Thứ Năm, 5 tháng 4, 2012

TQ cảnh báo dầu khí Ấn Độ

Nhân viên ONGC
ONGC đã ký thỏa thuận hợp tác với PetroVietnam
Chuyên gia hàng đầu của Trung Quốc về Biển Đông cảnh báo Ấn Độ có thể trả giá nặng vì khai thác dầu cùng Việt Nam ở vùng biển tranh chấp.
"Có những rủi ro chính trị và kinh tế" cho công ty Ấn Độ, theo lời ông Ngô Sĩ Tồn, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Nam Hải (Biển Đông) của Trung Quốc, đề cập dự án giữa ONGC-Videsh của Ấn Độ và PetroVietnam.
Tuần rồi, Phó Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, khi thăm New Delhi, tuyên bố khu vực giao cho Ấn Độ thăm dò nằm trong vùng 200 hải lý, thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Ông Nhân nói với các báo Ấn Độ: "Tôi có thể nói với các vị rằng không có tranh chấp về chủ quyền và lãnh thổ tại khu vực này."
Tháng 10 năm ngoái, Ấn Độ và Việt Nam đã ký thỏa thuận thăm dò dầu khí tại Biển Đông.
Nhưng ông Ngô Sĩ Tồn được truyền thông Ấn Độ hôm qua dẫn lời rằng khoảng 40% của hai lô mà Ấn Độ đang thăm dò nằm trong vùng biển tranh chấp.
Ông nói: "Việc can dự của các tác nhân bên ngoài và các công ty dầu hỏa là trở ngại cho giải pháp chung cuộc."
Ông Ngô, người tư vấn cho chính phủ Trung Quốc về Biển Đông, nói Ấn Độ và Nhật Bản nên "đóng vai trò tích cực cho việc giải quyết" vấn đề.
Ông nói chính phủ Trung Quốc sẽ không từ bỏ yêu sách chủ quyền vì "chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ ở Trung Quốc".
Bình luận của ông Ngô đưa ra ngay sau khi các quốc gia Đông Nam Á cam kết đẩy mạnh các nỗ lực giải quyết các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông với Trung Quốc.
Thông cáo này được đưa ra khi Hội nghị thượng đỉnh Asean bế mạc hôm thứ Tư ngày 4/4.
Lãnh đạo 10 nước Asean "tái khẳng định tầm quan trọng" của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông DOC và cam kết thúc đẩy hòa bình và hiểu biết lẫn nhau tại vùng biển tranh chấp.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích thì những ngôn từ như thế cũng từng được sử dụng trong thông cáo bế mạc Thượng đỉnh Asean hồi năm ngoái và các năm trước đó. Điều này thể hiện sự bế tắc trong vấn đề tranh chấp với Trung Quốc.
“Đây là một thông cáo yếu nhưng có thể hiểu được khi chúng ta biết rằng Asean không thể tìm được tiếng nói chung về Biển Đông,” Pavin Chachavalpongpun, một nhà ngoại giao Thái Lan đã nghỉ hưu và hiện đang là chuyên gia tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, nói với hãng tin AFP.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét