Thứ Sáu, 9 tháng 3, 2012

Ra khơi câu cá

Ra đảo câu cá, ngắm trời đất mênh mang giữa trùng khơi… là thú vui của không ít người vào dịp  cuối tuần.
CON thuyền 16 mã lực đưa nhóm 5 người rời đất liền, ra Cù Lao Chàm. Khu vực thả câu ven Hòn Dài và Hòn Mồ, cách Bãi Làng không xa. Nơi ấy có nhiều ghềnh đá và rặng san hô. Thuyền dập dềnh. Những cần câu móc mồi tôm, mực nhỏ, thả xuống, chờ đợi. Sóng xô, cần rung, thật hồi hộp! Sau nhiều lần kéo hụt, mất mồi, những chú cá sọ dừa, cá mú đầu tiên bị mắc câu, vùng vẫy chới với trên sàn thuyền.
alt
Khoang thuyền lấp lánh sắc màu sặc sỡ của các loại cá bò, cá mú… dưới mặt trời đứng bóng. Một bữa tiệc hải sản thơm lừng canh chua cá mú còn tươi rói ăn với bún (đã chuẩn bị từ sáng) được dọn ra giữa tiếng sóng vây quanh mạn thuyền. Đức, một thành viên trong nhóm, cho biết câu cá biển hấp dẫn hơn nhiều so với câu ở sông, đồng. Vì cá biển phàm ăn, nhất là những loài cá sống dưới độ sâu từ 5-7m trong các rặng san hô và ghềnh đá như cá mú, sọ dừa, phèn râu... Khi cắn được mồi, cá thường lôi nhanh vào hốc đá hoặc san hô. Người câu phải nhanh chóng một tay ghìm cần tỳ chặt vào bụng, tay còn lại quay máy cuốn cước. Lôi được lên thuyền những con cá lớn cũng kỳ công. Người câu phải nhẹ nhàng dìu cá sát mạn thuyền, dùng vợt bắt cá. 
Mỗi chuyến đi câu của nhóm thường kéo dài qua đêm đến sáng hôm sau. “Câu đêm vừa có thể lai rai lại dễ câu được cá lớn. Người câu cũng không phải “tựa ngối ôm cần” vì mỗi cần câu đã được gắn một lục lạc nhỏ. Cá cắn câu, lục lạc sẽ rung báo hiệu”, Đức nói.
Đêm xuống, biển như thành phố nổi. Khơi xa nhìn vào đất liền, đèn điện trên những thuyến đánh cá ven bờ sáng rực một góc trời. Nằm dài trên thuyền dập dềnh sóng, chơi vơi như chiếc lá giữa mênh mông nước, ngắm sao trời, chờ cá cắn câu, nghe từng cơn gió thổi qua da thịt trong tiếng ru khẽ khàng của biển, tiếng lục lạc rung đứt quãng của những chú cá nhỏ rỉa mồi… thấy mình như một “trích tiên”.
Chuẩn bị cho một chuyến đi câu 2 ngày 1 đêm, ngoài mồi câu (vài ký tôm, mực), đá lạnh ướp cá, thuê thuyền..., thì đương nhiên dụng cụ không thể thiếu là cần câu. Theo Quý, một thành viên khác, hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại cần câu Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản..., giá xê dịch từ vài trăm ngàn đến vài chục triệu đồng tùy thương hiệu. Cần càng nhẹ, càng đắt tiền. Dân chuyên nghiệp thường chọn cần làm từ các chất liệu sợi thủy tinh đặc ruột hoặc sợi carbon tổng hợp. Cần câu bằng sợi carbon nhẹ, dẻo, độ bật cao, nhạy cảm nên kéo cá rất tốt… là loại cao cấp nhất với giá từ 5 đến 15 triệu đồng/cần. Ngoài ra, còn có các loại cần câu tay (không gắn máy câu) thường làm bằng graphitte hoặc sợi tổng hợp gồm nhiều đoạn nối nhau như cây ăng ten có thể vươn ra 3 - 8 mét, nhưng ít tay câu nào chọn vì câu cá biển không hiệu quả. Một bộ cần câu ưng ý, có thể câu được thì giá tối thiểu cũng phải từ 500 đến 5 triệu đồng/cần.
Câu cá biển là thú chơi đòi hỏi sự đam mê. Nó không chỉ tốn thời gian, tiền bạc mà cũng cần phải có lòng kiên nhẫn và một ít… can đảm. Mùa này vẫn thường thấy những nhóm người riêng lẻ đến từ Hội An, Đà Nẵng, hoặc khách vãng lai Sài Gòn, Hà Nội mang vác cồng kềnh thuê thuyền ra Cù Lao Chàm buông câu. Một tour câu cá với các dịch vụ ngắm hoàng hôn, trăng và bình minh trên biển dường như vẫn còn nằm đâu đó trong ý tưởng của các nhà kinh doanh du lịch! Còn bạn? muốn tìm chút cảm giác lạ, ngày đêm làm ông “lữ” giữa trùng khơi.
KHÁNH LINH - Bài trên báo Quảng Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét