Phương thức chiến thuật “Thống trị bầu trời” kết hợp với vũ khí trang bị hiện đại, công nghệ cao đang trở thành mối nguy hiểm của các nước ven biển đang phát triển và có nền công nghiệp quốc phòng hạn chế.
Chính vì thế, kẻ thù của chúng ta, muốn “thống trị bầu trời” phải chế áp các tổ hợp phòng không của ta, tạo ra một “bầu trời sạch” cho lực lượng không quân của chúng tác chiến.
Đây là một trong những nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của địch, quyết định thành bại của chiến trường.
Vì vậy, tổ chức đập tan ý đồ của địch, biến vùng trời Việt Nam thành lưới lửa cho quân xâm lược cũng là một nhiệm vụ sống còn.
Kinh nghiệm và bài học cho nhau trong cuộc chiến tranh Việt –Mỹ
Áp chế phòng không thực chất là “làm mù” hệ thống phòng không của đối phương bằng cách tiêu diệt toàn bộ hệ thống radar, thông tin chỉ huy… của tên lửa đối không.
Các chiến thuật áp chế phòng không manh nha hình thành từ Thế chiến thứ hai khi các loại máy bay chiến đấu được sử dụng phổ biến.
Thời kỳ đó, hệ thống phòng không trong giai đoạn sơ khai, chủ yếu bằng các loại pháo, súng máy phòng không ngắm bắn bằng mắt thường nên chiến thuật áp chế phòng không chưa hình thành rõ rệt, chủ yếu phụ thuộc vào kỹ năng tấn công của lực lượng không quân chiến trường.
Chiến thuật áp chế phòng không chính thức bắt đầu trên quy mô lớn tại cuộc đối đầu giữa không quân Mỹ và lực lượng phòng không của Việt Nam (1965-1972).
Ở cuộc chiến này, đế quốc Mỹ đã áp dụng hầu hết những tinh hoa về khoa học kỹ thuật trên thế giới lúc bấy giờ vào trong tác chiến áp chế phòng không đầu tiên trên chiến trường Việt Nam, hòng biến “Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá”.
Việt Nam, đương nhiên là quốc gia đầu tiên trên thế giới nếm đòn lợi hại từ chiến thuật này.
Lực lượng phòng không Việt Nam, đặc biệt là bộ đội tên lửa, ngoài việc đối phó khốc liệt, cân não với một lực lượng có nền công nghệ điện tử vượt trội trong gây nhiễu (áp chế mềm), họ phải đối đầu (áp chế cứng) với một loại tên lửa khét tiếng: Tên lửa AGM-45 Shrike.
AGM-45 Shrike là loại tên lửa diệt radar bị động. Khi phát hiện ra sóng ra đa phòng không đối phương, phi công sẽ “khóa” mục tiêu và phóng tên lửa. Khoảng cách từ tầm phóng xa nhất (25km) đến mục tiêu (radar phòng không) là 50 giây, trong suốt khoảng thời gian đó, để đảm bảo tên lửa trúng đích, radar phải liên tục phát sóng.
Thời kỳ đầu AGM-45 Shrike gây ra vô vàn khó khăn, nhiều hệ thống radar bị tiêu diệt. Nhưng trí tuệ thông minh của bộ đội tên lửa Việt Nam đã tìm được phương án tối ưu để chống lại loại tên lửa nguy hiểm này.
Đó là chế độ bật, tắt radar phát sóng phối hợp với khả năng tự đeo bám mục tiêu sau khi bắt được mục tiêu của tên lửa.
Chiến thuật áp chế phòng không “mềm” (gây nhiễu) hay cứng (chủ động tiêu diệt radar) đều kém hiệu quả khi gặp phải chiến thuật “tắt” của trắc thủ radar đối phương.
Những radar dẫn bắn chỉ được bật lên trong một thời gian ngắn khi nhận được thông tin về mục tiêu và được tắt đi ngay sau khi tên lửa phòng không nhận dạng mục tiêu.
Mỹ đã gặp một đối thủ dày dạn kinh nghiệm vạch nhiễu tìm thù, và rất thành công trong phương pháp bật – tắt Radar chống AGM-45 Shrike hiệu quả và đương nhiên Mỹ đã trả giá đắt. Hơn 4 ngàn máy bay Mỹ bị tan xác trên bầu trời Việt Nam và đặc biệt trong chiến dịch Linebacker năm 1972 lịch sử khi B52-“pháo đài bay bất khả xâm phạm”, rơi rụng như sung.
Trước sự áp chế khốc liệt của Mỹ, tên lửa SA-2, những con Rồng lửa Việt Nam, vẫn giáng cho không quân Mỹ những đòn khủng khiếp |
Tuy nhiên, “tiền nào của ấy”, Mỹ , từ giá đắt này đã có những kinh nghiệm quý báu.
Nếu như với phương pháp “bật-tắt” là có thể hạn chế được tên lửa AGM Shrike thì Mỹ đã phát triển một loại tên lửa khác, đó là AGM-88 HARM.
Tên lửa AGM-88 HARM, khi radar của đối phương phát tín hiệu mà nó bắt được thì “nhớ kỹ”. Dù có bật-tắt thế nào thì AGM-88 HARM cũng tự tìm đến mục tiêu bằng định vị GPS.
Điều rút ra cho Việt Nam qua 3 cuộc chiến tranh trên thế giới gần đây
Từ năm 1991 đến nay, Mỹ tiến hành nhiều cuộc chiến tranh, Mỹ đều làm được điều mà không làm được ở Việt Nam, đó là: Làm tê liệt hoàn toàn hệ thống phòng không của đối phương, trong khi lực lượng phòng không-không quân của các quốc gia đó không phải là không hiện đại.
Biến vùng trời đối phương thành “vùng trời sạch”, còn ngạo mạn tuyên bố “vùng cấm bay”… Không quân của họ, trên “vùng cấm bay” đó thì “nhởn nhơ” tác chiến giống như cưỡi máy bay đi săn nai trên đồng cỏ châu Phi.
Điều này chứng tỏ, áp chế phòng không là một chiến thuật hữu hiệu của các nước có nền khoa học quân sự hiện đại khi tấn công một nước có nền khoa học quân sự thấp. Dĩ nhiên, đây là mối nguy hiểm lớn nhất của các nước đang bị nguy cơ xâm lược phải chuẩn bị đối đầu với quốc gia hùng mạnh.
Điều rút ra cho Việt Nam trong cuộc đối đầu với Mỹ và trong 3 cuộc chiến gần đây do Mỹ và NATO tiến hành là:
Khi các hệ thống phòng không được xây dựng dưới dạng mạng lưới, qua đó, thông tin thu thập được qua radar hay trinh sát quang học thông thường đều có thể chia sẻ cho khẩu đội phòng không với tốc độ cao qua mạng lưới datalink. Khi tên lửa phòng không có thể được dẫn bắn từ một hay nhiều radar đặt cách xa nó.
Khi những hệ thống phòng không được kết nối với nhau sử dụng tín hiệu số kép cùng những dàn tên lửa phòng không tầm xa cơ động như S-300 MPU1 bắn và di chuyển… thì việc tiêu diệt một vài hệ thống radar là có thể.
Nhưng để đánh quỵ khả năng phòng không ngay từ loạt đạn đầu là không thể. Và lúc đó, lực lượng phòng không tiếp tục sẽ là cơn ác mộng cho phi công đối phương.
Một điều dễ nhận thấy, tên lửa chống bức xạ loại hiện đại như AGM-88 HARM là loại tiêu diệt radar siêu đẳng nhất nhưng đắt tiền nhất và phi công vẫn phải mạo hiểm tính mạng khi bay vào vùng xảy ra tác chiến. Cho nên sử dụng vũ khí tầm trung, tầm xa trong chiến tranh hiện đại đóng vai trò quan trọng.
Đây là phương thức tác chiến chủ yếu mà các nước lớn thường áp dụng làm giảm thiểu tối đa sự hy sinh không cần thiết của con người, phi công bớt mạo hiểm hơn khi bay vào vùng tác chiến làm nhiệm vụ tiếp theo.
Trong 3 cuộc chiến mà Mỹ và NATO tiến hành ở I-rắc, Nam Tư và Li bi thì mở đầu, một loại vũ khí luôn luôn được lựa chọn khai hỏa và đồng thời là nhân tố quan trọng trong các chiến dịch chế áp điện tử là tên lửa hành trình tầm xa BGM-109 Tomahawk.
Tên lửa hành trình kiểu Tomahawk của Mỹ; dòng tên lửa SS-N của Nga, tên lửa hải quân và không quân Club hay gần đây là thế hệ tên lửa Đông Phong của Trung Quốc đều sử dụng hệ thống định vị toàn cầu để dẫn đường cho tên lửa tấn công mục tiêu từ xa một cách chính xác hơn, với tầm tác chiến từ vài trăm đến hàng chục nghìn km.
Có thể tấn công những mục tiêu quan trọng của đối phương mà không cần đưa các phương tiện hỏa lực tiếp cận vùng tác chiến. Với kích thước nhỏ gọn, độ phản xạ radar rất thấp nhờ ứng dụng các loại sơn có khả năng hấp thu sóng điện từ nên việc phát hiện ra nó rất khó khăn.
Có thể nói đây là những loại tên lửa cực kỳ nguy hiểm cho hệ thống phòng không, thông tin chỉ huy của bất kỳ quốc gia nào phải đối phó, đồng thời đây cũng là phương án tác chiến khả thi nhất mà nước lớn thực hiện.
Đập tan ý đồ áp chế phòng không của đối phương, việc đầu tiên là phải tổ chức, bố trí các trận địa để tiêu diệt tên lửa hành trình có cánh tầm trung, tầm xa cận âm như Tomahawk hay Đông Phong Trung Quốc càng nhiều càng tốt khiến đối phương “không thể chịu đựng nổi”.
Đó là bài học cho Việt Nam từ chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” lịch sử. Giàu có như Mỹ, nhưng B52 rụng như sung cũng phải xuống thang chiến tranh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét