Việt Nam đã trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình và cùng với đó phải là quá trình nhìn lại những thành tựu cũng như nhận diện được những thách thức mới. Cũng giống như một vận động viên với sức chịu đựng dẻo dai, Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong việc giảm nghèo và duy trì tăng trưởng kinh tế, thậm chí qua cả thời kỳ suy thoái toàn cầu. Nhưng chúng ta cũng biết rằng, Việt Nam đang tiếp tục phải đối mặt với những thách thức lớn, trong đó có tham nhũng.
Tham nhũng chẳng phải duy nhất tại Việt Nam mà cũng không mới (Hội nghị lần hai về Chính sách chống tham nhũng dựa trên chứng cứ tại Băng-cốc làm bằng chứng cho điều này). Thật vậy, nền kinh tế của Việt Nam đã tăng trưởng rất tốt trong những năm gần đây bất chấp tình trạng tham nhũng phổ biến, nên người ta dễ dàng trở nên tự mãn và tự hỏi liệu chống tham nhũng có thực sự phải cần là một ưu tiên hay không. Một số người có thể tự hỏi nếu tham nhũng bôi trơn bánh xe tăng trưởng thì “tại sao phải tập trung chống tham nhũng khi tăng trưởng mạnh như vậy”. Nhưng đây là một câu hỏi sai. Đúng ra phải hỏi “Liệu tốc độ tăng trưởng sẽ cao như thế nào và nền kinh tế sẽ công bằng hơn đến mức nào nếu tham nhũng được kiểm soát tốt hơn?”
Hiện nay đã có khá nhiều bằng chứng từ khắp nơi trên thế giới về tác động của tham nhũng đối với các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng. Những nhà đầu tư muốn tìm kiếm địa điểm hoạt động an toàn và hiệu quả có thể sẽ ngần ngại do tham nhũng, thậm chí chỉ tham nhũng “vặt”. Một số khác có thể vẫn chọn đầu tư, do bị lôi kéo bởi nguồn lao động chăm chỉ hay nền kinh tế năng động, nhưng họ sẽ phải đối mặt với chi phí và rủi ro cao hơn. Các công ty ít do dự hơn, muốn đi đường tắt, sẽ có được lợi thế cạnh tranh. Cho dù sẵn sàng trả tiền hay không, việc phải trả các khoản thanh toán không chính thức sẽ làm tăng chi phí của công ty. Khi Ngân hàng Thế giới tiến hành khảo sát các doanh nghiệp trong năm 2009, hơn 40% doanh nghiệp phải xin giấy phép xây dựng cho biết việc cấp giấy phép thường đi kèm với một đề nghị phải có quà cáp hoặc một khoản thanh toán không chính thức, và hơn 40% doanh nghiệp đã ký hợp đồng với chính phủ cũng cho ý kiến tương tự.
Nhưng không chỉ có các công ty trung thực bị ảnh hưởng, mà cả người dân Việt Nam cũng vậy, khi các công trình của nhà nước được xây dựng với chất lượng thấp hơn và chi phí cao hơn. Khi quyết định đầu tư được đưa ra dựa trên tham nhũng, thay vì những dự án hiệu quả, chúng ta sẽ có các dự án hiệu quả kém, được xây dựng không đúng chỗ với mức chi phí không phù hợp. Đúng như vậy, các chuyên gia kinh tế Việt Nam đã lưu ý rằng tại Việt Nam, phải mất nhiều vốn hơn để tạo ra cùng lượng GDP so với hầu hết các quốc gia khác. Đây là hậu quả của đầu tư công kém hiệu quả. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiệu quả kém, trong đó chắc chắn có tham nhũng. Và khi tham nhũng cho phép một số công chức, công ty được hưởng lợi ích cá nhân với chi phí do xã hội gánh chịu, tham nhũng sẽ làm giảm công bằng cũng như hiệu quả. Đây không phải là một phép tính có tổng bằng không. Những tổn thất đối với xã hội, khi mà người bệnh không được điều trị, trẻ em không được giáo dục đầy đủ, và chi phí làm đường quá đắt, lại là lợi ích cho những kẻ vô đạo đức, những kẻ đã thay đổi cả hệ thống vì lợi ích của riêng mình. Việt Nam xứng đáng được hưởng điều tốt hơn như thế.
Để chống tham nhũng có hiệu quả, không chỉ cần việc thực thi pháp luật mạnh mẽ, mà còn phải tăng tính minh bạch. Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong việc cải thiện tính minh bạch đối với nhiều lĩnh vực, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm. Như đã được nhấn mạnh trong Báo cáo Phát triển Việt Nam 2010, do Ngân hàng Thế giới cùng với các đối tác khác biên soạn, mặc dù có rất nhiều văn bản pháp luật yêu cầu công khai những thông tin nhất định, trong thực tế rất khó có được thông tin. Một nghiên cứu gần đây về tính minh bạch trong quản lý đất đai cung cấp thêm bằng chứng cho việc này: mặc dù các tài liệu phải được công bố trực tuyến, chỉ có một nửa trong số các trang web của tỉnh thực sự có đưa thông tin như báo cáo sử dụng đất, và chỉ 9% số tỉnh có bản đồ về hiện trạng sử dụng đất trên mạng. Các quy định về tính minh bạch không được thực hiện đầy đủ. Và Báo cáo Phát triển Việt Nam 2012, được công bố tại Hội nghị Nhóm Tư vấn Các nhà tài trợ hồi tháng 12, đã đưa ra một bức tranh hoàn chỉnh hơn– xét về trung bình, những tỉnh thực hiện minh bạch tốt hơn có mức độ tham nhũng thấp hơn một cách đáng kể.
Cho dù là các khoản chi không chính thức đang bám theo người dân và các công ty, hay là việc phân bổ sai nguồn lực trong doanh nghiệp nhà nước, tham nhũng buộc những người dân Việt Nam lương thiện và chăm chỉ phải chạy lên dốc, và sự thiếu minh bạch khiến họ phải leo dốc trong sương mù. Với một Quốc hội khóa mới và sự khởi đầu của Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội mới, đây chính là thời điểm để thổi một sức sống mới cho việc xây dựng tính minh bạch và phòng chống tham nhũng. Những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được thật đáng khen ngợi, và chúng ta hãy cùng nghĩ đến một Việt Nam có thể chạy xa thế nào nếu được đi xuống dốc trong ánh sáng mặt trời!
Tác giả: Victoria Kwakwa, Giám đốc WB tại VN và Jim Anderson
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét