15. AI LÀ NGƯỜI ĐÁNG LÝ RA PHẢI NHỚ DAI ?
Sau cuộc gặp cấp cao ở Thành Đô, yêu sách chính của Trung Quốc đối với ta trong vấn đề Campuchia tập trung chủ yếu vào việc đòi ta thực hiện thoả thuận Thành Đô, tác động với PhnomPenh theo hướng: “nhận bầu Sihanouk làm chủ tịch SNC gồm 13 thành viên của 4 bên Campuchia; chấp nhận văn kiện của 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an về vấn đề Campuchia.
6 giờ sáng ngày 9.9.90, đại sứ Trung Quốc đến Ban Đối ngoại (chứ không đến Bộ Ngoại giao) gặp Hồng Hà trao thông điệp báo các bên Campuchia sẽ họp ngày 10.9 tại Jakarta để bàn việc lập SNC và nhấn mạnh yêu cầu Việt Nam tác động theo hướng đã thỏa thuận tại Thành Đô. Ngay sau đó BCT đã họp trao đổi về thông điệp đó và quyết định cử tôi đi Jakarta. Trong cuộc họp này BCT đã quyết định từ nay các tiếp xúc đối ngoại về mặt Nhà nước đều phải qua Bộ Ngoại Giao và phải báo cáo với anh Thạch và bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh (?) vì cách làm của đại sứ Trung Quốc phớt lờ Bộ Ngoại Giao một cách quá lộ liễu.
Trưa ngày 9.9.90 tôi cùng anh Huỳnh Anh Dũng đáp máy bay qua đường Bangkok sang thủ đô Inđônêxia để theo dõi cuộc họp của các bên Campuchia bàn về việc thành lập SNC. Không có “cẩm nang” nào kèm theo chỉ thị đó cả, chỉ có lời dặn ngắn gọn của TBT Nguyễn Văn Linh là cố lập được SNC.
Chiều tối 10.9.90, vừa chân ướt chân ráo từ sân bay về đến sứ quán ta ở Jakarta, tôi đã nhận được một cú điện thoại từ sứ quán Trung Quốc gọi tới. Trương Thanh gọi điện thoại đến nói là chào trước khi rời Jakarta và cảm ơn tôi đã tác động tích cực khiến cho cuộc họp các bên Campuchia này đạt được một số kết quả (!). Tôi trả lời là tôi không dám nhận sự biểu dương đó, nếu như cuộc họp kết quả tốt thì đó là do thiện chí của Nhà nước Campuchia.
Chả là lúc tôi xuống sân bay Jakarta cũng là lúc cuộc họp giữa các bên Campuchia vừa bế mạc sau khi đã thoả thuận lập SNC gồm 12 thành viên, chức chủ tịch còn để trống và tuần tới sẽ họp phiên đầu tại Bangkok để giải quyết nốt vấn đề chủ tịch SNC. Bản tuyên bố chung của cuộc họp có ghi “Các bên Campuchia chấp nhận toàn bộ văn kiện khung của P5 làm cơ sở để giải quyết cuộc xung đột Campuchia”. Tôi nghĩ rằng Bộ Chính trị bảo tôi sang Jakarta có thể là một động tác sách lược để tỏ ra với Trung Quốc là ta tích cực thực hiện thoả thuận Thành Đô. Còn Trương Thanh gọi điện cảm ơn tôi thực ra cũng là một sự vỗ về của Trung Quốc để khuyến khích tôi tiếp tục cố gắng thực hiện thoả thuận Thành Đô ! Nhưng sự khuyến khích đó lại có tác dụng trái ngược lại, làm thức tỉnh cái con người bướng bỉnh trong tôi. Từ đầu, tôi và số anh em chuyên nghiên cứu vấn đề Campuchia và quan hệ với Trung Quốc trong Bộ Ngoại Giao đã rất không thông với thoả thuận Thành Đô vì nhiều lẽ, nay tôi càng thấy mình không thể hành động trái với điều mình cho là lẽ phải.
Ngày 13.9.90 tôi lại được trong nước chỉ thị đi thẳng từ Jakarta sang Bangkok để theo dõi phiên họp đầu tiên của SNC ở đó. Sáng 14.9.90 Bí thư thường trực Bộ Ngoại Giao Thái Kasem mời tôi tới Bộ Ngoại giao Thái Lan nói chuyện. Chủ đề câu chuyện vẫn là vấn đề Campuchia. Kasem hỏi dò tôi về thoả thuận giữa Việt Nam và Trung Quốc về cơ chế SNC. Tôi trả lời đó chỉ là những tin đồn không căn cứ, không nên tin. Trưa hôm đó, Sok An, thứ trưởng ngoại giao Campuchia, tìm đến gặp tôi. Anh hỏi ý kiến về cuộc họp SNC ở Bankok sắp tới, thái độ ta nên như thế nào nếu đối phương đòi đưa Sihanouk làm chủ tịch SNC và là thành viên thứ 13 cuả SNC ? Tôi gợi ý cần giữ vững nguyên tắc hai bên ngang nhau. Để thiện chí, một lần nữa, ta có thể nhận cho đối phương thêm một người nhưng bên ta cũng phải thêm một người (mỗi bên 7 người). Không 12 thì 14 chứ không nhận 13. Sau đó tôi lại được anh Sok An cho biết là Kraisak, con trai Thủ tướng Chatichai và là thành viên trong nhóm cố vấn của Thủ tướng Thái, đã bảo anh rằng ông ta được Bộ Ngoại giao Thái thông báo là Việt Nam cũng ủng hộ việc lập SNC với 13 thành viên do Sihanouk đứng đầu. Tôi nói với Sok An đấy là điều bịa đặt và tôi sẽ gặp Kraisak dể nói lại. Chiều hôm khi gặp Kraisak, tôi nói khá thẳng rằng: “Không thể coi ông Sihanouk là ông chủ ở Campuchia, là vua trên tất cả. Vấn đề thành phần cũng như chức chủ tịch SNC phải do người Campuchia quyết định. Việt Nam và Trung Quốc không có quyền bỏ phiếu về vấn đề đó”. Sau đó Kraisak kể lại cả cho Kasem. Kết quả là cuộc họp SNC phiên đầu tiên 17.9.90 tại Bangkok đã tan vỡ vì Hunxen không chấp nhận công thức “6+2+2+2+1”, cự tuyệt bầu Sihanouk làm chủ tịch với tư cách là thành viên thứ 13 của SNC. Hẳn Trung Quốc đã gắn trách nhiệm hoặc ít ra cũng là một phần trách nhiệm về thất bại đó cho tôi.
Hạ tuần tháng 9.90, Trung Quốc đón Phó Thủ tướng Võ Nguyên Giáp thăm Trung Quốc và dự lễ khai mạc Á Vận Hội (ASIAD) 11 với tư cách là “khách mời đặc biệt của Chính phủ Trung Quốc” (tuy nhiên báo chí Trung Quốc vẫn đưa tin việc Trung Quốc mời Võ Nguyên Giáp là thể theo yêu cầu của ta, dù rằng ngày 4.9.90 khi tiếp đoàn cấp cao của ta ở Thành Đô chính Giang Trạch Dân đã nói sẽ mời anh Giáp dự khai mạc ASIAD như một cử chỉ thiện chí của họ). Ngày 24.9.90 khi tiếp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Lý Bằng có nói: “Sau cuộc gặp cấp cao ở Thành Đô, cuộc họp Jakarta kết quả tốt, đã ra được tuyên bố SNC 13 người. Song đến khi họp SNC ở Bangkok thì không tốt. Xin nói thẳng thắn với đồng chí là chúng tôi thấy Thứ trưởng Trần Quang Cơ có tác dụng xấu trong việc này. Khi Kasem hỏi có phải thực sự giữa Việt Nam và Trung Quốc đã đi đến thoả thuận lập SNC gồm 13 người hay không? Trần Quang Cơ đã đáp rằng hoàn toàn không có việc đó; đó hoàn toàn là những điều dối trá. Chúng tôi không biết tại sao Thứ trưởng Trần Quang Cơ lại nói những lời như vậy, hoàn toàn truyền đạt thông tin không đúng đắn”. Anh Giáp đáp: “Khi về tôi sẽ hỏi lại về phát biểu của đồng chí Cơ. Nếu có như vậy thì đây không phải là ý kiến của Trung ương chúng tôi. Tôi không biết việc này vì tôi không phụ trách công tác ngoại giao”.
Tiện đây tôi thấy cũng nên ghi lại một chuyện có thể giúp cho chúng ta hiểu thêm đặc điểm của người Trung Quốc: sau khi đến Bắc Kinh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có đề nghị gặp một số tướng lĩnh trong quân đội Trung Quốc như Dương Đắc Chí (Dương là tổng chỉ huy cuộc chiến tranh đánh Việt Nam năm 1979). Nhưng Dương nói một cách bực tức: “Đời nào tôi lại gặp ông ta. Mộ của các cán bộ chiến sĩ còn chưa xanh cỏ !”. Ngày 1.10.90 Dương cùng một số tướng lĩnh khác còn gọi điện thoại thăm hỏi động viên sĩ quan binh lính ở Vân Nam, Quảng Tây. Nhà văn quân đội Lý Tôn Bảo tác giả cuốn “Vòng hoa dưới chân núi cao” viết về cuộc tấn công vào Việt Nam tháng 2.79, phát biểu: “Xem tin Lý Bằng tiếp Võ Nguyên Giáp mà trong lòng tôi cảm thấy bứt rứt. Giờ đây chúng ta phải xem xét lại xem có gây ra cuộc chiến tranh đó không? Chẳng những phần lớn sĩ quan binh lính dưới đơn vị không thông ngay cả một số tướng lĩnh cao cấp cũng không thông nổi”.
Tư liệu trên đây tôi lấy ở bài “Võ Nguyên Giáp thăm Bắc Kinh gây chấn động” của Quan Nghiệp Thành đăng trên báo “Tranh Minh” xuất bản ở Hồng Kông tháng 11.90. Từ đó đến nay, tôi vẫn phân vân là giữa người Việt Nam và người Trung Quốc đáng lý ra ai là người phải nhớ dai hơn về sự kiện tháng 2.79 ?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét