Đấu khẩu ngoại giao giữa Trung Quốc và Việt Nam tiếp tục với việc Bắc Kinh bác bỏ "cáo buộc không xác đáng" về hoạt động ở quần đảo Hoàng Sa.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân tuyên bố tại cuộc họp báo ngày 16/3 ở Bắc Kinh.Ông này nói: "Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo trên Nam Hải và vùng biển chung quanh."
"Trung Quốc không chấp nhận những cáo buộc không xác đáng từ những nước liên quan."
Ông Lưu Vi Dân trả lời câu hỏi sau khi Việt Nam yêu cầu Bắc Kinh "chấm dứt các hoạt động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại khu vực quần đảo Hoàng Sa".
Ông tuyên bố: "Ưu tiên hàng đầu bây giờ là có hợp tác thực tiễn ở Nam Hải càng sớm càng tốt, trong khuôn khổ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Nam Hải."
Hồi đáp của Trung Quốc chỉ nhắc chung chung về khu vực mà nước này gọi là Nam Hải và Việt Nam gọi là Biển Đông, mặc dù cáo buộc của Việt Nam ngày 15/3 là về diễn biến xung quanh Hoàng Sa.
Lập trường của Trung Quốc lâu nay là không đàm phán với Việt Nam về Hoàng Sa, quần đảo mà nước này chiếm được sau trận đánh với Hải quân Việt Nam Cộng hòa năm 1974.
Mời thầu dầu khí
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam liệt kê một loạt các "vi phạm" của Trung Quốc.
Nhưng có vẻ mục tiêu chính của Hà Nội nhắm vào việc "Công ty Dầu khí Ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC) tiến hành mời thầu dầu khí 19 lô ở khu vực phía Bắc Biển Đông trong đó có lô 65/24, cách đảo Cây (Tree Island) thuộc quần đảo Hoàng Sa khoảng 01 hải lý".
Thông tin mời thầu dầu khí 19 lô của CNOOC đã được loan báo từ hồi năm ngoái.
IHS Global Insight viết trong một báo cáo năm ngoái: "Không rõ diện tích của lô 65/24 và 55/03 có nằm ngoài ranh giới đòi chủ quyền của Việt Nam hay không."
"Các nhà thầu có rủi ro kẹt trong căng thẳng chính trị giữa hai nước," báo cáo này nói.
Các công ty năng lượng nước ngoài đang gia tăng hoạt động khảo sát trong khu vực tranh chấp, một điều có thể khiến tình hình thêm phức tạp.
Forum Energy PLC, một hãng đặt ở Anh, đang tìm dầu theo thỏa thuận với Philippines, và tháng rồi tuyên bố sẽ vẫn tiếp tục bất chấp phản đối của Trung Quốc.
ONGC Videsh của Ấn Độ đã nói họ sẽ bắt đầu khoan dầu trong khu vực theo thỏa thuận với Việt Nam.
Mùa hè năm ngoái, Việt Nam và Trung Quốc đã rất căng thẳng, sau việc tàu Trung Quốc cắt dây cáp tàu khảo sát do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thuê.
Sự cố này đã góp phần mở đường cho các cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Việt Nam.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau đó thăm Bắc Kinh vào tháng 10, và ký “Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét