Chủ Nhật, 1 tháng 4, 2012

Học thuyết và tương lai hải quân các nước châu Á-Thái Bình Dương

Trong tương lai gần, Mỹ sẽ vẫn là cường quốc hải quân dẫn đầu, nhưng câu lạc bộ các đại cường hải quân sẽ được bổ sung bằng các quốc gia châu Á và Thái Bình Dương và họ sẽ lấn át mạnh mẽ các cường quốc hải quân cũ của châu Âu và Nga.
Trong tương lai gần, Hải quân Mỹ vẫn dẫn đầu ở châu Á-Thái Bình Dương
Trong triển lãm hải quân IMDEX Asia 2011 diễn ra mới đây ở Singapore, Phó Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu hải quân AMI International (Mỹ) Bob Nugent tuyên bố, các nước châu Á-Thái Bình Dương đang tiến lên các vị trí dẫn đầu về tăng cường vũ khí hải quân, chỉ thua có Mỹ. Dẫn đầu về phát triển hải quân là Ấn Độ và Trung Quốc, tiếp sau là Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Đài Loan, Indonesia và các nước khác.

Trong tương lai gần, Mỹ sẽ vẫn là cường quốc hải quân dẫn đầu, nhưng câu lạc bộ các đại cường hải quân sẽ được bổ sung bằng các quốc gia châu Á và Thái Bình Dương và họ sẽ lấn át mạnh mẽ các cường quốc hải quân cũ của châu Âu và Nga.

Cực hoạt động hải quân toàn cầu sẽ dịch chuyển hẳn từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương. Việc lần đầu tiên trong 60 năm qua, Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ vượt lên Hạm đội Đại Tây Dương từ năm 2007, cũng chứng minh điều đó. Những thay đổi đó là do đâu?

  • Một là, các nước châu Á có thời kỳ tăng trưởng kinh tế vững chắc trong một thời gian dài, nên họ có điều kiện phát triển quân đội mà không tạo gánh nặng cho nền kinh tế.
  • Hai là, tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương tập trung nhiều tuyến đường thương mại, eo biển, cảng biển, trung tâm buôn bán, cũng như các nguồn lực con người, tài chính, động vật và khoáng vật then chốt đối với hệ thống kinh tế toàn cầu.
  • Ba là, mối đe dọa đối với sự phồn vinh kinh tế và an ninh quốc gia của các nước châu Á-Thái Bình Dương cả từ phía các nước khác lẫn từ phía các đối thủ phi nhà nước của quan hệ quốc tế (hải tặc, khủng bố, cực đoan, buôn bán ma túy, nhập cư bất hợp pháp) đã tăng lên. Điều đó đã quyết định vai trò lớn của hải quân trong việc giải quyết các nhiệm vụ có tính quân sự và phi quân sự. Ngoài ra, hải quân đã bắt đầu được huy động ngày càng nhiều để tham gia khắc phục hậu quả thảm họa thiên nhiên.
  • Bốn là, lòng tin đối với hệ thống an ninh khu vực đã hình thành về mặt lịch sử mà người bảo trợ chính là Mỹ liên kết với các đối tác của họ bằng các hiệp ước quân sự-chính trị song phương đang giảm đi. Sau Iraq và cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, bị sa lầy ở Afghanistan, Mỹ đang muốn rũ bỏ một phần các cam kết của họ. “Trên thực tế, nhiều nhiệm vụ của ngày hôm nay có thể thực hiện không cần có sự tham gia của Hải quân Mỹ. Theo tôi, điều đó là tuyệt vời”, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Đô đốc Michael Mullen tuyên bố.
Trung Quốc: Tham vọng địa-chính trị có lấn át “trỗi dậy hòa bình”?

Quốc gia then chốt ở Đông Á mà một số chuyên gia dự báo sẽ có vai trò bá chủ khu vực và địch thủ chủ yếu của Mỹ, là Trung Quốc. Gần 30 năm tăng trưởng kinh tế chưa từng có cho phép Trung Quốc tiến hành chính sách đối ngoại ngày một tích cực hơn mà nhiều khi hung hăng hơn.

Một số trong những tàu chiến hiện đại nhất của hải quân Trung Quốc: 2 tàu khu trục lớp Projekt 956E (số hiệu 136) và 956EM (số hiệu 138) do Nga đóng và frigate lớp 054А (số hiệu 529)

Đối với Trung Quốc, với dân số hơn 1 tỷ và cả đống các vấn đề và mâu thuẫn nội bộ, tăng trưởng kinh tế là vấn đề sống còn. Về phần mình, sự tăng trưởng kinh tế đòi hỏi phải được tiếp cận thông suốt tới các nguồn tài nguyên và tuyến đường thương mại. Đây là nguyên nhân then chốt khiến giới lãnh đạo Trung Quốc ngày càng chú ý tới chính sách biển.

Ở đông Thái Bình Dương tập trung một số lượng đáng kể các tranh chấp chưa được giải quyết về biên giới trên biển và quyền khai thác kinh tế các nguồn tài nguyên. Ở biển Hoa Đông, Trung Quốc có hàng loạt bất đông với Nhật Bản và Hàn Quốc. Trữ lượng tài nguyên năng lượng ở biển Hoa Đông ước khoảng 7.000 tỷ m3 khí đốt và 100 tỷ thùng dầu. Đáng kể nhất là tranh chấp chủ quyền xung quanh quần đảo Senkaky do Nhật kiểm soát, nơi mà vào mùa thu năm 2010 lại xảy ra xung đột giữa các tàu cá Trung Quốc và tàu chiến Nhật Bản.

Tại Biển Đông Việt Nam, Trung Quốc cũng có tranh chấp lãnh thổ về phân giới vùng đặc quyền kinh tế với Malaysia, Philippines, Việt Nam và Brunei. Đặc biệt căng thẳng là vấn đề chủ quyền quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa.

Nhưng lợi ích của Trung Quốc dựa trên quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên và thương mại trải rộng xa hơn nhiều phần đông Thái Bình Dương. Trung Quốc đang nỗ lực củng cố sự hiện diện ở các khu vực then chốt đối với họ ở châu Phi, châu Á và Nam Mỹ, cũng như xây dựng quan hệ đối tác kinh tế và chính trị-quân sự lâu dài với các nước như Myanmar, Pakistan và Iran.

Mặc dù lợi ích kinh tế là then chốt đối với Trung Quốc, nhưng các lý do chính trị-quân sự cũng đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng sức mạnh của hải quân Trung Quốc. Nhạy cảm nhất đối với Trung Quốc là vấn đề Đài Loan và ưu thế quân sự của Mỹ ở Đông Á.

Thuật ngữ “chuỗi đảo” có ý nghĩa then chốt trong chiến lược hải quân Trung Quốc, do cựu tư lệnh hải quân, đô đốc Lưu Hoa Thanh nêu ra. Thuật ngữ này chỉ hệ thống các “công sự phòng thủ” của Mỹ ở đông Thái Bình Dương.

Chuỗi đảo thứ nhất bao gồm Nhật Bản, các quần đảo phía nam và phía bắc, Hàn Quốc, Đài Loan và Philippines.

Chuỗi đảo thứ hai giới hạn ở phía phía bắc là quần dảo Nhật Bản, còn từ phía nam là các quần đảo Bonin (còn gọi là nhóm đảo Ogasawara) và quần đảo Marshall.

Được sử dụng ít hơn là thuật ngữ “chuỗi đảo thứ ba”, được hình thành xung quanh quần đảo Hawaii và là hậu phương chiến lược của Mỹ. Đối với Bắc Kinh, các chuỗi đảo là công cụ kiềm chế của Mỹ để hạn chế quyền tự do cơ động chiến lược.

Hai mươi năm gần đây, hạm đội Trung Quốc đã phát triển xuất phát từ nhu cầu đối kháng phi đối xứng với Hải quân Mỹ và ngăn chặn không cho Đài Loan chính thức tuyên bố độc lập. Trong khi thừa nhận mối nguy hiểm gia tăng từ phía hạm đội tàu ngầm và các tên lửa chống hạm triển khai trên bờ biển của Trung Quốc, các chuyên gia Mỹ cũng chỉ ra điểm yếu chiến lược của Hải quân Trung Quốc vốn không có các lực lượng tàu sân bay và tàu đổ bộ thực sự. Cuối thập kỷ đầu những năm 2000, tình hình đã bắt đầu thay đổi, còn trong những năm 2010-2020, Trung Quốc có thể thực sự thách thức sức mạnh hải quân Mỹ ở đông Thái Bình Dương.

Năm 2006, Hồ Cẩm Đảo tuyên bố Trung Quốc là cường quốc hải quân, điều đó đã được thể hiện trong sách trắng về quốc phòng năm 2008, trong đó đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết thành lập một hạm đội đại dương mạnh. Tuyên bố của Hồ Cẩm Đào trùng về thời gian với việc hạ thủy tàu đầu tiên lớp 071 là Yuzhao, tàu đốc đổ bộ chở trực thăng thực sự đầu tiên của Trung Quốc có lượng giãn nước gần 20.000 tấn. Năm 2010, tàu đốc đổ bộ chở trực thăng sản xuất loạt đầu tiên được hạ thủy. Họ dự định đóng tổng cộng 6 tàu này.

Trong biên chế hải quân Trung Quốc cũng có một tàu bệnh viện lớn lớp 920 có lượng giãn nước gần 14.000 tấn. Ngoài ra, còn có tin đồn về kế hoạch của Trung Quốc đóng 6 tàu đổ bộ vạn năng với boong bay dày.

Tàu đổ bộ lớp 071 của Trung Quốc

Nhiệm vụ phức tạp hơn, nhưng không kém phần quan trọng đối với hải quân Trung Quốc là đóng các tàu sân bay thực sự. Từ năm 1985, Trung Quốc đã mua 4 tàu sân bay cũ là: tàu Melbourne của Australia và các tàu của Liên Xô trước đây là Kiev, Minsk và Varyag. Tàu Varyag đã được đổi tên thành Thi Lang, đang được sửa chữa tại xưởng đóng tàu ở Đại Liên và chắc chắn sẽ được đưa vào biên chế hạm đội trước năm 2015.

Trung Quốc dự định tự lực đóng 2 tàu sân bay thông thường mới có lượng giãn nước 50.000-60.000 tấn đến năm 2020, còn sau năm 2020, bắt đầu đóng các tàu sân bay hạt nhân.

Trung Quốc đặc biệt chú trọng xây dựng không quân trên hạm. Ban đầu, máy bay trên hạm chủ lực cho các tàu sân bay Trung Quốc tương lai lẽ ra là Su-33 của Nga, nhưng việc đàm phán giữa Moskva và Bắc Kinh về việc mua bán máy bay này đã thất bại. Trung Quốc đã chế tạo biến thể tiêm kích trên hạm của mình là J-15 bằng cách thực tế là sao chép Su-33 (đúng hơn là mẫu tiền sản xuất loạt Т-10K-7 mua từ Ukraine).

Giới lãnh đạo quân sự Trung Quốc nói rằng, J-15 có khả năng cạnh tranh ngang bằng với các tiêm kích trên hạm hiện đại khác, nhưng ông Mikhail Pogosyan, Giám đốc hãng Sukhoi tuyên bố vào năm 2010 rằng, J-15 không thể sánh với Su-33 và thua kém Su-33 về tất cả các thông số.

Cùng với việc phát triển trực thăng báo động sớm Z-8, vốn là bản sao chép trực thăng Nga Ка-31, Trung Quốc đang tích cực phát triển máy bay báo động sớm khá giống E-2 Hawkeye của Mỹ. Việc chế tạo một máy bay như vậy có khả năng mở rộng bán kính “quan sát” của binh đoàn tàu sân bay thêm mấy trăm kiloomet là điều kiện quan trọng để xây dựng một hạm đội tàu sân bay vững chắc và có khả năng chiến đấu.

Ngoài việc phát triển các thành phần tàu sân bay và tàu đổ bộ, Trung Quốc đang tiếp tục hoàn thiện cả hạm đội tàu ngầm, các lực lượng tàu nổi và tên lửa bờ biển mà về lịch sử vốn là sự đáp trả hiệu quả và không tốn kém đối với sức mạnh hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương.

Trong biên chế hải quân Trung Quốc có gần 200 tàu chiến các lớp chủ yếu, không tính các tàu bổ trợ và hạm đội tàu chiến nhỏ. Một phần đáng kể hạm đội này đã lạc hậu và có khả năng chiến đấu hạn chế, nhưng Trung Quốc cũng sở hữu các tàu chiến nổi và tàu ngầm khá hiện đại do Nga đóng hoặc họ tự đóng.

Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng, tỷ lệ tàu nổi hiện đại của hải quân Trung Quốc là 25%, tàu ngầm là 55%. Có thể coi là hiện đại 2 trong 6 tàu ngầm nguyên tử lớp Thương, 29 trong 54 tàu ngầm thông thường (các tàu ngầm lớp Kilo của Nga và các tàu lớp Tống, Nguyên của Trung Quốc), đến 13 trong số 25 tàu khu trục (các tàu lớp Sovremenny của Nga và các tàu lớp Lữ Hồ, Lữ Hải, Lữ Dương I/II và Lô Châu của Trung Quốc), đến 24 trong số 49 frigate (lớp Giang Vệ I/II и Giang Khải I/II). Cần thêm vào số này hơn 60 (theo các nguồn khác là gần 80) tàu tên lửa cỡ nhỏ Houbei và 2 tàu đốc đổ bộ chở trực thăng lớp Yuzhao. Như vậy, tỷ lệ tàu nổi hiện đại của hải quân Trung Quốc có thể cao hơn nhiều đánh giá của Lầu Năm góc.

Trung Quốc cũng đang phát triển mạnh ngành đóng tàu dân sự và vào năm 2015, Trung Quốc sẽ trở thành cường quốc đóng tàu lớn nhất thế giới, vượt hẳn Hàn Quốc. Đồng thời, sự phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài cả trong lĩnh vực đóng tàu quân sự cũng đang giảm đi, hơn nữa, bản thân Trung Quốc đang trở thành nhà xuất khẩu vũ khí trang bị hải quân. Ví dụ, hải quân Malaysia đã tỏ ra quan tâm tới các tàu đổ bộ chở trực thăng Type 071 của Trung Quốc. Trong 20 năm tới, Trung Quốc dự định đóng tổng cộng 113 tàu chiến có tổng trị giá gần 24 tỷ USD.

Đài Loan: Lo lắng chờ đợi

Sự gia tăng sức mạnh quân sự và hải quân Trung Quốc khiến ban lãnh đạo Đài Loan rất lo ngại. Kể từ cuộc khủng hoảng tên lửa năm 1996, cán cân sức mạnh ở eo biển Đài Loan đã dịch chuyển theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Các hạm đội Nam hải và Đông hải của Trung Quốc đã giành ưu thế quyết định đối với hải quân Đài Loan, kể cả khi chưa tính đến tiềm lực của hạm đội Bắc hải, không quân, lục quân và lực lượng tên lửa.

Hiện nay, cán cân sức mạnh ở eo biển Đài Loan đang không có lợi cho Đài Bắc
Hải quân Đài Loan gồm dưới 30 tàu chiến mặt nước, 4 tàu ngầm, hơn 50 tàu đổ bộ và quét lôi, cũng như gần 100 tàu tuần tra. Hạm đội Đài Loan thua kém hạm đội Nam hải và hạm đội Đông hải của Trung Quốc hơn 2 lần về tàu khu trục và frigateпо, thua kém 3 lần về tàu đổ bộ và 8 lần về tàu ngầm thông thường. Chính phủ Đài Loan đang nỗ lực khắc phục sự tụt hậu và đã chi 16 tỷ USD cho các chương trình đóng tàu kéo dài 20 năm.

Cộng hòa Trung Hoa (Đài Loan) đặt cho mình mục tiêu xây dựng “hạm đội hiệu quả cao, sẵn sàng triển khai nhanh và tấn công tầm xa”, sẽ hoạt động trong khuôn khổ chiến tranh lấy mạng làm trung tâm và bảo đảm quyền khống chế trên biển, trên không, trên mặt đất và trên trường thông tin. Thực tế, bản thân khả năng sống sót của hải quân Đài Loan một khi nổ ra xung đột quân sự với Trung Quốc và không can thiệp của Mỹ là ít. Tiềm lực phòng không và chống ngầm của hạm đội Đài Loan là không đủ dù là để phòng thủ bờ biển.

Đài Bắc đặc biệt hy vọng vào sự hợp tác kỹ thuât quân sự với Mỹ, nhất là về việc mua sắm tàu ngầm, máy bay và tên lửa. Sự hợp tác đó đã luôn gây ra phản ứng cực kỳ gay gắt từ phía Bắc Kinh. Có khả năng trong tương lai sắp tới, Washing ton sẽ tránh làm căng thẳng quan hệ Mỹ -Trung và sẽ không tăng cường bán vũ khí Đài Loan.

Đài Loan đang có kế hoạch đến năm 2020 đóng 9 tàu ngầm mới để thay thế 2 tàu ngầm lạc hậu lớp Hải sư (Hai Shih) đã hơn 50 tuổi. Để thay thế các frigate lớp Knox, Đài Loan dự định đóng 8 tàu lớp Kuang Hua VII (2.000 tấn). Cả về tàu ngầm lẫn tàu nổi, vẫn chưa rõ chúng sẽ được đóng ở Đài Loan hay mua ở nước ngoài.

Ấn Độ: Trên đường trở thành đại cường hải quân


Trong một thời gian dài, Ấn Độ chỉ là cường quốc khu vực, không thật chú trọng phát triển sức mạnh hải quân. Đầu thế kỷ XXI, tình hình bắt đầu thay đổi đột biến. Trong những năm rới, Ấn Độ chắc chắn sẽ trở thành một trong những đại cường hải quân, mở rộng ảnh hưởng ra xa ngoài phạm vi vùng biển chủ quyền của mình.

Tàu khu trục lớp Rajput của Hải quân Ấn Độ
do Liên Xô đóng
Một là, giống như trường hợp Trung Quốc, việc phát triển sức mạnh hải quân của Ấn Độ là hậu quả của một thời kỳ dài phát triển kinh tế vững chắc, dẫn tới nhu cầu ngày càng tăng về tiếp cận các nguồn tài nguyên và các tuyến đường thương mại. Ấn Độ, cũng như Trung Quốc, có dân số trên 1 tỷ người, nền kinh tế phát triển nhanh và một tập hợp những mối đe dọa kinh tế xã hội nội địa, đã trở thành con tin của vị trí địa lý của mình. Quyền tự do và an ninh của các tuyến đường thương mại chính như eo biển Malacca và eo biển Hormuz, đã trở thành yếu tố quan trọng hơn nhiều đối với Ấn Độ so với Trung Quốc, Mỹ hay châu Âu.

Hai là, Ấn Độ đang đối mặt với sự bành trường kinh tế, trên biển và chính trị-xã hội của Trung Quốc. Cố gắng tìm đối trọng đối với ảnh hưởng đang gia tăng của Trung Quốc, Ấn Độ đã bắt đầu xích lại gần Mỹ và đang cố gắng bảo vệ các lợi ích quốc gia của mình ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Ba là, có ý nghĩa then chốt đối với Ấn Độ là các vấn đề phi kinh tế và phi quân sự, thể hiện đặc biệt gay gắt trong những năm 2000. Năm 2004, đã xảy ra cơn sóng thần mãnh liệt nhất thời cận đại, cướp đi mạng sống của hơn 220.000 người. Những hành động nhanh chóng và quyết liệt của Hải quân Ấn Độ đã cứu sống hàng trăm mạng người và giảm đi ít nhiều hậu quả của thiên tai. Năm 2008, bọn khủng bổ sử dụng xuồng cao tốc đã tiến hành loạt vụ khủng bố ở Mumbai, gây tổn hại cho gần 1.000 người. Trong những năm 2000, vấn đề hải tặc ở bờ biển Somalia và eo biển Malacca cũng trở nên căng thẳng.

Năm 2004, Ấn Độ thông qua Học thuyết hải quân, năm 2007 thông qua chiến lược hải quân có tên gọi “Quyền tự do sử dụng các biển”. Nhìn chung, tư duy hải quân Ấn Độ có cách tiếp cận Anglo-Saxon kinh điển về sức mạnh hải quân vốn được hình thành hơn 100 năm trước bởi Alfred Mahan và Philip Colomb.

Ngay hiện thời, Ấn Độ, cũng như Trung Quốc, đang ráo riết phát triển quan hệ đối tác với các nước khác trong lĩnh vực hoạt động biển và hải quân. Trước hết, Ấn Độ đang hợp tác với Mỹ và các nước Đông Nam Á. Ngoài ra, ảnh hưởng của Ấn Độ đang mở rộng đến tận Madagascar và Nam Phi ở phía đông và châu Đại Dương và Brazil ở phía tây.

Chương trình xây dựng hải quân Ấn Độ trong 20 năm tới là một trong những chương trình có tham vọng nhất thế giới. Ấn Độ dự định chi tổng cộng gần 50 tỷ USD để đóng 100 tàu.

Một trong những dự án quan trọng nhất là việc tiếp nhận từ Nga tàu sân bay Vikramaditya vốn đang được hiện đại hóa ở hãng đóng tàu Sevmash, cũng như phi đội máy bay cho tàu này. Năm 2010, Ấn Độ đã ký hợp đồng mua lô thứ hai tiêm kích trên hạm MiG-29K với số lượng 29 chiếc. Ấn Độ sẽ mua tổng cộng gần 50 máy bay này từ Nga.

Hiện nay, trong biên chế Hải quân Ấn Độ vẫn còn tàu sân bay Viraat đã hơn 50 năm tuổi mua của Anh. Thay thế cho nó sẽ là tàu sân bay nội địa mới Vikrant có lượng giãn nước gần 4.0000 tấn và cầu bật. Tàu bắt đầu được đóng vào năm 2009.

Dự đoán, tàu này sẽ được nhận vào biên chế vào năm 2012, nhưng dự án đang gặp những khó khăn nghiêm trọng, nên dự kiến tàu khó được đưa vào biên chế trước năm 2013-2014. Vào cuối thập niên 2020, Ấn Độ còn dự định đóng tàu sân bay Vishal trang bị máy phóng máy bay, có lượng giãn nước hơn 60.000 tấn.

Như vậy, thành phần tàu sân bay của Hải quân Ấn Độ sẽ từ một lực lượng có tính biểu tượng  (1 tàu lạc hậu) trở thành một trong những lực lượng mạnh nhất thế giới (3 tàu sân bay thông thường hiện đại).

Khác với các nước khác, Ấn Độ ít chú ý đến các tàu đổ bộ. Tàu đổ bộ cỡ lớn duy nhất Jalashwa mua của Mỹ có lượng giãn nước đầy đủ gần 17.000 tấn. Ấn Độ đã không mua tàu thứ hai cùng loại. Việc phát triển và đóng các tàu đổ bộ và tàu chở trực thăng lớn không phải là ưu tiên đối với giới lãnh đạo quân sự Ấn Độ. Điều đó làm giảm mạnh tiềm lực tung sức mạnh và phòng thủ chống ngầm của Ấn Độ. Các chức năng này sẽ do các tàu sân bay thực hiện một phần.

Ấn Độ đang cố gia nhập câu lạc bộ thượng lưu của các cường quốc sở hữu hạm đội tàu ngầm nguyên tử. Vào cuối năm 2011, Hải quân Ấn Độ theo kế hoạch sẽ nhận được tàu ngầm nguyên tử K-152 Nerpa lớp Projekt 971U thuê trong 10 năm và sẽ có tên là Chakra. Trước đó, năm 1988-1991, Hải quân Ấn Độ cũng đã sử dụng một tàu ngầm nguyên tử lớp Projekt 670 thuê của Liên Xô.

Tàu sân bay hiện thời là duy nhất Viraat mua từ Anh của Ấn Độ

Kinh nghiệm khai thác các tàu ngầm nguyên tử Liên Xô đã cho phép Ấn Độ vào năm 1998 bắt tay vào phát triển một thiết kế tàu ngầm nguyên tử của mình. Ban đầu, người ta định đóng một tàu ngầm nguyên tử đa nhiệm, nhưng cuối cùng quyết định đóng tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa đường đạn (SSBN) để xây dựng bộ ba vũ khí hạt nhân thực sự. Tàu đầu tiên Arihant theo kế hoạch sẽ được đưa vào biên chế vào cuối năm 2011. Ấn Độ dự định đóng thêm 3 SSBN đến năm 2015-2020.

Chính phủ Ấn Độ coi việc ngừng mua quy mô lớn vũ khí trang bị hải quân của nước ngoài và phát triển công nghiệp đóng tàu nội địa là một trong những điều kiện quan trọng phát triển hải quân. Trong tương lai trung hạn, Ấn Độ dự định tự đóng phần lớn tàu chiến. Mặc dù có ngân sách lớn cho đóng tàu quân sự, việc thực hiện chính sách này sẽ vấp phải những khó khăn nghiêm trọng. Khác với các cường quốc hải quân khác của khu vực châu Á-Thái Bình Dương là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, Ấn Độ không có công nghiệp đóng tàu phát triển, còn các cơ sở đóng tàu hiện có hay sẽ được xây dựng trong thập niên tới chắc chắn sẽ không đáp ứng được toàn bộ khối lượng đơn đặt hàng cho hạm đội Ấn Độ.

Nhật Bản: Nương nhờ dưới cánh đại bàng

Các tàu chiến Mỹ và Nhật ở Okinawa
Mặc dù tại điều 9 Hiến pháp Nhật Bản khẳng định Nhật Bản từ bỏ quyền tiến hành chiến tranh và xây dựng quân đội, hạm đội Nhật Bản ngày nay là một trong những hạm đội mạnh nhất và công nghệ cao nhất thế giới.

Trong biên chế của Hải quân Phòng vệ Nhật có gần 120 tàu, trong đó có 18 tàu ngầm thông thường và gần 50 tàu khu trục. Có uy lực nhất là 6 tàu khu trục lớp Kongo và Atago trang bị hệ thống thông tin-chỉ huy chiến đấu AEGIS của Mỹ.

Đến năm 2015, hạm đội Nhật dự định tiếp nhận 4 tàu ngầm mới lớp Soryu với động cơ không phụ thuộc không khí và 4 tàu khu trục thế hệ mới Akizuki.

Ngoài hạm đội tàu khu trục và tàu ngầm hùng mạnh, Nhật Bản còn có 2 tàu sân bay trực thăng chống ngầm (Nhật gọi là tàu khu trục chở trực thăng) lớp Hyuga và 3 tàu sân bay trực thăng lớp Osumi có lượng giãn nước tương ứng là 18.000 và 14.000 tấn.

Họ cũng có kế hoạch đóng “các tàu khu trục” chở trực thăng lớn hơn nữa lớp 22DDH có lượng giãn nước đầy đủ hơn 20.000 tấn. Các tàu này sẽ nâng cao cơ bản năng lực chống ngầm và đổ bộ của Nhật Bản. Trên các tàu này có thể sẽ triển khai các tiêm kích thế hệ 5 F-35B.

Phần lớn các tàu chiến có “tuổi” tương đối trẻ, các thủy thủ đoàn được đào tạo tốt. Đồng thời, hạm đội Nhật có hàng loạt điểm yếu. Những điểm yếu then chốt trong số đó là quá nhiều chủng loại tàu (gần 30 loại khác nhau), thiếu các tàu bổ trợ và khó khăn về tuyển quân.

Hải quân Phòng vệ Nhật có “phương tiện tăng cường” mạnh hơn họ đáng kể về sức mạnh là Hạm đội 7 Mỹ. Hạm đội 7 gồm có 60-70 tàu, 200-300 máy bay và 40.000 quân. Đóng thường xuyên tại Sasebo và Yokosuka là 20 tàu của Hạm đội 7, trong đó có tàu sân bay hạt nhân George Washington và tàu đổ bộ tiến công Essex.

Tuy nhiên, có sự mong manh nhất định trong quan hệ đồng minh giữa Nhật, Hàn Quốc và Mỹ, được quy định bởi những mâu thuẫn ngày càng tăng giữa các nước này, cũng như bởi việc Hàn Quốc và Nhật không muốn đứng về phía Mỹ trong cuộc xung đột giả định với Trung Quốc. Bên cạnh đó, sức mạnh tổng hợp của 3 hạm đội này, vốn được thể hiện trong cuộc tập trận quy mô lớn Keen Sword 2011, là một trong những yếu tố then chốt bảo đảm cho an ninh và ổn định ở Đông Á.

Tàu khu trục JDS Kurama (DDH 144) lớp Shirane của Hải quân Phòng vệ Nhật Bản

Hàn Quốc: Công nghệ mới, đe dọa cũ

Hàn Quốc, nước dẫn đầu thị trường đóng tàu thế giới, cũng đang chuẩn bị trở thành đại cường hải quân. Theo các chuyên gia, sau năm 2020, Hải quân Hàn Quốc sẽ nằm trong số 7 hạm đội lớn nhất thế giới.

Mối đe dọa an ninh chính của Hàn Quốc là CHDCND Triều Tiên. Vụ đắm tàu corvette Cheonan, pháo kích đảo Yeonpyeongdo, cũng như các chương trình hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên đã buộc Seoul phải nghiêm túc nghĩ đến việc tăng cường sức mạnh hải quân của mình.

Chính sách của Seoul cũng bị ảnh hưởng bởi việc Mỹ không muốn một mình gánh vác trách nghiệm bảo đảm an ninh quân sự trong khu vực và sự gia tăng tinh thần bài Mỹ trong dân chúng Hàn Quốc.

Từ năm 2001, Tổng thống Kim Dae-jung đã tuyên bố rằng, Hàn Quốc dự định xây dựng hạm đội đại dương, không chỉ có khả năng kiềm chế Bắc Triều Tiên, mà còn bảo vệ các lợi ích của Hàn Quốc trên đại dương thế giới và tham gia duy trì an ninh toàn cầu.

Tàu khu trục Đại đế Sejong của Hải quân Hàn Quốc

Ngành đóng tàu hùng mạnh cho phép Hàn Quốc tự chủ phát triển hải quân. Chương trình lớn nhất là đóng tàu đổ bộ vạn năng. Tàu đổ bộ vạn năng (tàu sân bay trực thăng) lớp Dokdo được đưa vào hoạt động vào năm 2007, tàu thứ hai được bàn giao cho hạm đội vào năm 2011. Các tàu 18.000 tấn này là bước đi đầu tiên trên đường xây dựng hạm đội đại dương thực sự của Hàn Quốc.

Vào năm 2020-2025, dự định đóng thêm 2 tàu đổ bộ vạn năng có lượng giãn nước đến 30.000 tấn chở theo các phi đoàn được trang bị tiêm kích F-35.

Năm 2012, Hàn Quốc sẽ đóng xong tàu khu trục thứ ba và cuối cùng lớp KDX-III Đại đế Sejong (11.000 tấn), một trong những loại tàu chiến nổi uy lực nhất thế giới, sau đó dự định đóng loạt 6 tàu khu trục nhỏ hơn lớp KDX-IIA (5.600 tấn).

Các lớp tàu này sẽ được trang bị hệ thống AEGIS, bảo đảm phòng không tin cậy không chỉ cho các binh đoàn hải quân mà cho cả các khu vực duyên hải Hàn Quốc.

Họ cũng dự định đóng đến 24 frigate chống ngầm FFX (3.200 tấn), 6 tàu ngầm KSS-II (1.800 tấn, thiết kế Type 214 của Đức) và 9 tàu ngầm thiết kế nội địa KSS-III (3.000 tấn).

Một số chuyên gia cho rằng, Hàn Quốc đang phát triển tàu ngầm nguyên tử của mình và có thể bắt đầu đóng sau năm 2020.

Australia: Hướng tới các chiến dịch viễn chinh

Trong một thời gian dài không chú ý nhiều đến việc phát triển quân đội, Australia trong thế kỷ XXI đã đối mặt với hàng loạt thách thức. Những mối đe dọa phi chiến tranh, việc tiếp cận các nguồn tài nguyên và các tuyến đường giao thương, việc các nước trong khu vực tăng cường hạm đội, các vụ thiên tai và lập trường của Mỹ đã làm tăng mạnh vai trò sức mạnh hải quân đối với Australia, điều đó đã được phản ánh trong Sách trắng quốc phòng năm 2009, Học thuyết Hải quân Australia năm 2010 và hàng loạt văn kiện chiến lược khác.

Giống như các cường quốc hải quân khác trong khu vực, Australia đang phát triển lực lượng đổ bộ. Đến năm 2015,  sẽ có 2 tàu đổ bộ vạn năng 27.000 tấn Canberra và Adelaide (cùng lớp với tàu đổ bộ vạn năng Juan Carlos I) do công ty đóng tàu Tây Ban Nha Navantia đóng được đưa vào biên chế Hải quân Australia. Đầu năm 2011, Australia đã mua của Anh tàu đốc đổ bộ chở trực thăng 16.000 tấn mới (đóng xong năm 2006) Largs Bay với giá 103 triệu USD. Đây là thương vụ cực kỳ có lợi bởi vì để đóng một tàu như vậy đã phải mất hơn 200 triệu USD. Đến năm 2020, Australia dự định mua tàu đốc đổ bộ chở trực thăng thứ hai (chắc chắn đó là tàu 15.000 tấn đóng dựa trên thiết kế tàu Galicia của  Tây Ban Nha).

Australia dự định đóng 3 tàu khu trục phòng không (7.000 tấn, trang bị hệ thống AEGIS, được phát triển dựa trên thiết kế frigate F-100 Alvaro de Bazan của Navantia) và đến 8 frigate chống ngầm FFX (7.000 tấn) mang tên lửa hành trình và tên lửa chống tên lửa.

Hạm đội tàu ngầm Australia sẽ tăng gấp đôi: thay cho 6 tàu ngầm lớp Collins sẽ là 12 tàu thế hệ mới SEA 1000. Ngoài ra, sẽ đóng tới 20 tàu tuần tra ven bờ mới có lượng giãn nước gần 2.000 tấn.

Hoa tiêu tàu tham mưu của Hạm đội 7 Mỹ đang giới thiệu cho các thủy binh Hàn Quốc các phương pháp tính toán hướng tàu

Song cũng có những nghi ngờ nhất định về khả năng thực hiện đầy đủ tất cả các chương trình đầy tham vọng này. Nguyên nhân là ngân sách quốc phòng khá hạn chế, cũng như sự yếu ớt của công nghiệp đóng tàu Austrtalia. Bên cạnh đó, các tàu tàu cao tốc hai thân và ba thân do các công ty đẳng cấp thế giới Incat và Austal của Australia thiết kế lại được quân đội Mỹ rất ưa chuộng (LCS 2 Independence, JHSV, HSV-X1 Joint Venture và TSV-X1 Spearhead), nhưng lại không được sử dụng ở thị trường nội địa.

Nhà sáng lập công ty Austal, ông John Rothwell cho rằng, đó là do giá cả tương đối cao và chức năng hẹp của các tàu hai thân và ba thân.

Giới lãnh đạo quân sự Australia có thái độ hoài nghi đối với các tàu có cấu trúc phi truyền thống nên thường ưu tiên các tàu một thân. Đồng thời, sự xuất hiện của biến thể thu nhỏ của tàu ba thân Independence là tàu corvette đa nhiệm MRC, cũng như việc giảm giá sản phẩm của Incat và Austal có khả năng vượt qua sự bảo thủ của giới lãnh đạo quân sự Australia.

Hạ thủy tàu đổ bộ vạn năng đầu tiên Canberra của Australia, do Navantia (Tây Ban Nha) đóng
Năm 2010, nằm trong số 10 nước dẫn đầu về chi phí quân sự có 3 nước châu Á-Thái Bình Dương. Đó là Trung Quốc, nước này đã tăng 358% chi phí quân sự trong 10 năm gần đây (vị trí thứ hai), Nhật Bản (vị trí thứ 6) và Ấn Độ (vị trí thứ 9). Các quốc gia dẫn đầu khu vực đang đặc biệt chú ý tăng cường sức mạnh hải quân. Các nước khác trong khu vực là Australia, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Indonesia, Malaysia, Việt Nam cũng đang tăng cường hải quân.
Yếu tố chủ yếu của sự bất ổn định hiện tại và tương lai trong khu vực là sự phát triển nhanh chóng của sức mạnh kinh tế, quân sự và hải quân của Trung Quốc và đi cùng nó là sự gia tăng những tham vọng đối ngoại. Như các sự kiện năm 2010-2011 cho thấy, sự giảm bớt sự dính líu của Mỹ trong khu vực đang đi kèm với sự gia tăng mâu thuẫn giữa Trung Quốc và các nước láng giêngf, cũng như giữa Nhật Bản và Nga, Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên.
Tháng 6.2011, mâu thuẫn căng thẳng gia tăng ở Biển Đông giữa Philippines, Việt Nam và Trung Quốc. Đáp lại là lập trường cứng rắn của Mỹ, quốc gia ủng hộ Việt Nam và Philippines. Sự căng thẳng quan hệ với Việt Nam và nhất là việc Việt Nam xích lại gần Mỹ là những tín hiệu cực kỳ quan trọng đối với giới lãnh đạo Trung Quốc mà họ không thể không nhận thấy. Chính sách của Trung Quốc trong khu vực chắc chắn sẽ mềm mỏng hơn.
Sự tăng cường hải quân của các nước trong khu vực tiềm ẩn trong mình những mối đe dọa đói với an ninh và ổn định quốc tế, cũng như những cơ hội mới để hợp tác. Các quyết định then chốt sẽ được thông qua trong khuôn khổ đối thoại Mỹ-Trung với vai trò ngày càng tăng của Ấn Độ và Nga. Tương lai của khu vực sẽ phụ thuộc vào việc chính sách đối ngoại của các nước tại khu vực này được cân nhắc tính toán đến mức độ nào.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét