Chủ Nhật, 8 tháng 4, 2012

Đẳng cấp phát triển: VN chọn Đông Á hay Đông Nam Á?

Một bài phỏng vấn cũ nhưng rất hay và còn nguyên giá trị

  "Việt Nam đang đứng trước cơ hội cuối cùng để tạo nền tảng vững chắc cho nền kinh tế nước ta cất cánh, khẳng định công cuộc phát triển tương lai của chúng ta thuộc đẳng cấp Đông Á chứ không phải Đông Nam Á.  Ý chí, tầm nhìn chiến lược, thu hút sử dụng người tài và sự nhạy bén, quyết liệt trong phân tích thấu đáo và ý thức học hỏi tinh hoa nhân loại sẽ quyết định đẳng cấp ấy" - TS Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu nhận định.
Tác giả loạt bài Đột phá từ triết lý phát triển thu hút sự chú ý của dư luận đã chia sẻ góc nhìn của mình về nền kinh tế Việt Nam và những lựa chọn phát triển tại thời điểm mang tính bản lề - 2008.
Thiếu nền tảng vững chắc để nền kinh tế cất cánh
- Trong nhiều cuộc trò chuyện cũng như các bài viết của giới trí thức và những người có trách nhiệm đều khẳng định năm 2008 như thời điểm bản lề trong công cuộc phát triển của Việt Nam.... Đánh giá của ông?

Năm 2008 là năm khởi đầu của giai đoạn 2008-2010, là giai đoạn nước ta sẽ bước ra khỏi danh sách các nước nghèo và gia nhập vào nhóm các nước có mức thu nhập trung bình. Đó là điều đáng mừng, nhưng cũng rất đáng lo bởi chúng ta đã bước vào giai đoạn có tính then chốt buộc chúng ta phải khẳng định chúng ta sẽ đẳng cấp nào trong công cuộc phát triển sắp tới.
Trong xu thế phát triển hiện nay, chúng ta sẽ đạt được mức thu nhập bình quân đầu người 1000 USD trong mấy năm tới. Tuy nhiên, nền tảng cho nền kinh tế nước ta cất cánh chưa được chuẩn bị sẵn sàng; thể hiện ở chất lượng quản lý vĩ mô yếu, hạ tầng cơ sở và qui hoạch chiến lược kém, dung năng sáng tạo và chất lượng giáo dục còn rất thấp, môi trường ô nhiễm, tệ nạn xã hội đã ở vào mức nghiêm trọng.
Mô tả ảnh.
TS. Vũ Minh Khương, giảng viên trường Chính sách công Lý Quang Diệu.
Chúng ta, trên thực chất, đang đứng trước nguy cơ rơi vào vào cạm bẫy của mức phát triển trung bình: không còn quá nghèo để phải bức xúc cải cách và vượt lên; trong khi đó, các yếu tố nền tảng cho một nền kinh tế tăng trưởng cao trong giai đoạn trưởng thành lại quá yếu. Các mâu thuẫn trong phát triển trở nên gay gắt: giữa tính phức tạp của điều hành vĩ mô và năng lực và phẩm chất của bộ máy quản lý; giữa yêu cầu cao về nguồn nhân lực có trình độ và chất lượng hệ thống giáo dục; giữa nhu cầu nâng cao sức cạnh tranh toàn cầu về môi trường sống-kinh doanh và điều kiện giao thông, môi trường, ăn ở.
Điều đáng suy nghĩ hơn nữa là, mặc dù chúng ta đang ở vào giai đoạn thuận lợi nhất của phát triển, kỳ vọng của thế giới về tương lai của nước Việt Nam ta dường như cứ thấp dần theo thời gian. 
Ngay sau năm 1975, khi chúng ta vừa thống nhất đất nước, biết bao người đã ngưỡng vọng rằng Việt Nam là một dân tộc có ý chí vô song và người Việt Nam có thể đi tới bất kể mục tiêu nào mà họ đặt ra. Điều này đã không xảy ra bởi chúng ta say sưa quá lâu với chiển thắng và bị lu mờ trong tầm nhìn về tương lai.
Năm 1986, công cuộc đổi mới ở nước ta mở ra một giai đoạn đầy kỳ vọng cho công cuộc phát triển. Vào những năm đầu của thập kỷ 90, nhiều người kỳ vọng Việt Nam sẽ phát triển không thua kém Trung quốc và có thể trở thành một con rồng mới của Châu Á.
" Người ta có cảm nhận là thế giới trong trào lưu toàn cầu hóa mạnh mẽ đang nắm bắt cơ hội Việt Nam chứ không phải dân tộc Việt Nam đã đứng lên nắm lấy vận hội phát triển của mình".
Chúng ta đã có nhiều cố gắng rất đáng trân trọng trong hơn 20 năm qua. Thế nhưng, những nỗ lực này còn rất thấp so với đòi hỏi của thực tế, trong khi tư duy phát triển của ta mới dừng ở mức đổi mới có tính tình thế chứ chưa phải là một cuộc cải cách sâu rộng có tính nền tảng.
Tiến trình phát triển của chúng ta trong 20 năm qua dường như lặp lại mô thức Đông Nam Á theo kiểu tương tự với Indonesia và Thái Lan, trong khi Trung Quốc đi theo mô thức Đông Á, điển hình là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, và Singapore.
Kể từ khi chúng ta gia nhập WTO năm 2006, thế giới một lần nữa hướng về Việt Nam. Hy vọng rằng Việt Nam có thể làm được điều gì đó kỳ diệu vẫn còn nhưng đã trở nên nhỏ bé. Người ta có cảm nhận là thế giới trong trào lưu toàn cầu hóa mạnh mẽ đang nắm bắt cơ hội Việt Nam chứ không phải dân tộc Việt Nam đã đứng lên nắm lấy vận hội phát triển của mình.
Trong mấy năm qua, chúng ta thua kém so với hai nước láng giềng là Trung Quốc và Campuchia trên hai chỉ số vĩ mô cơ bản là tốc độ tăng trưởng và kiểm soát lạm phát. Trong giai đoạn 2003-2007, chúng ta tăng trưởng trung bình 8,2% và lạm phát bình quân là 9,5%; trong khi các con số tương ứng của Trung Quốc là 10,8% và 3,3%; của Campuchia là 10,6% và 6,5%.
Mặc dù, mức lạm phát cao này có một phần nguyên nhân là do giá quốc tế tăng cao và Việt Nam đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, nhưng chúng ta cần lý giải sâu sắc tại sao mức lạm phát của nước ta cao hàng đầu ở Đông Nam Á và tại sao nhiều nước hoàn toàn dựa vào nhập khẩu vẫn có mức lạm phát trong tầm kiểm soát (Singapore: 4,4%; Hồng Kông: 3,8%). Mức chênh lệch về lạm phát khoảng 8-9% giữa nước ta và các nước phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu biểu hiện phần nào căn bệnh hiệu quả thấp của nền kinh tế và hiệu lực hạn chế trong điều hành vĩ mô của nước ta.
Rõ ràng, nước ta đang ở giai đoạn then chốt, nếu không nói là cơ hội cuối cùng để tạo nền tảng vững chắc cho nền kinh tế nước ta cất cánh, khẳng định công cuộc phát triển tương lai của chúng ta thuộc đẳng cấp Đông Á chứ không phải Đông Nam Á. Nếu chúng ta không có nỗ lực đột phá, vào giữa thế kỷ 21 này, Việt Nam sẽ chỉ có một vị thế trung bình ở Đông Nam Á, thua xa mức phát triển của Malaysia hay Thái Lan.
Từ đổi mới đến cải cách
- Vậy theo ông, tại sao công cuộc đổi mới ở nước ta chưa thực sự là một cuộc cải cách để tạo nền tảng vững chắc cho đất nước cất cánh?

Khởi đầu của một công cuộc cải cách sâu rộng đòi hỏi hội tụ được ba yếu tố then chốt. Thứ nhất là sự xót xa, tủi nhục về hiện trạng; thứ hai là nỗi sợ về hiểm họa do không chịu đổi thay; thứ ba là tầm nhìn và tri thức để đảm bảo cho công cuộc đổi thay thắng lợi.
Trong lịch sử nước ta, trước đe dọa xâm lược của quân Nguyên-Mông, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, đã tạo nên một cuộc cải cách mạnh mẽ trong quân sĩ mà nội dung của bài hịch chứa đựng cả ba yếu tố nêu trên.
Về xót xa tủi nhục, ông viết “…Thấy sứ ngụy đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn tấc lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình, đem tấm thân dê chó mà khinh rẻ tổ phụ…”; Về nguy cơ hiểm họa, ông nhấn mạnh “…Lúc bấy giờ chúa tôi nhà ta đều bị bắt, đau xót biết chừng nào! Chẳng những thái ấp của ta không còn mà bổng lộc các ngươi cũng mất; …chẳng những xã tắc tổ tông ta bị kẻ khác giày xéo mà phần mộ cha ông các ngươi cũng bị kẻ khác bới đào”; và ông chỉ rõ tầm nhìn và kế sách để thực hiện cải cách bằng viết ra cuốn “Binh Thư Yếu Lược” và thúc giục quân sĩ tu luyện theo nó.
Ở Trung Quốc, ông Đặng Tiểu Bình cũng khởi đầu công cuộc cải cách trên cơ sở ba yếu tố then chốt như trên.
Về xót xa, tủi hổ, ông cùng ban lãnh đạo Trung Quốc ôn lại những nỗi nhục mà người Trung Quốc đã phải chịu trong lịch sử cận-hiện đại, bắt đầu từ thời Mãn Thanh, mà ký ức đau xót ám ảnh họ là tấm biển “Cấm người Trung Quốc và chó” treo ở cổng vào một công viên ở Thượng Hải trong thời thuộc quyền ảnh hưởng của nước ngoài.
Về hiểm họa, ông cũng mời ban lãnh đạo xem bộ phim tài liệu về cuộc hành hình vợ chồng chủ tịch Ceausescu của Rumani để hiểu rõ sự trừng phạt khi lãnh đạo mất đi lòng tin của người dân.
Về tầm nhìn và kế sách, ông cũng cùng ban lãnh đạo và mưu sĩ đưa ra chiến lược bốn hiện đại hóa với quyết tâm đưa Trung Quốc trở thành một cường quốc vào giữa thế kỷ 21.
"Chúng ta đổi mới trên cơ sở từ bỏ cái cũ và nắm bắt cái mới vì thấy cái cũ có hại quá và cái mới đem lại lợi ích rõ rệt. Cách tiếp cận này là một sự duy lý thông thường mang tính tình thế hơn là xuất phát từ ý chí cải cách triệt để".
Công cuộc đổi mới của nước ta là một bước thay đổi quan trọng; thế nhưng nó được thúc đẩy chủ yếu bởi sự bức xúc của tình thế và nỗ lực “phá rào” ở cấp địa phương.
Chúng ta đổi mới trên cơ sở từ bỏ cái cũ và nắm bắt cái mới vì thấy cái cũ có hại quá và cái mới đem lại lợi ích rõ rệt. Cách tiếp cận này là một sự duy lý thông thường mang tính tình thế hơn là xuất phát từ ý chí cải cách triệt để. Vì vậy, chúng ta có thể năng động tiếp nhận một số cái mới nhưng không thực sự chú trọng cải cách và xây dựng nền tảng căn bản cho phát triển lâu bền.
- Trên đánh giá tổng thể, theo ông, đâu là trụ cột chính yếu quyết định đẳng cấp phát triển của chúng ta?
Có ba trụ cột chính yếu. Thứ nhất đó là ý chí và tầm nhìn chiến lược. Thứ hai, đó là thu hút và sử dụng người tài; Thứ ba, đó là sự nhậy bén, quyết liệt và triệt để trong phân tích thấu đáo và ý thức học hỏi - tiếp thu tri thức và tinh hoa của nhân loại. Ba trụ cột này có sự tương tác chặt chẽ với nhau tạo nên sức mạnh cộng hưởng rất tiềm tàng.
So với Trung Quốc và các nước theo mô hình phát triển Đông Á, chúng ta đang thua kém rất xa trên cả ba trụ cột này.
Về ý chí và tầm vóc chiến lược, một ví dụ dễ thấy về yếu kém của chúng ta là trong qui hoạch đô thị - giao thông và hoạch định chiến lược công nghiệp hóa.
Các thành phố của chúng ta phát triển manh mún, hỗn độn, trong khi chúng ta để mất rất nhiều tiền vào tay những người đầu cơ trục lợi đất đai và say sưa với xây dựng trung tâm hội nghị, khu triển lãm, và tượng đài.
Ở Singapore, người ta coi qui hoạch của một địa phương như là cái la bàn của một con tàu. Theo họ quan sát, nhiều thành phố không chịu sắm la bàn cho con tàu của mình (cho dù qui hoạch ở đẳng cấp quốc tế ở mức khởi đầu chỉ tốn một số tiền nhỏ--khoảng 1 triệu USD), trong khi mất rất nhiều công sức và tốn phí cho tô vẽ, chỉnh trang một số bộ phận trên con tàu.
Mô tả ảnh.
Chiến lược ngành công nghiệp hoá dầu của VN còn nhiều điểm bất cập: phải tự bỏ vốn lớn, giá thành xây dựng cao, quy hoạch không mang tính tổ cụm - liên thông. Ảnh: Nhà máy lọc dầu Vũng Rô
Trong phát triển công nghiệp, ngành hóa dầu của chúng ta là một ví dụ đáng suy nghĩ. Đây là ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, nhưng cạnh tranh rất gay gắt và đòi hỏi vốn, công nghệ, và quyền lực thị trường rất lớn (trong mua nguyên liệu thô và bán sản phẩm); vì vậy, xây dựng ngành công nghiệp này đòi hỏi sự tham gia của những công ty hàng đầu thế giới với qui mô sản xuất lớn và qui hoạch có tính tổ cụm - liên thông để đảm bảo sức cạnh tranh quốc tế cao nhất.
Singapore thực hiện rất tốt chiến lược này trong thu hút các công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực dầu khí như Shell, Exxon-Mobil, Caltex và tất cả đều tập trung trên một diện tích nhỏ của đảo Jurong trong một tổ cụm công nghiệp hóa dầu hoàn hảo.
Trong khi đó, ngành hóa dầu của ta đã phát triển qua hai thập kỷ vẫn chưa xây xong nhà máy lọc dầu đầu tiên. Ngoài ra, chúng ta phải tự bỏ ra một khoản vốn lớn với giá thành xây dựng quá cao. Đồng thời, các nhà máy lọc dầu thứ hai và thứ ba lại dự kiến bố trí ở các nơi khác nhau, thiếu tính tổ cụm và vắng bóng các tập đoàn dầu khí hàng đầu. Theo cách này, ngành hóa dầu ở nước ta sẽ khó có thể một lực đẩy mạnh mẽ trong nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế đất nước trong những năm tới đây.
Về thu hút và trọng dụng nhân tài, chúng ta còn quá ít những vị tướng tài năng và thiếu những đội quân quả cảm trong các lĩnh vực trọng yếu. Tôi có may mắn được tham gia giảng dạy một số khóa đào tạo ngắn hạn cho cán bộ của Việt Nam và thấy ở họ nhiều con người thông minh và tâm huyết. Thế nhưng, mọi người đều chia sẻ mấy quan ngại lớn cho các cơ quan nhà nước.
Thứ nhất, khi gặp bài toán khó, các nhà quản lý thường ít có nỗ lực tìm những lời giải có tầm cải cách mà thường chỉ đốc thúc mạnh hơn hoặc đổ tại cơ chế và nguyên nhân khách quan.
Thứ hai, công suất hữu ích trong sử dụng năng lực của cán bộ ở mức thấp (nhiều ước đoán cho thấy chỉ ở mức xấp xỉ 50%).
"Về thu hút và trọng dụng nhân tài, chúng ta còn quá ít những vị tướng tài năng và thiếu những đội quân quả cảm trong các lĩnh vực trọng yếu".
Thứ ba, sau một số năm công tác ở một cơ quan nhà nước, giá trị chủ yếu của một cán bộ là lòng nhiệt thành với công việc có xu hướng bị giảm sút. Điều đó cho thấy, với cơ chế hiện nay, chúng ta khó có thể thu hút và trọng dụng được cán bộ tốt thông thường chứ chưa nói đến tài năng. 
Trong khi đó, ở Trung Quốc, nhân tài được thu hút và trọng dụng đặc biệt trên khắp mọi lĩnh vực, dù ở cương vị bộ trưởng hay hiệu trưởng các trường đại học.
Điều đặc biệt đáng lưu ý là Trung Quốc vừa thành công trong thuyết phục Ngân hàng Thế giới bổ nhiệm công dân Lin Yifu của mình làm Kinh tế gia trưởng, một chức vụ danh giá và có ảnh hưởng rất lớn đã từng được đảm nhiệm bởi Larry Summer (cựu chủ tịch Đại học Harvard) và Josepth Stiglitz (người đã nhận giải thưởng Nobel về kinh tế). Việc bổ nhiệm này sẽ giúp Trung Quốc tăng thêm đáng kể ảnh hưởng của mình trong thế giới đang phát triển, đặc biệt là châu Phi.
Theo nhiều học giả người Trung Quốc, trong ý chí trở thành cường quốc, Trung Quốc không theo mô hình “Bá quyền” như kiểu Mỹ (dựa vào quyền lực quân sự và kinh tế để ép buộc các nước phải theo) mà theo mô hình “Vương quyền”, theo đó, coi trọng bổ nhiệm người tài vào các cương vị then chốt có sức thu hút và qui phục nhân tâm trên qui mô toàn cầu.
Về phân tích thấu đáo và nỗ lực học hỏi, chúng ta còn rất yếu. Chúng ta chưa có chiến lược tổng hợptiếp thu những kinh nghiệm hay nhất của quốc tế, từ xây dựng chiến lược phát triển đến xây dựng hệ thống chính trị và bộ máy quản lý nhà nước; từ qui hoạch đô thị đến quản lý giao thông; từ cải cách giáo dục đến chăm sóc sức khỏe và đời sống của người dân.
Một ví dụ nhỏ mà nhiều bè bạn quốc tế thường nhắc đến khi nói về tính kém học hỏi của Việt Nam là chúng ta không có mã số bưu điện (zip code) cho địa chỉ của cơ quan hay nhà ở, điều mà hầu hết các nước đều phải có.
Một ví dụ nữa là chúng ta dường như sẵn sàng bỏ nhiều tỷ USD để xây dựng đường sắt cao tốc Bắc-Nam nhưng không hề trăn trở phân tích xem tại sao hiện nay tỷ mức hiệu quả trên 1km đường sắt của chúng ta so với Trung Quốc chỉ bằng 1/10 về doanh thu; 1/4 về vận chuyển hành khách (người-km) và 1/20 về vận chuyển hàng hóa (tấn-km).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét