8. HIỆP MỘT CỦA HỘI NGHỊ QUỐC TẾ PARIS VỀ CAMPUCHIA
Hai tháng sau, Hội nghị quốc tế Paris về Campuchia (30.7-30.8.89) được triệu tập. Hội nghị tuy chưa giải quyết được vấn đề Campuchia nhưng có thể nói đã mở ra giai đoạn kết thúc. Sau JIM, đây là đỉnh cao của các diễn đàn và là cuộc hội nghị quốc tế đầu tiên bàn về vấn đề Campuchia. Hội nghị tiến hành ngoài khuôn khổ của LHQ tuy có mặt De Guellar, Tổng thư ký LHQ, và bộ trưởng ngoại giao 5 nước thành viên Hội Đồng Bảo An. Tổng Thư ký LHQ dự hội nghị chỉ với tư cách một thành viên của hội nghị. Trong hội nghị này, lần đầu các bên Campuchia đối địch ngồi sát cạnh nhau, dưới một cái biển ghi tên chung là Campuchia. Ngoài đại diện của 4 phái Campuchia: Hunxen (CHND Campuchia), Khiêu Samphon (Khmer Đỏ), Ranarit (phái Sihanouk), Son Soubert (con Son San), có các đoàn đại biểu của 17 nước do bộ trưởng ngoại giao dẫn đầu: Liên Xô, Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp, Nhật, Úc, Ấn Độ, Canada, Việt Nam, Lào, Thái Lan, Inđônêxia, Singapore, Malaysia, Philippin, Brunei. Phong trào Không Liên Kết do ngoại trưởng Zimbawe đại diện. Ngoại trưởng Pháp Roland Dumas và ngoại trưởng Inđônêxia Ali Alatas là đồng chủ tịch hội nghị.
Sáng 28.7.89, tôi cùng đại bộ phận đoàn ta tới Paris. Đoàn có các anh Lê Mai, Đặng Nghiêm Hoành, Ngô Điền, Hà Văn Lâu, Trần Huy Chương, Lê Công Phụng, Huỳnh Anh Dũng, chị Tôn Nữ thị Ninh. Thiếu tướng Phi Long được Bộ Quốc Phòng cử đi tham gia đoàn. Ngày 29.7 anh Nguyễn Cơ Thạch đến nơi. Hội nghị khai mạc chiều 30.7. Thành phần hội nghị tuy xem như không có lợi cho ta, song ta đến hội nghị với thế mạnh của Tuyên bố rút hết quân vào cuối tháng 9.89 mà CHND Campuchia vẫn tỏ ra vững vàng tự tin.
Ngay từ đầu Hội nghị đã vạch ra chương trình phải họp cả tháng – từ 30.7 đến 30.8.89 – vì vấn đề rất phức tạp mà lập trường giải pháp của các bên lại còn khá xa nhau. Suốt thời gian hội nghị nổi cộm lên hai vấn đề lớn:
1. Loại trừ hay chấp nhận bọn diệt chủng Polpot;
2. Duy trì hay xoá bỏ nguyên trạng chính trị và quân sự ở Campuchia.
Cuộc đấu tranh diễn ra gay gắt trong suốt quá trình hội nghị. Đối phương dùng áp lực của 5 nước lớn và đa số trong hội nghị đòi áp đặt việc lập Chính phủ liên hiệp lâm thời 4 bên do Sihanouk đứng đầu và đòi lập bộ máy kiểm soát quốc tế của LHQ. Còn phía ta đòi loại trừ bọn diệt chủng Polpot, đòi tôn trọng nguyên tắc nước ngoài không được can thiệp vào công việc nội bộ Campuchia, tôn trọng nguyên trạng ở Campuchia có hai chính quyền, tôn trọng quyền của nhân dân Campuchia tự quyết định chế độ chính trị của mình và lập chính phủ của mình thông qua tổng tuyển cử tự do. Phía ta chấp nhận vai trò của LHQ nếu LHQ chấm dứt những nghị quyết thiên vị, ủng hộ một bên chống một bên.
Phát biểu của ta tại phiên họp toàn thể tập trung lên án diệt chủng Polpot, khẳng định kết luận của JIM về hai vấn đề then chốt (rút quân Việt Nam và lên án diệt chủng) và nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ Campuchia, đề cao vị trí của Nhà nước Campuchia. Các ngoại trưởng chỉ dự các phiên họp toàn thể hội nghị trong 3 ngày đầu và 2 ngày cuối của hội nghị, còn phần lớn thời gian dành cho các buổi họp các uỷ ban: ủy ban 1 (về kiểm soát ), uỷ ban 2 (về bảo đảm quy chế), uỷ ban 3 (về người tị nạn và vấn đề tái thiết Campuchia), uỷ ban ad hoc (gồm các bên Campuchia để bàn các vấn đề thuộc nội bộ Campuchia) và uỷ ban Phối hợp, có nhiệm vụ thảo luận thực chất nội dung của giải pháp.
Cũng trong thời gian này, ta tranh thủ tiếp xúc riêng các đoàn. Ngày 3.8, thứ trưởng ngoại giao Liên Xô Rogatchev cho biết: phó đoàn Trung Quốc Lưu Thuật Khanh nói do không có thời gian nên Tiền Kỳ Tham không gặp được đồng chí Nguyễn Cơ Thạch; nhưng Tiền lại nói nếu đồng chí Trần Quang Cơ yêu cầu thì có thể gặp (?). Hôm sau Lưu Thuật Khanh lại nhắn qua Rogatchev: Chưa thấy đồng chí Cơ yêu cầu gặp, nếu yêu cầu thì sẽ nhận lời. Đến sáng 7.8.89, ta đặt vấn đề với phía Trung Quốc: Nguyễn Cơ Thạch và Trần Quang Cơ đề nghị gặp quyền trưởng đoàn Trung Quốc Lưu Thuật Khanh (Tiền Kỳ Tham đã về nước) để trao đổi ý kiến. Lưu Thuật Khanh nhận lời ngay. Cuộc gặp diễn ra tại sứ quán Trung Quốc ở Paris ngay 4 giờ chiều ngày hôm đó. Thái độ của Lưu tỏ ra nhã nhặn tuy lập trường Trung Quốc chưa có gì khác. Lưu nói nếu Việt Nam đồng ý có chính phủ lâm thời 4 bên Campuchia (tức là có cả Khmer đỏ như một thành viên ngang với 3 bên kia) thì vấn đề Campuchia coi như giải quyết, và thanh minh là Trung Quốc không muốn phía 3 phái chiếm 3/4 chiếc bánh, chỉ cần có sự tham gia của cả 4 bên Campuchia, còn chia phần như thế nào là tuỳ họ. Nếu chỉ 2 bên, 3 bên thì không thực tế và không chấp nhận được. Lưu đề nghị ta không dùng từ “diệt chủng”; vấn đề diệt chủng là việc nội bộ Campuchia, do họ tự giải quyết.
Sở dĩ Trung Quốc đến Hội nghị Paris trong khi chưa sẵn sàng giải quyết vấn đề Campuchia là vì họ đang cố gắng gỡ thế cô lập sau sự kiện Thiên An Môn và trong lúc nội bộ họ vẫn đấu tranh gay gắt về các vấn đề đối nội và đối ngoại. Trung Quốc bất chấp tình hình thực tế, đưa ra đòi hỏi rất cao là xoá nguyên trạng ở Campuchia trước tổng tuyển cử, chia sẻ quyền lực cho 4 phái, làm suy yếu cách mạng Campuchia, chia rẽ 3 nước Đông Dương. Mỹ, phương Tây, ASEAN mâu thuẫn với Trung Quốc về vấn đề Khmer Đỏ, nhưng thống nhất với Trung Quốc trong việc không chấp nhận nguyên trạng ở Campuchia, và có lợi ích không làm xấu thêm quan hệ với Trung Quốc.
Chiều 10.8, trợ lý ngoại trưởng Mỹ Lambertson cùng 4 người trong đoàn Mỹ tới phòng làm việc của đoàn ta ở Trung tâm hội nghị Kléber, yêu cầu gặp tôi để trao đổi về vấn đề Campuchia. Tôi cùng anh Lê Mai đã tiếp họ trong 1 tiếng. Họ trình bày quan điểm của Mỹ về vấn đề Campuchia: cần có giải pháp toàn bộ, không nhận giải pháp bộ phận; có sự chia sẻ quyền lực thật sự cho các phái Khmer không cộng sản và trao thực quyền cho Sihanouk, chứ không phải tượng trưng, mong Việt Nam tác động để Hunxen mềm dẻo hơn. Về vấn đề diệt chủng và Khmer Đỏ, họ vẫn giữ lối nói nước đôi. Họ nói đến triển vọng quan hệ tốt giữa Mỹ và Việt Nam, nhưng không quên vấn đề MIA. Ngày 11.8.89 anh Thạch về nước, đến 25.8 mới trở lại. Còn cả đoàn ở lại, chia nhau đi họp các uỷ ban
Tuy ta cố tránh tranh cãi với đoàn Trung Quốc trong các buổi họp chung như đã thoả thuận với Lưu Thuật Khanh, nhưng trong buổi họp uỷ ban 1 (Uỷ ban về kiểm soát quốc tế) ngày 16.8 bàn vấn đề diệt chủng, sau khi tôi phát biểu lên án Khmer Đỏ, vạch tội ác diệt chủng, đại biểu Trung Quốc đã phản bác: Việt Nam đòi kết tội diệt chủng là để che dấu hành động xâm lược, thoái thác trách nhiệm, viện cớ chống diệt chủng để đưa quân trở lại Campuchia; kết tội diệt chủng thì Khmer Đỏ sẽ không được tham gia chính quyền, sẽ vào rừng tiếp tục đánh nhau, do đó sẽ không có hoà bình ở Campuchia; và đổ tội cho Việt Nam sẽ phải chịu trách nhiệm về thành công hay thất bại của hội nghị. Tôi không thể không phát biểu đập lại các luận điệu đó, khẳng định phải giải quyết vấn đề ngăn chặn diệt chủng mới giải quyết được các vấn đề khác. Tôi vạch rõ sự thật lịch sử là những năm 1975-1978 là thời gian chế độ diệt chủng Polpot hoành hành thì Việt Nam không có mặt ở Campuchia, lúc đó chỉ có cố vấn Trung Quốc mà thôi.
Sau phát biểu của ta về vấn đề diệt chủng, trừ Trung Quốc và Singapore, không còn ai nói cắt bỏ từ “genocide” (diệt chủng). Sihanouk tuyên bố không cho Khmer Đỏ đại diện cho 3 phái, các uỷ ban đều phải ghi nhận và bàn vấn đề diệt chủng, những kẻ đòi không dùng từ “diệt chủng” cũng phải thừa nhận sự tàn bạo của Khmer Đỏ.
Ngày 29.8.89, theo chương trình đã định, các ngoại trưởng, trừ ngoại trưởng Mỹ và ngoại trưởng Trung Quốc, trở lại Paris để họp phiên kết thúc hội nghị. Ngày 30.8, sau khi trao đổi với hai đồng chủ tịch hội nghị về dự thảo tuyên bố của hội nghị quốc tế, anh Thạch chờ ở phòng họp đến 12 giờ trưa, vì tình hình sức khoẻ phải trở về sứ quán để nghỉ. Ta báo Ban Thư ký hội nghị là thứ trưởng Trần Quang Cơ sẽ là quyền trưởng đoàn Việt Nam dự phiên họp cấp bộ trưởng bế mạc hội nghị.
Cuộc họp hẹp không chính thức ở cấp bộ trưởng bắt đầu từ khoảng 14 giờ kéo dài gần 5 tiếng. Vì là họp hẹp, mỗi đoàn chỉ có 2 người dự, nên chỉ có tôi và anh Lê Mai trong phòng họp. Cuộc họp này chủ yếu tranh cãi về điều bổ sung vào dự thảo Tuyên bố hội nghị của trưởng đoàn Canada dựa theo ý của Trung Quốc, mang hàm ý phủ nhận kết luận của JIM về 2 vấn đề then chốt của giải pháp. Do chưa hiểu hết ý đồ của đối phương, anh Hunxen đã phát biểu chấp thuận bổ sung này. Để tránh chỗ sơ hở này và không để đối phương có thể khai thác sự khác nhau giữa ta và Campuchia, tôi đã yêu cầu chủ tịch cuộc họp ngừng cuộc họp ít phút để trao đổi riêng giữa 3 đoàn Việt Nam, Campuchia và Lào. Sau khi phân tích để bạn thấy được ý định nguy hiểm của đối phương trong điểm bổ sung này, tôi đề nghị cả 3 đoàn gặp 2 đồng chủ tịch yêu cầu sửa lại bổ sung này, không để cho đối phương có thể lợi dụng câu chữ mập mờ để nói là Hội nghị Quốc tế Paris đã phủ nhận kết luận của JIM về chống diệt chủng.
Sau khi dự thảo Tuyên bố của Hội nghị được thông qua, mới đi vào phiên họp chính thức để bế mạc Hội nghị sau một tháng làm việc liên tục. Tuyên bố chung ngắn gọn của Hội nghị Quốc tế Paris về Campuchia ghi nhận Hội nghị này là một bước tiến có ý nghĩa. Hội nghị tạm ngừng, kêu gọi các bên Campuchia và các nước có liên quan tiếp tục cố gắng để đi tới một giải pháp toàn bộ.
Kết quả rất hạn chế của Hội nghị phản ánh tính chất vô cùng phức tạp của vấn đề Campuchia. Việc Việt Nam rút hết quân vào tháng 9.89 và triển vọng Nhà nước Campuchia vẫn đứng vững đã thúc ép đối phương phải có hội nghị này, song chưa tới mức họ phải chấp nhận nguyên trạng chính trị quân sự ở Campuchia. [Hội nghị không thành công do nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chính là Trung Quốc và đối phương muốn giải quyết trên cơ sở xoá bỏ Nhà nước Campuchia, Mặt khác Trung Quốc còn hy vọng làm thay đổi được tình hình sau khi Việt Nam rút quân. Về phía Nhà nước Campuchia, sau chuyến đi Thái Lan ngày 25.1.89 của Hunxen theo lời mời của Thủ tướng Chatichai và sau những lần tiếp xúc với nhóm Chaovalit từ tháng 6.88, Bạn Campuchia có phần ảo tưởng ở Thái Lan và đánh giá không đúng lực lượng của bản thân mình nên tại Hội nghị TƯ lần thứ 9 tháng 7.89 ngay trước Hội nghị Paris, đã quyết tâm “ăn cả” bằng một giải pháp quân sự. Lúc này tình hình Đông Âu có những diễn biến phức tạp bắt đầu từ việc Công đoàn Đoàn kết lên cầm quyền ở Ba Lan.]31
Ngày 5.10.89, trong khi đã trả lời phỏng vấn báo chí, tôi đã nói về nguyên nhân khiến hội nghị quốc tế Paris chưa thành công:
“Ngay từ những ngày đầu, dư luận trong và ngoài Hội nghị đều đã thấy vật cản chính và duy nhất cho khả năng tiến triển cuả Hội nghị là nhóm đại diện của Polpot được sự khuyến khích và phụ hoạ chủ yếu của một số nước vì lợi ích riêng tư của họ. Càng về cuối Hội nghị, điều này càng thành sự thực hiển nhiên.
Để lấp liếm trách nhiệm, họ đã vu khống Việt Nam và Nhà nước Campuchia quá cứng rắn khiến Hội nghị bế tắc.
Làm sao chúng ta có thể đi đến thoả thuận được trong khi đối phương ngoan cố tới mức tự mâu thuẫn một cách trắng trợn trong lập trường cũng như các lập luận của họ ? Họ nói tôn trọng nguyên tắc chủ quyền của nhân dân Campuchia nhưng họ lại đòi phải để các nước ngoài tham gia giải quyết các vấn đề nội bộ Campuchia, lại áp đặt cho nhân dân Campuchia phải chấp nhận một chính phủ theo hình thức họ định ra trước; họ nói họ vô cùng phản đối tội ác giết người của bọn Polpot nhưng họ lại đòi hợp pháp hoá tổ chức diệt chủng và đòi cho chúng được chia quyền cai trị đất nước Campuchia.
Cộng đồng quốc tế có trách nhiệm loại trừ hiểm hoạ diệt chủng này. Đặc biệt là những nước xưa nay lớn tiếng doạ Việt Nam rút quân trong khi đó lại lẩn tránh lên án diệt chủng, thì nay đến lượt họ phải có trách nhiệm ngăn diệt chủng gây nội chiến ở Campuchia.
Về triển vọng quan hệ giữa các nước khu vực với đà tiến triển của vấn đề Campuchia còn tuỳ thuộc các nhân tố chủ quan cũng như khách quan, trong đó có khả năng của ta chuyển hoá các nhân tố khách quan có lợi hơn cho việc thực hiện mục tiêu của ta. Chẳng hạn như khả năng thực hiện phương châm “thêm bạn bớt thù” trong đối ngoại đòi hỏi có được một ý niệm rộng rãi hơn về bạn. Tất nhiên mở rộng việc kết bạn không có nghĩa là thủ tiêu đấu tranh và phải trên cơ sở bảo vệ tốt lợi ích an ninh quốc gia của ta”.
Cũng nên biết đối với vấn đề diệt chủng ở Campuchia, Liên Xô vì lợi ích chiến lược của mình, nên chủ trương hầu như không khác gì Trung Quốc. Trong cuộc gặp anh Nguyễn Văn Linh ở Hà Nội tối 5.9.89, Heng Somrin cho biết anh vừa đi nghỉ ở Liên Xô về và kể rằng:
“Trước khi đi, tôi nêu yêu cầu được gặp Gorbachov để thông báo tình hình Campuchia và trao đổi một số vấn đề, Liên Xô đồng ý. Nhưng khi đến Liên Xô, đồng chí Gorbachov không gặp tôi mà để đồng chí uỷ viên dự khuyết Bộ Chính trị, phó chủ tịch Xô Viết tối cao gặp. Tôi hiểu rằng vì hội nghị quốc tế ở Paris chưa có kết quả gì nên Gorbachov không gặp tôi. Trong khi gặp tôi, phía Liên Xô nói thẳng là chúng tôi phải chấp nhận lập chính phủ liên hiệp 4 bên, cho cả Khmer Đỏ vào và để Sihanouk làm chủ tịch. Chính phủ đó và Sihanouk có thực quyền. Liên Xô giải thích là trong Khmer Đỏ chỉ có Polpot và vài người theo Polpot là xấu thôi, còn lại thì PhnomPenh nên chấp nhận cho họ tham gia chính phủ. Lập trường này của Liên Xô, chúng tôi không đồng ý”.
Vậy là đến lúc này cả Liên Xô lẫn Trung Quốc vì lợi ích của mình cùng nhất trí trong hành động dùng sức ép nước lớn can thiệp vào công việc nội bộ, xâm phạm chủ quyền của Campuchia.
31 Phần [ ], bản 01 viết: [Hội nghị kết thúc một giai đoạn đấu tranh và mở ra giai đoạn đấu tranh mới về vấn đề Campuchia trong tình hình Việt Nam đã rút hết quân ở Campuchia nhưng vấn đề Campuchia vẫn chưa có giải pháp.]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét