Sống nhởn nhơ trong các lỗ chân lông trên mặt người, trên áo lông thú (loại lông càng đắt tiền càng thích) hay một nơi nào đó có hơi người chờ hút máu, một lúc nào đó những chú bọ tí hon có thể “hạ gục” con người.
Côn trùng rất mắn đẻ, một con bọ rệp có thể sinh sản mỗi ngày hàng trăm con, và những con này chỉ trong vòng 10 ngày sau lại có thể kế tục sự nghiệp sinh đẻ của bố mẹ. Chúng rất phàm ăn, người ta ước lượng chúng đã ngốn mất một nửa sản lượng nông nghiệp. Côn trùng cũng rất mạnh trong sự đề kháng: Bom nguyên tử dội xuống Hiroshima chẳng hề làm giảm bớt dân số của lũ gián ở địa phương. Nếu có một tiểu hành tinh nào đâm sầm vào trái đất thì đó là ngày tận thế đối với loài người, còn với chúng thì không.
Từ hàng chục triệu năm trước khi xuất hiện người Homosapiens, sâu bọ đã “phát minh” ra nhiều thứ: Tổ chức xã hội, hệ thống tôn ti, kiến trúc, nông nghiệp, chăn nuôi, kỹ nghệ tổng hợp vật liệu...
Lũ kiến trồng nấm thơm ở trong tổ. Ong thông tin cho nhau bằng nhiều cách, như mùi vị hoặc vũ điệu. Mối xây dựng “giáo đường bằng đất sét” (tựa đề bộ phim của Allan Root), rất thoáng mát và trần rất cao, có cả một hệ thống điều hòa không khí rất tinh vi. Kiến còn biết chăn nuôi những đàn bọ rệp để lấy nước mật, lại còn chế tạo đồ uống lên men để dành cho những dạ hội. Và kiến cũng không ngần ngại nô lệ hóa những đàn kiến bại trận mà chúng coi như những nòi giống “hạ đẳng”.
Mối có cuộc sống ly kỳ hơn, trong xã hội của chúng, tôn ti trật tự được phân biệt rõ rệt. Mối cao cấp cứ việc “ngồi mát ăn bát vàng”, còn "lũ phó thường dân" thì làm việc quần quật. Mỗi cặp vợ chồng mối thường sinh ra cả một thế hệ hàng triệu mối con. Một con mối “nữ hoàng” đẻ khoảng 10.000 trứng/ngày và sống thọ trên 20 năm.
Tổ chức xã hội của mối cũng khác thiên hạ: Không một cá nhân nào có thể tự nuôi sống mình, tuy tất cả đều ăn cùng một loại thức ăn. Chúng không sử dụng thức ăn một cách trực tiếp. Mỗi con có nhiệm vụ tiêu hóa thức ăn ấy cho những con khác qua quá trình lên men rất phức tạp và tiết ra phía hậu môn, dưới hình thức những giọt nước bổ dưỡng. Như vậy, mỗi con sẽ phải hút thức ăn từ hậu môn của những con khác.
Về mặt kỹ thuật, con người còn phải học hỏi côn trùng. Chúng nghĩ ra cách xây dựng nơi cư trú với những tổ ong hình lục lăng - phương pháp tối ưu để sử dụng khoảng rộng và kiến tạo những cấu trúc vừa nhẹ vừa bền (mà máy bay của chúng ta đã bắt chước). Chúng còn phát minh ra loại sáp không rò rỉ hoặc các-tông bột đúc. Ong còn biết cách bít tổ bằng một thứ nhựa lấy từ nụ hoa của những cây dương...
Luôn theo sát con người và sẵn sàng gây hại
Luồng bụi trắng bạn thường thấy vào mỗi buổi sáng khi tia nắng tràn vào phòng ngủ, nếu phân tích sẽ bao gồm: Vảy tróc từ da người, lũ bọ rận còn sống hay đã chết nhỏ li ti, các chân cẳng và thi thể cùng vô số phân thải ra từ chúng (bọ rận thải phân khá nhiều, mỗi con khoảng 20 viên/ngày). Ban đêm, lúc con người đang ngủ, chúng nhóm họp lại và vui chơi xung quanh đầu. Chúng “tiệc tùng” bằng cách hút khí ẩm ướt từ hơi thở của con người. Hít phải bọ rận, con người thường mắc bệnh viêm mũi dị ứng, hen và vài chứng lở chốc. Ở Anh hằng năm có khoảng 2.000 sinh mệnh qua đời do bệnh về đường hô hấp.
Trong số côn trùng có nhiều “nhân vật” cực kỳ ác ôn: Rệp Cimex hemipterus mỗi ngày cần hút máu 5 lần mới đủ sống. Con vật này ẩn núp ở bất cứ chỗ nào có hơi người và chích hút điệu nghệ đến nỗi có người bị cắn mà vẫn không hay biết. Một số loài khác thích nhởn nhơ sống trong lỗ chân lông trên mặt những người vô tình chưa tẩy rửa kem thoa da cho thật sạch. Các chất kem nhờn còn sót lại trở thành tổ ấm lý tưởng cho chúng lưu trú rồi sinh con đàn cháu đống và nâng cao lượng độc tố gây chứng viêm da.
Ký sinh trên cơ thể con người, các sinh vật tí hon này còn được hưởng chung các tiện nghi văn minh hiện đại khác. Đối với chúng, giường chiếu, salon, trường kỷ thật nghèo nàn và khô hạn, không thể sánh với “kinh thành tráng lệ” là nhà bếp. Ở đó, cái chạn đựng đồ ăn và bát đĩa như “tòa nhà chọc trời”, chuyên cung ứng chỗ ở hạng 5 sao cho các loài bọ ăn bột, bọ nhấm thịt, bọ nhá bánh ngọt (có thể nhá thủng bao bì bọc ngoài thức ăn), bọ giòi.
Bộ lông của những con chó xù dễ thương, những con mèo cưng nuôi trong nhà cũng là môi trường thuận lợi cho hằng hà sa số bọ rận, chấy, bọ chét đua nhau phát triển. Từ hậu cứ này, gặp dịp thuận tiện, chúng liền nhảy sang “giao thông hào” là các mụn vảy ngứa trên da người. Tại đây, chúng gây ra ban nhiệt và ngứa lở - những chứng bệnh ngoài da đã nhiều lần truyền nhiễm trong những địa bàn dân cư rộng, tác hại ngang cỡ một bệnh dịch.
Với sâu bọ, con người thường là kẻ chiến bại
Như đã nói, sâu bọ đã ăn tàn phá hại một nửa sản lượng nông nghiệp của loài người, xem thường những loại thuốc trừ sâu mà chúng ngày càng thích nghi. Không những thế, chúng còn đem lại sự chết chóc cho loài người. Ngày xưa, chúng đã tàn sát châu Âu: Mầm dịch hạch lan tràn bởi những con rận từ loài chuột. Ngày nay, chúng truyền bệnh ngủ, sốt rét, cúm, sốt vàng da... và một vài bệnh trầm trọng khác.
Muốn tẩy trừ những “vị khách không mời” này, người ta phải dùng tới luồng khí nitrogen ở âm 80 độ C. Việc ngủ trong phòng lạnh cũng góp phần làm giảm sức hoạt động của chúng. Bình thường, để giảm bớt đội ngũ đông đảo của bọn rận, con người phải đều đặn thay giặt chăn màn, quần áo, tạo điều kiện thoáng khí cho căn phòng, để ánh nắng chiếu rọi vào phòng, đồng thời thường xuyên tẩy uế bụi bặm. Tuy vậy, dù ít dù nhiều, chúng vẫn cứ sinh sôi. Hy vọng tiêu diệt hẳn chúng có lẽ không bao giờ thành sự thật bởi quân số đã lên tới hàng tỷ tỷ tỷ.
Ngay cả khi chết, các sâu bọ tí hon vẫn không thôi gây hại cho con người. Theo một cuộc nghiên cứu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, con gián khi chết còn nguy hiểm hơn nhiều lúc còn sống. Xác chết của nó sẽ tỏa ra chất protein dị ứng, gây chứng sổ mũi, khó thở và da bị ngứa.
Nhưng những sinh vật tí hon này không phải hoàn toàn tệ hại. Dĩ nhiên, ong đã cho chúng ta mật, và nếu không có sự thụ phấn của chúng thì chúng ta sẽ không có trái cây. Đôi khi, sâu bọ cũng được chúng ta dùng vào những việc có ích, chẳng hạn như nuôi bọ dừa để diệt trừ bọ rệp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét