Thứ Ba, 20 tháng 3, 2012

Lãi suất, lạm phát …. và những thứ lăng nhăng khác

Dùng ngân sách để giải cứu những sai lầm của các ngân hàng khi họ cho vay liều lĩnh và trên bờ phá sản là lấy tiền của anh nghèo để tặng cho anh giàu kiểu Robin Hood ngược chiều
LÃI SUẤT, LẠM PHÁT… VÀ NHỮNG THỨ LĂNG NHĂNG KHÁCTôi yêu xứ Mỹ, nhưng tôi không tin về tương lai nước này. Các chánh phủ Mỹ trong 3 thập niên vừa qua đã làm mất niềm tin của tôi qua các hành xử luôn luôn đi ngược với những lời nói hoa mỹ cao thượng.
Một vài thí dụ về thành quả và chuẩn mực đạo đức của lãnh tụ xứ này:
Sự suy yếu của đồng dollar
Suốt 100 năm từ khi Hoa Kỳ trở thành đế chế số một thế giới, đồng US dollar luôn là biểu tượng của sự bền vững và thịnh cường của nền kinh tế. Chỉ trong 10 năm qua, với chánh sách tiêu xài quá đáng dẫn đến việc in tiền bừa bãi (dùng 1 danh từ mới là quantitative easing hay gói kích cầu) cùng việc vay mượn tối đa qua các trái phiếu, đã làm đồng dollar tuột dốc không phanh so với các bản vị khác và giá cả các nguyên liệu. Đây là lý do chính của nạn lạm phát mà các chuyên gia cũng như giới truyền thông cố tình bỏ qua vì lợi ích cá nhân của nghề nghiệp.
Sự nhào nặn các số liệu thống kê
Để che đậy cho sự cố lạm phát và thất nghiệp, chánh phủ đã ngụy tạo hay chỉnh sửa các số liệu thông kê nhằm giảm thiểu con số lạm phát cũng như ảnh hưởng trên công ăn việc làm của người dân. Ai cũng biết là chỉ số tiêu dùng (CIP) bao gồm nhiều thành phần và khi thay đổi tỷ lệ của chúng trên tổng số sẽ thay đổi CIP này theo ý muốn chánh trị. Chẳng hạn khi giá địa ốc hay may mặc xuống thấp, tăng phần trăm của địa ốc và may mặc lên 10% thay vì 5% sẽ làm CIP giảm đi gần 0.6%. Trong khi đó, giá cả thực phẩm, xăng dầu có leo thang và có ảnh hưởng trầm trọng đến đời sống hằng ngày của người dân, chánh phủ có quyền “tạm quên” vì trên nguyên tắc, chỉ số CIP vẫn còn thấp.
Cứu ngân hàng bằng tiền của dân
Dùng ngân sách (tiền của dân dù bằng tiền thuế hay bằng công nợ) để giải cứu những sai lầm của các ngân hàng khi họ cho vay liều lĩnh và trên bờ phá sản là lấy tiền của anh nghèo để tặng cho anh giàu kiểu Robin Hood ngược chiều (Hood là một tướng cướp lấy tiền của quan tham để tặng dân). Chánh phủ còn ngụy biện là làm vậy vì phải cứu nền kinh tế quốc gia; nhưng ai cũng biết rằng, để một vài ngân hàng lớn sụp đổ, là giải pháp tối ưu để tái cấu trúc nền kinh tế vĩ mô, như một con bệnh ung thư cần được giải phẫu chứ không phải chỉ cho uống thuốc giảm đau, để kéo dài sự tồn tại khập khễnh. Về lâu về dài, càng trì hoãn việc giãi phẫu, càng đưa bệnh nhân đến tình trạng không còn cứu chữa
 
Gia tăng thay vì giảm thiểu các đơn vị nhà nước
Lịch sử nhân loại đã chứng minh là lòng tham con người sẽ đạt đến đỉnh cao khi họ được giao quyền hành và tài sản không kiểm soát. Kinh tế tư nhân luôn luôn hiệu quả hơn mọi mô hình kinh doanh, vì đồng tiền liền khúc ruột. Cha chung không ai khóc là lý do của mọi lãng phí và tham nhũng. Bằng cách gia tăng thị phần và chi tiêu của các đơn vị nhà nước, các chánh phủ Mỹ đã vô tình hủy hoại gốc rễ của sự thịnh cường trong nền kinh tế quốc gia.
Khôn nhà dại chợ
Trong khi chánh phủ rất quyết liệt với những biện pháp về tăng thu thuế, về sự thực thi luật lệ với người dân mình (đôi khi quá đáng), thì đối ngoại, một chánh sách mềm dẻo và thân thiện đã làm Trung Quốc, mạnh lên để có thể trở thành một đối thủ đáng ngại cho tương lai. Chánh sách này hoàn toàn dựa trên lợi ích của phe nhóm thay vì quốc gia.
Nói và làm luôn luôn khác biệt
Khi tranh cử hay ra trước các diễn đàn quốc tế, các quan chức chánh phủ tỏ ra rất thức thời và ngọt ngào, rộng rãi với nhiều lời hứa đủ kiểu đủ loại. Nhưng khi bắt tay vào việc, thì cán cân quyết định thường nghiêng về lợi ích của cá nhân, của bè đảng, của các nhóm lợi ích có ảnh hưởng đến tương lai chánh trị của mình.
Yếu tố căn bản của mọi nền kinh tế: niềm tin
Khi người dân không tin vào đồng tiền quốc gia, tỷ giá sẽ suy thoái. Tiền suy thoái thì lạm phát gia tăng. Lạm phát tăng thì lãi suất tăng. Các hoạt động kinh tế sẽ hướng về phòng thủ (bảo vệ tài sản khỏi bị mất mát). Mọi sáng tạo, năng động và tham vọng của cá nhân hay tập thể cũng bị lùi bước, thu gọn… vì phải lo sống còn trước. Không ai muốn đầu tư thêm vào một nền kinh tế thui chột.
Dạy người dân thói quen tùy thuộc vào chánh phủ
Với những lời hứa hoàn toàn dựa trên lợi ích chánh trị, các chánh phủ đã giấu diếm những yếu điểm của quốc gia và cố tình làm người dân hiểu sai thực trạng về kinh tế, xã hội hay trách nhiệm của dân lẫn quan. Hậu quả là làm cho người dân ước muốn và đòi hỏi những gì “miễn phí” hay đến từ tiền người khác (OPM: other’s people money). Sự tham lam không cơ sở của người dân sẽ giúp chánh quyền kiểm soát hoạt động của dân và nhờ vậy, giữ quyền lực lâu dài hơn
Người bạn Trung Quốc
Tôi trình bày với nhiều chi tiết hơn về đề tài nói trên trong một buổi mạn đàm 2 tháng trước ở Đại Học Jiao Tong Shanghai. Một anh bạn doanh nghiệp nói với tôi, “Nghe ông mà tôi phát khiếp. Xã hội Mỹ dân chủ tự do mà còn bị vướng vào những vấn nạn của chánh phủ như vậy, thì các người dân ở các quốc gia khác đối phó ra sao với tình huống ?” Tôi không có câu trả lời.
Tôi kể ông nghe về lịch sử của Sparta vào trước thời đế chế La Mã. Sparta là một quốc gia nổi tiếng là anh hùng, đạt nhiều thành quả ấn tượng trên chiến trường. Vị lãnh tụ Lycargus được bơm thổi lên như một vị thánh của Sparta. Chiến thắng lớn nhất là đại thắng ở thành Troy của Hy Lạp. Họ ngạo mạn, coi thường đối thủ và nghĩ là khả năng chinh chiến bất bại của họ sẽ giúp họ vượt trội và thôn tính thế giới. Họ không quan tâm đến việc xây dựng một xã hội hài hòa, tôn trọng pháp luật, hay một nền kinh tế sáng tạo hiệu quả. Họ vung tay tiêu xài trong những cuộc liên hoan bất tận để mừng chiến thắng. Dần dà, chiến lợi phẩm không còn và các quốc gia đối thủ đã chuẩn bị đầy đủ để đối phó với kỹ năng quân sự của Sparta. Không còn chiến trường để thắng, không còn hậu phương để quay về sống trong ổn định, Sparta đã bị lịch sử chôn vùi và trở thành một tỉnh nhỏ của đế chế Achaea.
Tôi cũng chợt nhớ đến phần tựa của cuốn chuyện kiếm hiệp “Lộc Đỉnh Ký” của Kim Dung. Trong đó, tác giả nói về một cuộc săn nai hào hứng của một số đại gia quan lại. Sau bao thăng trầm của cuộc chiến, cuối cùng con nai bị bắt và xẻ thịt. Kim Dung kết luận là số phận người dân trong mọi xã hội cũng giống chú nai vàng. Dù khôn ngoan hay ngây thơ, định mệnh đã an bài là con nai sẽ trở thành món ăn chính của thực đơn trên bàn tiệc.
Do đó, tôi thích Tú Xương với nhân sinh quan thông minh của ông.
Một trà, một rượu, một đàn bà.
Ba cái lăng nhăng nợ quấy ta.
Sau cả mấy trăm năm của tiến bộ, thật tội nghiệp khi người dân lại bị quấy rầy với lãi suất, tỷ giá và lạm phát …thay vì những cái lăng nhăng đáng yêu của Tú Xương. Người Tàu rất hứng thú với lời nói của Lão Tử “Khôn chết, dại chết. Chỉ biết mới sống”. Sống với rượu chè, hay đàn bà chắc chắn phải vui hơn là sống với lãi suất, tỷ giá và lạm phát. Ba cái lăng nhăng có thể là giải pháp cho bài toán?
ALAN PHAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét