3. ĐẠI HỘI “ĐỔI MỚI”
Đại hội VI, mệnh danh là Đại hội “đổi mới” của Việt Nam, thực chất bắt đầu từ đổi mới tư duy kinh tế mà đi tới đối mới tư duy đối ngoại. Đại hội diễn ra trong bối cảnh xu hướng hoà bình ổn định trên thế giới đang phát triển, các nước lớn đi sâu vào quan hệ hoà hoãn từng cặp Mỹ – Xô, Mỹ – Trung và Xô - Trung. Tác động mạnh nhất và trực tiếp nhất tới vấn đề Campuchia và Việt Nam là hoà hoãn Xô - Trung. Không phải ngẫu nhiên mà Nghị quyết 32/BCT21 ngày 9.7.86 quy định cần đặt giải pháp chính trị vấn đề Campuchia và đi vào bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc (“giải pháp vấn đề Campuchia phải giữ vững thành quả cách mạng Campuchia, giữ vững đoàn kết 3 nước Đông Dương”) lại ra đời ít ngày trước bài diễn văn của Gorbachov ở Vladivodstock (28.7.86) trong đó Gorbachov công bố những nét lớn trong chính sách đối ngoại mới của Liên Xô đối với châu Á - Thái Bình Dương: xích gần lại với Trung Quốc, giải quyết “3 trở ngại” mà Trung Quốc nêu ra (rút quân khỏi Afghanistan, chấm dứt xung đột biên giới Trung – Xô, giải quyết vấn đề Campuchia). Gorbachov tuyên bố: “Vấn đề Campuchia không thể giải quyết ở các thủ đô xa xôi, kể cả ở Liệp Hiệp Quốc, phải giải quyết giữa Việt Nam và Trung Quốc là hai nước XHCN láng giềng”.
Cũng trong những năm 1986-1988, cuộc khủng hoảng kinh tế – xã hội ở nước ta lên tới đỉnh cao. Trước thúc bách của hoàn cảnh thế giới và trong nước như vậy, về đối ngoại, Đảng đã quyết định chuyển sang một giai đoạn đấu tranh mới trong cùng tồn tại hoà bình với Trung Quốc, ASEAN, Mỹ để nhanh chóng phục hồi kinh tế, phát triển trong hoà bình. Giai đoạn đấu tranh nhằm giành thắng lợi hoàn toàn cho cách mạng CPC với ảo tưởng “tình hình không thể đảo ngược”22 đã kết thúc, và ta phải chấp nhận thực tế đấu tranh từng bước để đạt một giải pháp chính trị cho vấn đề Campuchia.
Sau khi được đặc cử23 đi dự Đại hội VI (tháng 12.86), tôi được bầu vào Trung ương khoá 6. Rồi đến tháng 1.87, nhận chức thứ trưởng Bộ Ngoại Giao, chuyên trách vấn đề giải pháp
Campuchia.
Ngày 7.3.87, Bộ Chính trị (BCT)24 họp xem xét đề án đấu tranh ngoại giao, nhận định Trung Quốc có hai mặt: vừa tồn tại nhân tố XHCN, vừa có chính sách bá quyền. Đánh giá về chiến lược của Trung Quốc đối với Đông dương, BCT nêu ba khả năng:
1. Tiếp tục đối đầu.
2. Cùng tồn tại hoà bình.
3. Hợp tác hữu nghị.
Trên tinh thần đó ta chủ trương tấn công ngoại giao trên hai mũi: một mặt đề nghị Việt Nam-Trung Quốc đàm phán bí mật tạo khuôn khổ cho giải pháp Campuchia; mặt khác Campuchia ra tuyên bố về chính sách hoà hợp dân tộc. Ta chủ trương làm với trung Quốc là chính, đồng thời thúc đẩy các diễn đàn khác.
Ngày 9.4.87, để giúp BCT xúc tiến việc thực hiện Nghị quyết 32/BCT và Nghị quyết về đối ngoại của Đại hội VI, Bộ Ngoại Giao đã ra quyết định thành lập Tổ nghiên cứu nội bộ lấy ký hiệu là CP87 với nhiệm vụ:
- Nghiên cứu chủ trương giải quyết các vấn đề bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc, vấn đề Campuchia và hoà bình ở Đông Nam Á; chuẩn bị các phương án đấu tranh trước, trong và sau khi có giải pháp;
- Nghiên cứu các diễn đàn có thể tác động tích cực tới phương hướng đó;
- Nghiên cứu nội dung phối hợp hoạt động với Liên Xô, Lào, Campuchia theo phương hướng đó.
Bộ phận thường trực CP87 gồm có: Trần Quang Cơ, Đặng Nghiêm Hoành (Vụ trưởng vụ Tổng hợp đối ngoại), tổ phó; Nguyễn Phượng Vũ (Vụ trưởng vụ Trung Quốc); Trần Xuân Mận (Vụ trưởng vụ Á châu II). Các thành viên không thường trực của CP87 có : anh Đặng Nghiêm Bái (Vụ trưởng vụ Bắc Mỹ), anh Tạ Hữu Canh (Vụ trưởng vụ Liên Xô), anh Nguyễn Can (Vụ trưởng vụ Á châu III), anh Trịnh Xuân Lãng (Vụ trưởng Vụ Báo chí)... Là thứ trưởng chuyên trách vấn đề Campuchia, tôi có nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo CP87.
Bộ Ngoại Giao CHND Campuchia cũng thành lập bộ phận B1 có thứ trưởng Ngoại giao Dith Munty, Sok An, Chom Prasit... làm đối tác của CP 87.
21 viết tắt của: Bộ Chính trị (BT)
22 préversible
23 không phải qua ứng cử ở một đảng bộ địa phương
24 của Ban Chấp hành trung ương Đảng CS VN (BT)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét