thượng Hải và có cuộc sống tương đối khá giả. Cha của Yang là giáo sư chính trị và có liên quan đến tiếng Anh. Thỉnh thoảng ông được mời làm thông dịch viên cho Thủ tướng Chu Ân Lai.
Năm 21 tuổi, cùng với 1.000 cô gái khác, bà đã tham gia cuộc thi làm người dẫn chương trình talk-show hàng đầu của Trung Quốc. Sau khi vượt qua sáu vòng, một người trong ban giám khảo bảo bà rằng “Cô không đẹp”. Chính bởi “cú sốc” đầu tiên này, Yang quyết tâm giành chiến thắng bằng “sự thông minh trước các cô gái xinh đẹp hơn mình”. Khi được hỏi liệu bà “có dám mặc bikini” không, bà đáp rằng cũng còn tùy thuộc vào bà mặc nó ở nơi nào: nếu là ở bãi biển khỏa thân ở Pháp thì một bộ bikini vẫn là quá nhiều. Bà đã chiến thắng và được tung hô như một siêu sao.
Bốn năm sau, bà bỏ việc ở chương trình truyền hình này để đi du học tại Đại học Columbia ở New York vì bà nói rằng muốn nhìn ra thế giới. Trong khi đang học thạc sĩ về ngoại giao, bà đã gặp “Bruno” Wu Zheng, con trai của một gia đình giàu có ở Thượng Hải. Họ kết hôn năm 1995.
Năm 1998, cùng với Bruno, Yang cho ra mắt chương trình tin tức - phỏng vấn và bà đã trở lại lĩnh vực này. Trong những năm qua, bà đã phỏng vấn nhà Clinton, Tony Blair, Kobe Bryant, Henry Kissinger.
Vào năm 2002, để đáp ứng sự hâm mộ của khán giả, bà đã cùng chồng thành lập đài truyền hình TV Sun đặt trụ sở ở Hong Kong. Bà đã đầu tư hàng triệu USD vào đây và trực tiếp cạnh tranh với công ty Star TV của ông trùm truyền thông Rupert Murdoch.
Dự án không thành công, TV Sun không những không thể đánh bật được Murdoch, mà còn không xin được giấy phép phát sóng ở Trung Quốc đại lục. Thất bại, năm 2003, Yang đã phải bán công ty trong tình trạng bị lỗ nặng. “Khi tôi bán Sun TV, cảm giác giống như là khi bạn phải cho con bạn đi. Tôi đã phải mất mấy năm mới có thể chấp nhận được chuyện này.”
Tuy nhiên, sau đó bà và Bruno nảy ra ý tưởng mới - truyền hình của phụ nữ. Hầu như là Trung Quốc không có talk show nào dành cho phụ nữ. Hai người lập ra một chương trình có tên là Her Village. Mục tiêu của chương trình là nhắm vào những cô gái trẻ ở thành thị và đôi khi chương trình mời những vị khách là những người nổi tiếng tham dự và chia sẻ về cuộc sống riêng tư của họ. Ra mắt năm 2005, chương trình đã gặt hái được rất nhiều thành công, và giờ đây Yang cùng chồng làm chủ một “đế chế” truyền thông tư nhân lớn nhất của Trung Quốc. Nằm trong danh sách những người giàu nhất Trung Quốc, tài sản ròng của cặp vợ chồng này ước tính vào khoảng 1,1 tỷ USD (mặc dù con số này chưa bao giờ được xác nhận).
Trở lại với chuyện về con trẻ, là một người mẹ, Yang lo lắng về sự nuông chiều con cái thái quá của các bậc cha mẹ. Trong ba mươi năm Trung Quốc duy trì chính sách một con, rất nhiều người lo ngại về hiện tượng phổ biến là việc làm hư trẻ con. Bà chỉ trích những ông bố bà mẹ luôn bao bọc con cái quá mức, những người “làm việc vì con cái và mua sắm nhà cửa cho chúng”.
Tuy nhiên, những “ông vua con” ở Trung Quốc được nuông chiều theo cách riêng của người Trung Quốc. Dù chúng được nuông chiều đến mức đòi gì được nấy chúng cũng có những áp lực nặng nề là phải đáp ứng sự mong mỏi của bố mẹ - những người đã đầu tư tất cả giấc mơ - chứ không phải chỉ có tiền bạc - cho đứa con duy nhất của họ. Những đứa trẻ bị gọi là “hư” này hàng ngày thường phải học hành và luyện tập từ bảy giờ sáng tới tận mười giờ đêm.
“Thật là buồn cho nhiều phụ nữ,” Yang nói. “Ý nghĩ cuộc sống của họ phụ thuộc vào điểm thi của con cái họ. Họ chỉ biết đến vài tên trường như Harvard hay Yale nhưng cũng không biết ở các trường đó người ta dạy những gì.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét