Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc nghiên cứu
Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright phân tích bản chất và những căn
bệnh của nền kinh tế xung quanh câu chuyện lạm phát và lãi suất ngân
hàng.
Hệ quả của những điều bất bình thường
Lạm
phát, giá cả tăng và doanh nghiệp (DN) cần nhiều vốn để đầu tư cho hoạt
động sản xuất kinh doanh, trong khi đó nguồn vốn lại bị siết khiến DN
gặp không ít khó khăn, ông nhìn nhận thế nào?
Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh
Chúng ta nên có cái nhìn dài
hạn, không thể cứ thấy giá tăng thì Nhà nước bơm tiền ra để DN có vốn.
Vấn đề là, đằng sau hiện tượng tăng giá có nhiều nguyên nhân, trong đó
có 2 nguyên nhân chính.
Thứ nhất, trong thời gian dài,
cung tiền tăng rất nhanh, cụ thể trong suốt 15 năm trở lại đây, tăng
trưởng tín dụng luôn ở mức trên 30%/năm. Thứ hai, trong khi cung tiền
tăng như vậy nhưng tăng trưởng GDP lại không tương xứng, tăng trưởng
trung bình 7%/năm và thời gian gần đây chưa đến con số đó.
Sự mất cân đối đó dứt khoát
phải gây ra lạm phát, nhập siêu. Khi lạm phát cao, Chính phủ buộc phải
giảm bớt cung tiền, tín dụng. Về bản chất là sửa lại cái lỗi trong suốt
mười mấy năm qua, đặc biệt từ năm 2007 trở lại đây.
Nếu
lạm phát tiếp tục tăng, thì lãi suất cũng tăng theo, cho nên dù Nhà
nước có dùng biện pháp hành chính để khống chế giảm lãi suất thì doanh
nghiệp, ngân hàng cũng sẽ tìm cách đục thủng trần lãi suất theo quy luật
thị trường?
Khi làm điều đó, Ngân hàng Nhà
nước (NHNN) đã áp dụng biện pháp hành chính để nén lãi suất xuống và
tránh cuộc chạy đua lãi suất của các ngân hàng thương mại (NHTM).
Nhưng biện pháp đó vi phạm quy
luật cung cầu của thị trường tín dụng. Thực tế này cũng làm cho DN và
các NHTM lách trần tín dụng bằng nhiều cách và chưa chắc lãi suất áp đặt
của NHNN đã phát huy tác dụng, nhưng lại chắc chắn tạo ra một loạt
những méo mó trong hệ thống, và cụ thể là trên thị trường tín dụng.
Khi lãi suất cho vay lẫn lãi suất huy động đều cao, ông có cho rằng, đó là nền kinh tế chứa đựng nhiều điều bất thường?
Chắc chắn là bất bình thường,
và đó là hệ quả của một thời gian dài bất bình thường. Nền kinh tế trước
kia tăng trưởng 7- 8% thì mọi người nghĩ rằng tăng trưởng tín dụng như
thế là ổn, nhưng nó giống như là người uống rượu nhiều quá, bệnh tích
lũy lại và đến lúc bùng phát thì mới vỡ ra rằng, việc chúng ta làm từ
trước đến giờ là tích lũy bệnh.
Bất bình thường đó như một căn
bệnh được tích tụ trong nhiều năm. Thứ hai, lãi suất cao, 16-18%, đã
làm tăng chi phí kinh doanh của DN, và khi phải cạnh tranh với các đối
thủ quốc tế mà họ chỉ phải trả lãi suất 5%-6% thì đó là sự bất lợi của
DN Việt Nam.
Thứ ba, điều rất quan trọng mà
người ta ít khi nói tới, đó là tính bất định. Vấn đề của DN hiện nay là
không biết được ngày mai sẽ lên hay xuống, tình trạng thị trường sẽ như
thế nào, những rủi ro về mặt thị trường quá lớn, lớn hơn rất nhiều so
với chi phí trả cho việc lãi suất tăng.
Ách tắc thanh khoản
Tính
thanh khoản của các ngân hàng kém là do sự yếu kém của chính ngân hàng.
Tuy nhiên, hệ thống ngân hàng lại bắt DN và người dân gánh chịu yếu kém
của mình?
Hiện tại, lượng tiền trong các
ngân hàng đang bị ứ đọng chứ không phải thiếu. Nhìn vào thanh khoản của
các ngân hàng thì biết số lượng tiền gửi tăng và ngày càng nhiều, trong
khi giải ngân thấp hơn so với trước.
Có người nói lượng tiền hiện nay dồi dào, tôi thì cho rằng nó bị ách tắc chứ không phải dồi dào.
Tại sao như thế? Một phần do
lãi suất cao nên ngân hàng khó cho vay, ngay cả khi muốn cho vay cũng
không tìm được khách hàng an toàn để cho vay, bởi rủi ro trên thị
trường, tức tính bất định như tôi vừa nói quá lớn.
Khi cho một DN vừa và nhỏ vay,
ngân hàng không dám chắc thu hồi được vốn nên phải cộng thêm vào đấy
một phần bù cho rủi ro. Mặt bằng lãi suất cao, cộng với rủi ro cao làm
cho lãi suất cao thêm một tầng nữa.
Nếu không làm giảm bớt những
rủi ro đấy thì sẽ không có cơ sở để giảm lãi suất và DN sẽ không vay để
đầu tư mở rộng sản xuất. Khi ngân hàng ứ đọng tiền, họ tìm đầu ra bằng
việc mua trái phiếu, tín phiếu của Chính phủ, lãi suất 10-11%, tuy thấp
hơn lãi suất cho vay nhưng bù lại không phải chịu rủi ro, vì đấy là tài
sản do Chính phủ bảo đảm.
Bên cạnh đó, lãnh đạo các ngân
hàng nhìn thấy khoảng 4, 5 tháng nữa lạm phát có thể sẽ trở về mức
7-8%, nên mua ở thời điểm này 10-11% là tốt quá rồi. Họ đặt tiền tại chỗ
và chẳng phải làm gì nhưng vẫn có lợi nhuận. Đấy chính là vấn đề của hệ
thống ngân hàng hiện nay.
Theo ông, điều đó sẽ dẫn đến những hệ lụy gì?
Hệ lụy đầu tiên là dòng vốn
không được khơi thông, nó vẫn bị ứ đọng, chỉ chuyển từ ứ đọng trong két
của ngân hàng sang ứ đọng trong trái phiếu hoặc tín phiếu mà ngân hàng
đang sở hữu. Vốn đó không đến được với các DN.
Thứ hai, khi NHNN và Chính phủ
vẫn tiếp tục huy động trái phiếu và tín phiếu thì các NHTM vẫn tìm thấy
đường ra nên không có động lực, không có khuyến khích nào để buộc họ
phải cho DN vay, tức là Nhà nước đang chèn lấn khu vực tư nhân, khu vực
nhà nước đang chèn lấn khu vực DN.
Như thế làm sao DN có vốn để
đầu tư sản xuất. Nếu NHNN và Chính phủ không phát hành trái phiếu, tín
phiếu nhiều thì lượng ứ đọng của ngân hàng sẽ phải tìm đường ra là DN
hoặc người tiêu dùng. Giờ Nhà nước hút tiền vào rồi thì ngân hàng ung
dung tự tại hưởng lãi suất 3-4%.
Làm thế nào để ngân hàng vừa không ứ đọng, vừa phục vụ các đối tượng có nhu cầu vốn một cách hiệu quả, thưa ông?
Cần tiếp tục giảm lãi suất
song hành với kiềm chế lạm phát. Nếu xu thế như hiện nay thì đến tháng 6
năm nay lạm phát so với cùng kỳ năm ngoái sẽ giảm xuống mức 8-9%, là
mức ổn định, lành mạnh đối với nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam.
Điều đó cũng có nghĩa là NHNN
tiếp tục giảm thêm lãi suất, không phải chỉ ở mức 12% như hiện nay mà có
thể xuống 9-10% vào khoảng tháng 6 này. Khi lãi suất huy động giảm còn
10% thì đó là cơ sở để giảm lãi suất cho vay.
Lãi suất cho vay cao không
phải vì lãi suất huy động cao mà vì rủi ro quá lớn, vậy thì Nhà nước
phải giảm rủi ro xuống bằng cách ổn định kinh tế vĩ mô, từ đó làm giảm
bớt những rủi ro có tính thị trường và DN có thể đầu tư, mở rộng sản
xuất.
Khi người tiêu dùng thấy không
bị xói mòn giá trị vì lạm phát thì có thể bỏ tiền ra tiêu dùng. Đấy là
lúc cả bên cung và bên cầu có niềm tin lớn hơn vào triển vọng kinh tế và
sẽ thúc đẩy nền kinh tế đi lên.
Thứ ba, Nhà nước có thể nghĩ
đến những biện pháp ngắn hạn, như giảm thuế, miễn thuế cho DN và đừng
chồng thêm các loại phí vì sẽ làm giảm chi tiêu của người dân khiến nền
kinh tế đi sâu hơn vào đình trệ.
Tăng cung tiền suốt một thời gian dài đã đẩy lạm phát tăng cao (Ảnh minh họa: Đại Dương)
Những tín hiệu lạc quan
Theo ông, các cơ quan điều hành đã làm được gì để ổn định nền kinh tế vĩ mô?
Nhìn vào các chỉ số hiện nay,
tôi thấy NHNN làm được 2 việc. Việc thứ nhất là có một lộ trình giảm lãi
suất rất mạch lạc, Thống đốc nói rất rõ và thực hiện đúng những gì ông
ấy nói là mỗi quý giảm 1%.
Thông điệp như thế là rõ ràng
và tạo niềm tin cho thị trường. Thứ hai, với chính sách thắt chặt chính
sách tiền tệ thì trên thực tế lạm phát giảm.
NHNN chưa làm được là việc tái
cơ cấu hệ thống ngân hàng. Cho đến nay, chưa có dấu hiệu gì cụ thể của
việc tái cơ cấu, thậm chí tôi còn nhìn thấy trong đấy một số dấu hiệu
chưa tích cực.
Cụ thể là 3 ngân hàng sáp nhập lại với nhau (hồi cuối năm 2011) là có cùng một chủ.
Lỗi của họ là phá tan tài sản
của người gửi tiền, tạo ra rủi ro cho hệ thống nhưng họ không những
không bị mất vốn hoặc bị phạt mà lại còn được thưởng bằng cách được nhà
nước bơm tiền vào, được Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)
hỗ trợ thanh khoản. Đó là cái không công bằng.
Ông đánh giá thế nào về tình hình lạm phát trong thời gian tới?
Nhìn một cách tổng quan, tôi
không thấy có những nhân tố đột biến để làm cho lạm phát thay đổi trong
một, hai quý tới, đặc biệt trong quý II-2012. Tôi tin là vào quý III năm
nay lạm phát chỉ còn dao động 7%-8%.
Xu thế lạm phát giảm đều đặn
cho đến quý III năm nay. Việc giảm một cách ổn định như thế thì chính
sách lãi suất cần điều chỉnh một cách tương thích.
Cảm ơn ông.
Theo Tiền Phong Online
Thứ nhất, trong thời gian dài,
cung tiền tăng rất nhanh, cụ thể trong suốt 15 năm trở lại đây, tăng
trưởng tín dụng luôn ở mức trên 30%/năm.
Thứ hai, trong khi cung tiền
tăng như vậy nhưng tăng trưởng GDP lại không tương xứng, tăng trưởng
trung bình 7%/năm và thời gian gần đây chưa đến con số đó. Sự mất cân
đối đó dứt khoát phải gây ra lạm phát.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét