Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012

Trường Sa Đông nhớ Trường Sa Tây


 
Mai Thanh Hải – Vinh quê Thanh Hóa, là Thượng úy, Phân đội trưởng chiến đấu trên đảo Trường Sa Đông, khi chỉ huy bộ đội đẩy xuồng chúng mình vượt khỏi bãi cạn lúc nước triều xuống, tuy mệt đứt hơi, thở hổn hển nhưng vẫn cười tươi, răng trắng lấp lóa trên gương mặt đen nhẻm, giống y quảng cáo kem đánh răng và hát to: “Đường ra trận mùa này đẹp lắm. Trường Sa Đông nhớ Trường Sa Tây!”.
Trường Sa Đông thì sừng sững hiên ngang bên quần đảo đây rồi. Còn Trường Sa Tây?. Vinh cười, răng vẫn trắng lấp lóa: “Ngoài này, chiều chiều nhìn về phương mặt trời lặn phía Tây. Đó là đất liền đó anh!”. Ừ! Gọi đất liền là Trường Sa Tây, cũng có gì là sai đâu?.. 
Năm trước mình ra Trường Sa Đông, ở ngoài sân vẫn còn mấy cây phong ba mọc la đà mặt đất, trên đó có treo mấy cái võng, ngồi rất thích.
Năm nay ra, có lẽ do tiến nhanh lên “chính quy hiện đại”, nên chỉ huy đảo chặt béng mấy cây đó, lấy diện tích làm nơi chào cờ, nghi lễ, bộ đội chơi thể thao… nên mình mất chỗ ngồi võng ngắm đảo quen thuộc, tiếc tiếc là.
Định dạng về Trường Sa Đông, phải nói rõ thế này: Đảo nằm ở 8055’ vĩ độ Bắc; 122021’ kinh độ Đông, cách đảo Đá Tây 8,5 hải lý về phía Bắc, cách đảo Đá Đông 12 hải lý về phía Tây Bắc và nằm trên phía Đông của bãi san hô ngập nước, dài khoảng 1 hải lý.
Lịch sử Hải quân Việt Nam ghi rõ: Tháng 3/1978, tình hình khu vực quần đảo Trường Sa có nhiều diễn biến phức tạp, các nước trong khu vực tăng cường hoạt động thăm dò bằng máy bay, tàu thuyền xâm phạm các đảo chúng ta đang đóng giữ.
Trước tình hình đó, Đảng uỷ Quân chủng Hải quân đã ra Nghị quyết chỉ rõ “Phải tập trung, khẩn trương mọi nỗ lực cao nhất của toàn Quân chủng vào việc chuẩn bị chiến đấu, sẵn sàng đánh thắng kẻ thù xâm lược, giành cho được thắng lợi từ trận đầu, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”.
Chấp hành mệnh lệnh của Quân chủng, ngày 4/4/1978, tàu HQ-681 thuộc Lữ đoàn 125 đưa 19 cán bộ, chiến sỹ do đồng chí Nguyễn Trung Cang, Tham mưu trưởng Trung đoàn 146 chỉ huy 1 lực lượng ra đóng giữ đảo.
Ngày 19/4/1978, một lực lượng khác gồm 17 cán bộ chiến sĩ, ra thay cho bộ phận của đồng chí Nguyễn Trung Cang. Chỉ huy trưởng lúc này là đồng chí Bùi Xuân Nhã.
Do làm tốt công tác giáo dục, quán triệt và xác định tốt nhiệm vụ, sau gần một tháng khẩn trương xây dựng trận địa, công sự chiến đấu hoàn tất, đời sống cán bộ, chiến sỹ ổn định, khắc phục khó khăn quyết tâm bám trụ, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Đảo chạy dài theo hướng Đông-Tây. Trên đảo không có giếng nước ngọt.
Để trồng cây và rau xanh, cán bộ, chiến sỹ trên đảo phải vận chuyển từng bao đất nhỏ trong đất liền ra, tận dụng vật liệu xây dựng che chắn bồn rau, tiết kiệm từng giọt nước ngọt ươm mầm cây xanh.
Trải qua hơn 3 thập kỷ sau ngày giải phóng với ý chí và nghị lực của cán bộ, chiến sỹ nơi đây, đảo Trường Sa Đông đã được cải tạo từ đảo bãi đá san hô cằn cỗi trở thành một hòn đảo xanh tươi, rợp bóng mát của các loại cây  như bàng vuông, phong ba, muống biển…
Cũng từ những khó khăn trong việc tăng gia, với nghị lực, sự sáng tạo của người lính canh biển, cán bộ, chiến sỹ đảo Trường Sa Đông đã thiết kế thành công lò ấp trứng gia cầm, thủy cầm đầu tiên trên quần đảo Trường Sa.
Đến nay, cán bộ, chiến sỹ đảo Trường Sa Đông là một trong những đơn vị dẫn đầu trong phong trào tăng gia, chăn nuôi của Lữ đoàn 146. Năm 2010, tổng sản lượng tăng gia của đảo đạt trên 100 triệu đồng. Trong đó, rau xanh 15.610 kg, cá các loại 300 kg và thịt gia súc, gia cầm trên 2.000 kg.
Hơn 30 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành cán bộ, chiến sỹ đảo Trường Sa Đông đã lập được nhiều thành tích xuất sắc: Năm 1982, đảo được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, nhiều năm được Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân tặng danh hiệu “Đơn vị quyết thắng” và các  Bộ Tư lệnh Hải quân, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế tặng Bằng khen.
Nửa ngày ở Trường Sa Đông, mấy đồng hương Hải Phòng chúng tìm tụ tập tìm nhau và la cà đến giường ngủ của từng người, để gọi là… thăm nhà.
Các đồng hương dẫn mình ra vườn rau xem lá rau mồng tơi to bằng bàn tay, nháy mắt cười: “Chục lá rau là đủ nồi canh cho cả phân đội!”, hình như để mình quên đi nỗi băn khoăn, khi vào bếp ăn, thấy ghi trên bảng toàn thịt hộp, rau hộp, quả hộp… đến hoa cả mắt vì chữ hộp.
Lang thang ra bãi cát rìa đảo, túm tụm ngồi trên xác chiến xe tăng han rỉ, cùng nhìn qua biển về phía Tây, nơi mặt trời đang nhúng chân chờ tắm và kể nhau nghe về những góc đường, nóc phố thân quen của thành phố “Hoa cải đỏ”, tự dưng thấy đất liền được kéo lại thật gần, như trước mắt những thằng con trai Đất Cảng đang ngồi vỉa hè với bia cỏ, vi na gôn…
Chia tay nhau, các đồng hương hè nhau bế tọt mình lên xuống và ghé vai đẩy xuồng cùng chiến sĩ, hòa với nhau lời hát: “Đường ra trận mùa này đẹp lắm. Trường Sa Đông nhớ Trường Sa Tây”, lấy sức cho đáy xuồng sượt qua cát sạn, đá san hô rơi nhẹ xuống lạch nước sâu ra với con tàu HQ.
Vẫy tay chào nhau, người ngâm mình dưới nước, kẻ kiễng chân vẫy đến mỏi tay trên xuồng, cứ rưng rưng nhớ lại hình ảnh: Chị Yên Hưng, một nhà khoa học bên Viện Nghiên cứu KHKT Nông nghiệp ra Trường Sa để tìm thuốc, chống sâu hại cây lá – rau cỏ trên đảo, ngồi trên xuồng cứ nắm chặt tay cậu chiến sĩ sinh năm 1992, bằng tuổi con trai, đang gò lưng đẩy xuống dưới biển và thút thít khóc vì thương lính trẻ bé bỏng…
Hình như, nhưng khoảnh khắc thân thương này đã kịp in dấu trong tâm tưởng những người ra với Trường Sa, để họ thực sự thấm thía tâm cảm của con người, qua câu hát: “Trường Sa Đông nhớ Trường Sa Tây”, vẫn thường bật lên trong mắt những người lính biển, cứ mỗi buổi chiều nhìn về phía Tây, nhung nhớ đất liền…
Tạm biệt nhé! Và sẽ gặp lại cùng nhau!. Ơi Trường Sa Đông!..
————————————————————————————————————-
Phía trước là Trường Sa Đông
Điện gió trên đảo
Xuồng CQ tuần tra quanh đảo
Biển quanh đảo, trong vắt đến lạ kỳ
Chào cở Tổ quốc, trên đảo thân yêu
Chồi xanh – lính trẻ
Gác bên cột mốc chủ quyền
Trực canh trên đài quan sát
Làm dáng với lính trẻ
Chỗ để bàn chải, kem đánh răng
Bếp nấu ăn
Thế này, dễ dùng nhầm lắm
Lá mồng tơi to bằng bàn tay mình
Nước là máu
Rau muống biển bao quanh đảo
Gợi nhớ lại những tháng năm chiến đấu giữ đảo
Đội Gang thép Thái Nguyên nhìn thấy, chắc tiếc lắm
Các chị đồng nát mà ra, thì có mà…
Đẩy xuồng ra nào
Mẹ và con
Chia tay nhé! Trường Sa ĐôngNguồn bài và ảnh : Blog Mai Thanh Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét