Việt Nam:
Tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam là đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, được thành lập ngày 22 tháng 12 năm 1944 trong rừng Trần Hưng Đạo, thuộc huyện Nguyên Bình, Cao Bằng, ban đầu gồm 34 chiến sĩ (trong đó có 3 nữ) do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy; Hoàng Sâm được chọn làm đội trưởng; Xích Thắng, tức Dương Mạc Thạch, làm chính trị viên, Đại tướng Hoàng Văn Thái phụ trách tình báo và kế hoạch tác chiến; Lâm Cẩm Như, tức Lâm Kính, phụ trách công tác chính trị; Lộc Văn Lùng tức Văn Tiên làm quản lý.
Buổi lễ thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam; Đại tướng Võ Nguyên Giáp (bìa trái), Đại tướng Hoàng Văn Thái cầm cờ (là người đội mũ)
Ngày 15 tháng 4 năm 1945, Hội nghị Quân sự Cách mạng Bắc Kỳ họp tại Hiệp Hòa, Bắc Giang quyết định Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân sát nhập với lực lượng Cứu quốc quân do Chu Văn Tấn chỉ huy, đổi tên thành Việt Nam Giải phóng quân, lực lượng quân sự chính của Đảng và Mặt trận (Việt Minh) giành chính quyền từ tay phát xít Nhật vào năm 1945.
Trận đánh đầu tiên của đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân là trận Phai Khắt, Nà Ngần ngày 25 và 26 tháng 12 năm 1944. Ngày 16 tháng 8 năm 1945, khi tiến đánh Thái Nguyên, quân số Giải phóng quân đã khoảng 450 người, biên chế thành một chi đội (tiểu đoàn), do Lâm Cẩm Như làm chi đội trưởng. Sau 7 ngày, quân Nhật ở Thái Nguyên chịu thua và chấp nhận giao nộp vũ khí cho Giải phóng quân.
Từ năm 1945, Giải phóng quân là lực lượng nòng cốt quân đội quốc gia của chính phủ Việt Nam mới. Để đối phó với yêu sách và áp lực của Trung Hoa Dân Quốc đòi giải tán quân đội chính quy của VN, chủ tịch Hồ Chí Minh chấp nhận tạm thời nhượng bộ, tháng 11 năm 1945, Việt Nam Giải phóng quân đổi tên thành Vệ quốc đoàn, còn gọi là Vệ quốc quân, đây là một sách lược chính trị tạm thời làm nhẹ đi tính chất quốc gia, tính chất chính thức của quân đội, tạm thỏa mãn sự đòi hỏi của Tàu Tưởng. Lúc này quân số khoảng 50.000 người, được tổ chức thành khoảng 40 chi đội.
Ngày 22 tháng 5 năm 1946, theo sắc lệnh 71/SL của Nhà nước, Vệ quốc đoàn đổi tên thành Quân đội Quốc gia Việt Nam, được đặt dưới sự chỉ huy tập trung thống nhất của Bộ Tổng tham mưu. Quân đội tổ chức biên chế thống nhất theo trung đoàn, tiểu đoàn, đại đội. Cùng với việc xây dựng quân đội quốc gia, chính phủ đặc biệt coi trọng việc xây dựng lực lượng vũ trang quần chúng, lực lượng bán vũ trang, bao gồm lực lượng Dân quân ở nông thôn và lực lượng Tự vệ ở đô thị. Đến cuối năm 1946, có khoảng 1 triệu Dân quân – Tự vệ đã được tổ chức và huấn luyện quân sự.
Năm 1949, tổ chức tiểu đoàn bộ binh đã được hoàn thiện. Đơn vị này gồm 3 đại đội bộ binh, một đại đội hỏa lực mạnh. Có súng máy hạng nặng và súng cối. Năm 1950, Quân đội Quốc gia Việt Nam đổi tên thành Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đầu năm 1950, bộ đội chủ lực đã có những trung đoàn hoàn chỉnh, cũng đã thành thạo việc đánh công kiên. Biên chế các trung đoàn này đến nay vẫn còn như vậy, rất đặc thù Việt Nam. Cũng thời gian này, để chuẩn bị thời phản công, các sư đoàn quan trọng được thành lập, đến nay vẫn là khối cơ động chủ lực của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Quân đội Nhân dân Việt Nam đã đánh bại Pháp trong trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ vào năm 1954, giành chiến thắng và kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp. Sau năm 1954, theo hiệp định Genève về Đông Dương, Việt Nam được tạm chia ra hai vùng tập kết quân sự để chờ ngày tổng tuyển cử toàn quốc. Sau cuộc chiến chống Pháp, Quân đội Nhân dân Việt Nam có gần 25 vạn quân chủ lực và gần 1 triệu du kích.
Đế quốc Mỹ, vốn là kẻ đứng sau thực dân Pháp trong suốt cuộc chiến tranh Việt – Pháp, đã từ hậu trường nhảy ra sân khấu tranh quyền với Pháp, thay thế Pháp, sử dụng lấy những tay chân bộ hạ cũ của Pháp và ngăn chặn việc thi hành hiệp định Genève thống nhất Việt Nam.
Với mục đích đánh đổ ách thống trị thực dân kiểu mới của Hoa Kỳ, ngày 15 tháng 2 năm 1961, tại chiến khu Đ, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, gọi tắt là “quân Giải phóng”, được thành lập trên cơ sở thống nhất các lực lượng vũ trang chống Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam thực chất chính là Quân đội Nhân dân Việt Nam của miền Nam Việt Nam. Thành phần của quân đội này bao gồm lực lượng quân sự, vũ trang chống Pháp của miền Nam “trốn” tập kết, bí mật ở lại quê quán sau hiệp nghị Genève 1954, kết hợp bộ phận tăng viện từ miền Bắc và lực lượng chiêu mộ tại chỗ ở miền Nam, thành lực lượng quân sự của Mặt trận (Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam) thực hiện mục tiêu chống Mỹ của Đảng ở miền Nam Việt Nam.
Với mục tiêu “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” theo lời Bác Hồ dạy vào năm 1969, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã liên tiếp đánh bại các chiến lược chiến tranh của Mỹ, và đã hoàn thành sự nghiệp chống Mỹ cứu nước sau 55 ngày đêm của chiến dịch Mùa Xuân năm 1975.
Do phải chiến đấu trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn về vũ khí, đạn dược, vũ khí lạc hậu, cũ kỹ v.v. quân đội Việt Nam phải tập trung phát triển các chiến thuật bộ binh phù hợp với số vũ khí hạn chế trong tay và đúc kết kinh nghiệm thu được trong quá trình chiến đấu. Kết quả là Quân đội Nhân dân Việt Nam đã có lực lượng bộ binh hạng nhẹ được coi là một trong những lực lượng thiện chiến nhất trên thế giới. Trong một cuộc khảo sát sau chiến tranh Mỹ – Việt với các sĩ quan Hoa Kỳ từng phục vụ trên chiến trường Việt Nam, 44% đánh giá Quân đội Nhân dân Việt Nam là “thiện chiến và gan góc”. Một sĩ quan nhận xét: “Có một khuynh hướng đánh giá thấp đối thủ. Trên thực tế, họ là địch thủ giỏi nhất mà chúng ta từng phải đối mặt trong lịch sử”.
Năm 1976, Việt Nam họp Quốc hội và chính thức thống nhất quốc gia. Do yêu cầu từ tình hình chính trị – quân sự trên bán đảo Đông Dương, lực lượng vũ trang Việt Nam lúc cao điểm được phát triển lên đến 1,1 triệu quân thường trực. Cuối những năm 1970, các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam phải chiến đấu liên miên với Khmer Đỏ, Trung Quốc, các tổ chức phản động – khủng bố đem bom đạn, vũ khí, tiền giả, ma túy từ biên giới Lào vào đánh phá trong nước, quân ta đều chiến thắng nhưng đất nước càng bị tàn phá, hủy hoại thêm. Sau những năm 1990, Việt Nam chủ động rút quân khỏi Campuchia và bắt đầu bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ và Trung Quốc, sau đó Việt Nam đã cắt giảm quân đội cho phù hợp với tình thế mới.
Quân đội Việt Nam đã chiến đấu liên miên với 4 trong số các cường quốc trên thế giới: Chống phát xít Nhật trong Thế chiến 2, đánh bại thực dân Pháp năm 1954, đánh bại đế quốc Mỹ năm 1975, lật đổ Khmer Đỏ, đánh bại Trung Quốc năm 1979, Xung đột quân sự ở biên giới và Biển Đông chống Trung Quốc, Xung đột Thái Lan – Việt Nam năm 1982 – 1988, Chiến tranh biên giới Lào – Thái Lan chống vương quốc Thái Lan và bảo vệ đồng minh Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Xung đột năm 1997 tại Campuchia chống tàn dư Khmer Đỏ và bảo vệ đồng minh Campuchia.
Ngoài ra còn có những xung đột dai dẳng tại Lào và những vùng của các dân tộc ít người từ năm 1975, chống lại phiến quân khủng bố FULRO do CIA tài trợ và giúp đỡ đồng minh Lào, ổn định vùng cao nguyên, không gian sinh tồn của những dân tộc thiểu số thuộc đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Hiện nay Quân đội nhân dân Việt Nam đang sở hữu một lượng vũ khí lớn, một phần là từ thời chống Mỹ. Vũ khí từ thời kỳ này chủ yếu là từ Liên Xô, Trung Quốc, Đông Đức, Triều Tiên và một số lớn tịch thu được của Mỹ-ngụy sau khi Mỹ thua chạy bỏ lại. Từ năm 1990 trở đi, ngoài việc tiếp tục duy trì quan hệ đối tác vũ khí tin cậy với Liên bang Nga thì các bạn hàng vũ khí của Việt Nam được mở rộng, như với CHDCND Triều Tiên, Ấn Độ, Ukraina, Israel, Canada, Hà Lan, Ba Lan, Cộng hòa Séc v.v.
Hiện Việt Nam có 7 loại xe tăng Liên Xô, tổng cộng khoảng 1700 chiếc. Có 3 loại xe tăng Trung Quốc, tổng cộng khoảng 400 chiếc còn sử dụng được. Có 2 loại xe tăng Hoa Kỳ còn dùng được. Có 1 loại xe tăng Triều Tiên còn dùng được. Có 1 loại xe tăng Do Thái. Có 1 loại xe tăng Ba Lan, tổng cộng hơn 300 chiếc.
Việt Nam có 10 loại xe thiết giáp Liên Xô, tổng cộng hơn 3500 chiếc. Có 2 loại xe thiết giáp Trung Quốc và Israel. Có 2 loại xe thiết giáp Hoa Kỳ, tổng cộng hơn 200 chiếc còn dùng được. Về pháo – súng cối, Việt Nam có 21 loại từ Liên Xô, 1 loại từ Trung Quốc, 3 loại từ Mỹ còn dùng được. Trong số đó có 5 loại pháo phòng không do Liên Xô sản xuất.
Về tên lửa, Việt Nam có 14 loại từ Liên Xô và 9 loại từ Liên bang Nga. Trong đó có 7 loại là tên lửa đất đối không từ Liên Xô, 1 loại tên lửa đất đối không từ Liên bang Nga. Về vũ khí bộ binh cá nhân, Việt Nam chủ yếu dùng súng AK-47 từ Liên Xô, nhưng các loại súng khác cũng được sử dụng, trong đó có nhiều vũ khí do Việt Nam tự sản xuất.
Công nghiệp quốc phòng Việt Nam có đủ khả năng sửa chữa, nâng cấp, cải tiến và tự chế những loại súng bộ binh cá nhân này. Súng cá nhân của Việt Nam được “sưu tầm” từ rất nhiều quốc gia khác nhau, bao gồm Việt Nam, Liên Xô, Mỹ, Trung Quốc, Hungary, Israel, Ba Lan, Đức, Liên bang Nga, Cộng hòa Nam Phi…
Về máy bay quân sự, VN có 3 loại máy bay “made in Vietnam”, 2 loại máy bay từ Liên bang Nga, 12 loại máy bay từ Liên Xô, 1 loại từ Tiệp Khắc, tổng cộng 34 chiếc; 3 loại từ Ba Lan, Canada, Tây Ban Nha; 2 loại từ Pháp, 1 loại từ Mỹ còn dùng được. Về tàu chiến, VN có 2 tàu ngầm mini từ CHDCND Triều Tiên, đã đặt hàng 6 tàu ngầm tấn công tối tân của Nga, dự kiến nhận chiếc đầu tiên vào năm 2014. Ngoài ra, VN có 2 loại tàu chiến tự đóng, 4 loại tàu chiến từ Liên bang Nga, 8 loại tàu chiến từ Liên Xô, 1 loại tàu chiến từ Hà Lan.
Do đang có tranh chấp và nhiều quan điểm, lợi ích mâu thuẫn với một số nước, nhất là Trung Quốc, Việt Nam đã và đang có những cố gắng tích cực để hiện đại hóa quốc phòng, đặc biệt là quân chủng hải quân và quân chủng phòng không – không quân, nhằm tăng cường khả năng tác chiến trên biển và trên không của quân đội ta.
Trong suốt các cuộc chiến chống Mỹ, chống Khmer Đỏ, chống Trung Quốc, Việt Nam hầu như hoàn toàn sử dụng các hệ thống vũ khí trang bị có nguồn gốc từ Liên Xô, Trung Quốc, Đông Âu, Triều Tiên. Trong thời gian Việt Nam bị Hoa Kỳ và Trung Quốc bao vây cấm vận, quan hệ sứt mẻ với Triều Tiên, Đông Âu suy sụp, thì hầu như trên thế giới chỉ còn lại Liên Xô là bạn hàng duy nhất của Việt Nam. Kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, Liên bang Nga đã kết thúc giai đoạn bán giá ưu đãi cho Việt Nam và ta bắt đầu phải thanh toán tiền mua vũ khí trang bị bằng ngoại tệ mạnh hoặc bằng hàng đổi hàng.
Việt Nam đã đặt việc phát triển kinh tế lên hàng đầu và chỉ duy trì mức tăng chi tiêu quốc phòng một cách chậm chạp, tùy thuộc vào tình hình thực tế của nền kinh tế. Phải tới cuối thập niên 1990, Chính phủ Việt Nam mới công bố một loạt các chương trình mua sắm các hệ thống vũ khí trang bị hiện đại. Theo đó, Việt Nam tích cực phát triển quân đội để bảo vệ nước nhà trong thời kỳ mới, đặc biệt chú trọng phát triển hải quân và không quân để bảo vệ biển đảo và vùng đặc quyền kinh tế. Hầu hết các chương trình mua sắm quốc phòng của VN chủ yếu được thực hiện để bảo đảm ưu tiên cho công cuộc bảo vệ Biển Đông và quần đảo Trường Sa. Việt Nam đã mua một số máy bay chiến đấu và tàu chiến có khả năng tác chiến cao trên không và trên biển. Việt Nam cũng lên kế hoạch phát triển nền công nghiệp quốc phòng với ưu tiên cho không quân và hải quân, có sự kết hợp với các đồng minh cũ (Nga, Triều Tiên, các nước Đông Âu) và Ấn Độ.
Tập đoàn Irkut sản xuất máy bay không người lái cho không quân Việt Nam
Gần đây, nhà sản xuất máy bay chiến đấu Irkut của Nga đã ký hợp đồng sản xuất máy bay không người lái (UAV) loại nhỏ với Việt Nam. Trả lời nhật báo Nga Izvestia, tổng giám đốc Irkut Engineering, một công ty con của tập đoàn Irkut, ông Yury Malov, đã cho biết bản hợp đồng trị giá 10 triệu USD vừa được ký với Hội Hàng không Vũ trụ Việt Nam (VASA) vào ngày 14-3-2012. Irkut dự kiến sẽ sản xuất loại máy bay không người lái, kích cỡ mini, có kèm theo cả hệ thống anten truyền dữ liệu mặt đất và hệ thống điều khiển từ xa và máy phóng cho quân đội Việt Nam. Bên cạnh đó, Irkut sẽ giúp đào tạo các nhân lực của Việt Nam về việc sử dụng và bảo trì máy bay cho tới khi VASA có kinh nghiệm tự chế tạo được máy bay không người lái này.
Một số mẫu UAV trong tương lai của quân đội Việt Nam
Gần đây một số tờ báo của Israel cho biết ngành công nghiệp máy bay không người lái của Israel (CAP) đã có một số hợp đồng với doanh số trị giá hơn 1,1 tỷ USD cho một số khách hàng ở châu Á, trong số khách hàng đó có Việt Nam, Ấn Độ, Hàn Quốc, và Đài Loan. CAP cho biết rằng giao dịch sẽ được thực hiện trong 4 năm tới.
Theo những dữ liệu mà tuần báo quốc phòng “Jane” của Israel đã công bố, thì công ty điện tử công nghiệp Elta của Israel đã bán nhiều bộ thiết bị quân sự và vô tuyến điện tử cho Việt Nam vào năm 2005. Trong thời gian 2004-2005, đã có khá nhiều cuộc đàm phán để ngành công nghiệp quân sự Israel cung cấp các sản phẩm quân sự cho Việt Nam.
Việt Nam sẽ có những chiếc máy bay không người lái do Do Thái sản xuất
Ngoài ra, Việt Nam ngày càng quan tâm nhiều hơn tới các thiết bị pháo binh tầm xa và hệ thống thiết bị thông tin liên lạc, phía Việt Nam đã đề nghị phía Israel giúp hiện đại hóa các sản phẩm quân sự mà Liên Xô đã viện trợ cho Việt Nam trong thời chống Mỹ.
Tờ “The Strait Times” của Singapore cũng cho biết Việt Nam đã từng đàm phán để mua tên lửa Extra của Israel, theo cơ quan Công nghệ Hàng không Israel (IAI) cho biết loại tên lửa phòng thủ tầm ngắn này có tầm bắn hơn 150 km, mang đầu đạn 125 kg.
Tên lửa tầm ngắn hiện đại EXTRA của Israel
Trong tương lai Việt Nam và Israel sẽ tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác về quốc phòng và sản xuất vũ khí
Việt Nam và Nga vốn là bạn hàng truyền thống, có mối quan hệ quân sự truyền thống tốt đẹp, và thời nào cũng mang tầm chiến lược lâu dài. Gần đây hai nước lại đẩy mạnh hợp tác quân sự, quốc phòng, trong đó có các hợp đồng hợp tác sản xuất tên lửa X-35. Sắp tới Việt Nam với sự giúp đỡ của phía Nga, sẽ đưa vào sản xuất tổ hợp “Uran” có trang bị tên lửa hành trình X-35. Tên lửa này có tầm xa phạm vi 300 km. Nó có thể mang đầu đạn nặng tới 300 kg. Tên lửa được thiết kế để áp dụng cho hoạt động quân sự tại bất kỳ thời điểm nào, trong bất kỳ thời tiết nào, có thể chống lại độ nhiễu và hỏa lực cường độ mạnh nhất của đối phương.
Người phát ngôn của Trung tâm Phân tích Thị trường Vũ khí Toàn cầu của Nga đã cho biết: “Đây là loại tên lửa chặn âm hiệu quả rất cao. Nó có thể vượt qua phòng không của bất kỳ nhóm hải quân nào. Tất nhiên, tên lửa sẽ được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu của Việt Nam, như đã được thực hiện với cùng tên lửa sản xuất dưới tên BrahMos ở Ấn Độ.”
Việt Nam đang hợp tác với Nga để sản xuất tên lửa chống tàu Uran X-35
Loại tên lửa X-35 này được trang bị cho tàu chiến lớp Molniya 1241.8 của Việt Nam
Dự kiến hai năm tới, Việt Nam sẽ có hạm đội tàu ngầm riêng. Ngoài ra, trong năm qua Nga đã hoàn thành việc giao hàng đến Việt Nam 20 máy bay chiến đấu đa năng Su-30MK2 hiện đại. Hai nước đã bắt đầu nghiên cứu khả năng mở trung tâm dịch vụ tại Việt Nam của hãng Sukhoi chuyên sản xuất loại máy bay này mà đại diện là ở Việt Nam.
Việt Nam và Nga đang đẩy mạnh hợp tác sản xuất nhiều loại vũ khí mới
Cuối năm 2003, Việt Nam đã đặt mua của Nga 4 máy bay chiến đấu tối tân SU-30MK đa năng. Đồng thời, không quân Việt Nam đã hợp tác với Do Thái và Nga cải tiến hệ thống rađa của máy bay MiG-21, lắp đặt trên máy bay thiết bị trinh sát chụp ảnh ban đêm. Năm 2005, Việt Nam lại đặt mua hệ thống tên lửa phòng không S-300PMU1 trang bị cho một số đại đội pháo binh.
Không quân Việt Nam còn mua máy phản lực huấn luyện L-39C/máy bay tấn công hạng nhẹ của Cộng hòa Séc, nhập khẩu một bộ phận máy bay luấn luyện KT-1, T-50 của Hàn Quốc và Ba Lan. Tháng 3/2005, Việt Nam và Ba Lan đã ký Hiệp định mua vũ khí trị giá 150 triệu USD, VN mua 12 chiếc máy bay tuần tra trên biển M-28, 4 máy bay trực thăng cứu hộ trên biển W-3RM và 8 hệ thống trinh sát trên biển MSC-400 của Ba Lan. Năm 2009, VN lại ký hiệp định với Nga, mua của Nga 12 máy bay chiến đấu đa năng SU-30MK2.
Nhiều chuyên gia quân sự quốc tế, kể cả các dư luận chuyên môn ở Trung Quốc như Tạp chí Tri thức thế giới, Tạp chí Bộ ngoại giao Trung Quốc đều nhất trí với nhau rằng thực lực quân sự Việt Nam đã được nâng lên một cách đáng kể trong thời gian gần đây, khả năng tác chiến mạnh, sức chiến đấu và sức mạnh tổng hợp đều đứng đầu Đông Nam Á. Báo điện tử Chinanews cũng cho rằng trong 5 nước Đông Nam Á có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông bao gồm: Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia, Brunei thì lực lượng quân sự của Việt Nam, đặc biệt là hải quân sở hữu khả năng chiến đấu toàn diện nhất.
Từ năm 1995 đến nay, hải quân Việt Nam đã lần lượt đặt mua hơn 10 chiếc tàu chiến mang tên lửa có tên Poisonous Spider (Nhện độc) của Nga, 12 chiếc tàu tuần tra của Thụy Điển, 2 tàu ngầm mini của Triều Tiên. Sau năm 2000, Việt Nam bắt đầu mua tàu mặt nước cỡ lớn của nước ngoài. Năm 2003, Việt Nam đã ký hiệp định trị giá 120 triệu USD với Nga, với kế hoạch mua của nước này 12 chiếc tàu chiến cao tốc mang tên lửa có tên Lightning (Sấm sét).
Việt Nam còn mua các loại tàu tấn công/tuần tra tốc độ cao của Hàn Quốc như các tàu Dolphin (Cá heo), Wildcat (Mèo rừng); mua của Ba Lan 4 tàu hộ vệ hạng nhẹ Miners, 1 tàu huấn luyện Nick Ward, 8 tàu tuần tra bờ biển Pilica, và một tàu tuần tra cỡ lớn Aubrey Lutz đã cải tiến. Năm 2007, Việt Nam lại mua của Nga 2 tàu hộ vệ Cheetah và một hệ thống tên lửa chống hạm trên bờ mới nhất để lắp ráp tên lửa hành trình chống hạm có tốc độ siêu âm Ruby.
Để khắc phục những bất cập về năng lực tác chiến dưới nước, năm 2009, Việt Nam đã ký một hợp đồng lớn với Nga, mua 6 chiếc tàu tàu ngầm lớp “KILO” chạy bằng động cơ Diezen trị giá 1,8 tỷ USD, đồng thời chuẩn bị thành lập lực lượng tàu ngầm. Bằng hợp đồng mua 6 chiếc tàu ngầm Diezel – điện Kilo dự án 636 Varshavyanka nếu được biên chế cho hải quân Việt Nam khoảng năm 2015 – 2016 sẽ giúp cho khả năng tấn công, phòng thủ dưới mặt biển của Việt Nam có sự nhảy vọt về chất, đặc biệt là khi phối hợp tác chiến với máy bay chiến đấu Su-30MK.
Ngoài ra, Việt Nam đã mua 6 máy bay đa dụng loại DHC-6 Twin Otter Series 400 từ Canada. Công ty Viking Air từ Canada đã xác nhận Việt Nam có đặt mua 6 máy bay đa dụng loại DHC-6 Twin Otter Series 400. Hợp đồng với thời gian giao hàng từ 2012 đến 2014, máy bay Twin Otter Series 400 sẽ được lắp đặt trang thiết bị để thực hiện việc tuần tra bờ biển, tham gia một số hoạt động tác chiến của hải quân.
Trong thập niên 1990, Việt Nam mua một số tàu ngầm mini của CHDCND Triều Tiên, có cái được công bố, có cái không công bố, và Trung Quốc đã tỏ ý không vui trong việc này, nhất là với Triều Tiên. Tuy nhiên, năm 2007, TBT Nông Đức Mạnh chính thức thăm Triều Tiên và được tiếp đón trọng thể, nồng hậu với nghi lễ vô cùng hoành tráng. Việt Nam đã viện trợ cho Triều Tiên 2000 tấn gạo trong chuyến đi này. Theo một số thông tin nội bộ, hai bên đã đạt được với nhau một số thỏa thuận, trong đó có một số vấn đề về quan hệ quân sự và viện trợ kinh tế, lương thực. Việt Nam sẽ cung cấp lương thực cho Triều Tiên thường xuyên và Triều Tiên sẽ giúp Việt Nam một số công nghệ, thiết bị, khí tài quân sự, và cả vũ khí. Tuy nhiên có lẽ chỉ là những vũ khí lục quân.
Việt Nam vốn dư dả về lương thực, có an ninh lương thực cao, là một trong hai nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới và theo BBC thừa nhận thì Việt Nam đang có nhiều triển vọng vượt qua cả Thái Lan trong lĩnh vực xuất khẩu gạo. Triều Tiên thì dư dả về vũ khí, mạnh về quân sự, có một nền công nghiệp quốc phòng lớn mạnh, có công nghệ chiến tranh tiên tiến, nhờ chính sách Tiên quân (quân đội đi trước) của Kim Chính Nhật. Mối quan hệ và các giao dịch, trao đổi này không được công bố công khai là do mối quan hệ nhạy cảm giữa Triều Tiên và Trung Quốc, và việc Triều Tiên đang bị Hoa Kỳ cấm vận.
Trung Quốc:
Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (Trung Quốc Nhân dân Giải phóng Quân – 中国人民解放军 – Zhōnggúo Rénmín Jiěfàng Jūn) là quân đội thường trực đông nhất thế giới. Quân đội Trung Quốc được thành lập ngày 1 tháng 8 năm 1927, là cánh tay đắc lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc và được đặt tên là Hồng quân (mô phỏng Liên Xô) cho đến tháng 6 năm 1946. Huy hiệu của Giải phóng Quân Trung Quốc bao gồm một tấm huy hiệu tròn với một ngôi sao đỏ có chữ Hán “Bát Nhất” có nghĩa là ngày 1 tháng 8 (八一), là ngày 1/8 năm 1927, ngày Khởi nghĩa Nam Xương.
Quân đội này đã tham chiến trong nhiều cuộc chiến tranh lớn: Cùng quân đội của Quốc dân đảng chống Nhật và các quân phiệt trong chiến tranh Trung – Nhật. Nội chiến Trung Quốc chống lại các lực lượng quân đội của Quốc dân đảng và các quân phiệt, tái xâm lược Tây Tạng, chiến tranh Triều Tiên chống liên quân Liên Hiệp Quốc do Mỹ lãnh đạo, xung đột quân sự ở eo biển Đài Loan (đảo Kim Môn, đảo Mã Tổ), giao tranh biên giới Trung – Ấn, xung đột biên giới Trung – Xô, xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ tay Mỹ-ngụy năm 1974, xâm lược miền Bắc Việt Nam năm 1979, tấn công Trường Sa năm 1988.
Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc được thành lập vào ngày 1 tháng 8 năm 1927 trong Khởi nghĩa Nam Xương khi một bộ phận của quân đội Quốc dân đảng nổi dậy dưới sự lãnh đạo của các tướng Chu Đức, Hạ Long, Diệp Kiếm Anh, và Chu Ân Lai chỉ một thời gian ngắn sau cuộc “Quốc-Cộng hợp tác” lần thứ nhất. Trong khoảng thời gian 1934 – 1935, Hồng quân Trung Hoa đã phải chống cự chật vật với đội quân của Tưởng Giới Thạch và phải mở đường máu chạy thoát khỏi vòng vây ở “thánh địa” Diên An, bắt đầu cuộc đào tẩu Vạn Lý Trường Chinh nổi tiếng.
Trong chiến tranh Trung – Nhật từ năm 1937 đến 1945, lực lượng vũ trang của Mao Trạch Đông được sát nhập vào Quân đội Cách mạng Quốc dân của Trung Hoa Dân quốc, hình thành lực lượng Bát Lộ Quân và Tân Tứ Quân. Trong thời gian này, hai nhóm quân sự trên chủ yếu áp dụng chiến tranh du kích đánh Nhật và giữ vững địa bàn của mình.
Sau chiến tranh Trung – Nhật, Mao Trạch Đông và Đảng Cộng sản Trung Quốc hợp nhất Tân Tứ Quân và Bát Lộ Quân thành “Nhân dân Giải phóng quân” và sau đó chiến thắng Quốc dân đảng, buộc Tưởng Giới Thạch phải ra Đài Loan cố thủ.
Trong thập niên 1950, quân đội CHND Trung Hoa với sự trợ giúp của Liên Xô, đã chuyển mình từ một quân đội nông dân trở thành một quân đội hiện đại. Quân đội Trung Quốc còn bao gồm những đơn vị và sĩ quan, tướng lĩnh của Quân đội Cách mạng Quốc dân theo về dưới trướng. Ma Hong Bin và con trai Ma Dun Jing là hai tướng Hồi giáo duy nhất chỉ huy đơn vị Hồi giáo phục vụ trong quân đội Trung Quốc. Han Youwen, một vị tướng Hồi giáo hệ phái Salar, cũng theo về với quân đội của CHND Trung Hoa. Trung Quốc đứng thứ ba trong danh sách các nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới với 5% giá trị toàn cầu, chỉ sau Ấn Độ và Hàn Quốc.
Hiện quân đội Trung Quốc đang triển khai một số chương trình không gian, tạo cơ sở cho việc sử dụng hệ thống này vào mục đích quân sự bao gồm: Các vệ tinh thăm dò khí tượng loại ZiYan, xác định mục tiêu quân sự loại JianBing, những vệ tinh khẩu độ tổng hợp (SAR) như loại JianBing-5, mạng vệ tinh dẫn đường loại BeiDou (Bắc Đẩu-1 và Bắc Đẩu-2), bảo đảm an toàn cho những vệ tinh thông tin loại FENGHUO-1, và các vệ tinh do thám quân sự kiểu Yaogan-1, 2, 3, 4, 5, 6; Haiyang-1B; CBER-2 và CBR-2B. Vào ngày 11 tháng giêng năm 2007 tại trung tâm vũ trụ Tây Xương, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc đã tiến hành thử nghiệm thành công một tên lửa chống vệ tinh.
Trung Quốc lâu nay luôn “nổi tiếng” với những “thành tích” về đánh cắp công nghệ, trong đó có công nghệ quân sự, quốc phòng, được nhiều người gọi là “xứ sở của hàng nhái”. Trung Quốc là nước vi phạm nhiều nhất về bản quyền công nghệ quân sự, có nhiều nỗ lực sao chép, mô phỏng lại các công nghệ nước ngoài, đem của người khác làm của mình. Họ cũng có một lực lượng gián điệp công nghệ khổng lồ.
Gần đây, nhiều trang quân sự của Trung Quốc cho biết nước này đã sản xuất xong 1 lô gồm chiếc J-16 là hàng nhái loại Su-30MK2 của Nga. Trung Quốc là nước mua khá nhiều vũ khí của Nga và cũng là nước sao chép nhiều vũ khí của Nga nhất. Họ sao chép rất nhiều loại khí tài quân sự của Nga như: Các loại súng, pháo bộ binh, tên lửa S-300, máy bay chiến đấu Su-33, Su-30…
Bản sao J-16 nhái loại tiêm kích Su-30MK2 của Trung Quốc
Trung Quốc cũng đã chế tạo thành công siêu xe tăng Type 99 mà nhiều người cho rằng sẽ khiến Mỹ bất lực. Xe tăng Type 99 được giới quân sự Trung Quốc coi là “hoàng đế châu Á” hoặc “xe tăng hoàng đế”. Thật ra nó là sự kết hợp của nhiều loại công nghệ mà Trung Quốc đã bắt chước, phỏng theo từ Nga, Mỹ, Đức, và Do Thái.
Giới quân sự phương Tây cho rằng Type 99 là một “lẩu thập cẩm”, là kết quả của sự kết hợp các tính năng của các xe tăng T-72, T-80 của Nga, Abrams của Mỹ, Leopard 2 của Đức và Merkava của Israel. Điểm mạnh nhất của Type 99 chủ yếu nằm ở vỏ giáp dày và hỏa lực pháo tăng mạnh. Theo đó, vỏ giáp của Type 99 là loại đồng nhất dày 500-600 mm. Cộng cả 2 lớp giáp tích cực thì vỏ giáp của “ông vua” này dày tới 1.000-1.200 mm.
Các chuyên gia quân sự Trung Quốc cho biết pháo tăng 120 mm của xe tăng Abrams Mỹ chỉ có khả năng xuyên thủng lớp vỏ giáp dày dưới 810 mm. Do đó, có thể hiểu tăng chiến đấu chủ lực Abrams của Mỹ sẽ bất lực trước các xe tăng Type 99 của Trung Quốc. Họ cũng cho biết loại pháo 125 mm của Type 99 đủ sức chọc thủng lớp giáp dày 850 mm. Trong khi vỏ giáp của Abrams chỉ dày 600-700 mm. Bên cạnh đó, một số nguồn tin cũng cho biết rằng Trung Quốc đã sản xuất được loại đạn pháo mới có sức công phá vỏ giáp dày tới 950 mm.
Các kỹ sư Trung Quốc cho rằng pháo 120 của xe tăng Abrams Mỹ có khả năng xuyên giáp dày không quá 810 mm. Pháo 125 mm của Trung Quốc được chế tạo dựa trên các mẫu của Nga mà Trung Quốc “làm chủ công nghệ” nhờ sự giúp sức của các kỹ sư và kỹ thuật viên Ukraine xuyên được giáp dày 850 mm, trong khi vỏ giáp của Abrams chỉ tương đương giáp đồng nhất dày 600-700 mm.
Ngoài vỏ giáp chủ động kết cấu dạng module, xe tăng Type 99 còn được trang bị hệ thống đối kháng laser tích hợp JD-3. Hệ thống này có khả năng phát hiện tia laser của đối phương chiếu vào xe tăng và đáp trả bằng tia laser mạnh của mình làm mù mắt xạ thủ đối phương hoặc phá hủy các khí tài quang học. Ngoài các ưu điểm trên, Type 99 còn được đánh giá ở tốc độ cực cao (tối đa khoảng 80 km/h). Đích thân ông Zhu Yusheng, tổng công trình sư thiết kế Type 99 cho rằng loại xe tăng này hơn xa Abrams của Mỹ hay Leopard 2 của Đức.
Giá thành mỗi chiếc Type 99 khoảng hơn 2,5 triệu USD, đắt nhất thế giới
Trung Quốc đang đóng tàu ngầm hạt nhân Type 095, mà một số người gọi là “tàu ngầm khủng nhất thế giới”, dự kiến đưa vào sử dụng vào năm 2015. Tàu ngầm Type 095 sẽ giảm tiếng ồn tối đa, trang bị hệ thống phóng thẳng tên lửa hành trình DH-10.
Tàu ngầm hạt nhân Type 095 hiện đại nhất của hải quân Trung Quốc trong tương lai
Trung Quốc, Nga, Hoa Kỳ lâu nay hình thành thế “Tam Quốc” cạnh tranh, chạy đua nhau về công nghiệp quân sự, do đó Mỹ luôn rất chú ý tới quốc phòng Trung Quốc, trong đó loại hình chiến tranh Internet của TQ là một trong những vấn đề Mỹ rất lo lắng. Một báo cáo được Quốc hội Mỹ công bố mới đây tiết lộ, trong trường hợp xảy ra xung đột tại eo biển Đài Loan thì khả năng tác chiến Internet của Trung Quốc sẽ là một mối nguy hiểm cho Đài Loan và Mỹ.
Bản báo cáo này được đưa ra bởi Ủy ban Nghiên cứu các vấn đề an ninh và kinh tế Mỹ – Trung thuộc Quốc hội Mỹ. Ủy ban này được thành lập năm 2000 với nhiệm vụ điều tra về ảnh hưởng đến an ninh quốc gia từ việc buôn bán giữa hai quốc gia. Bản báo cáo chỉ rõ việc khai thác và tấn công các mạng máy tính đã trở thành một trong các chiến lược phát triển cơ bản của Nhà nước và Quân đội Trung Quốc trong nhiều thập kỷ gần đây.
Về mặt quân sự, năng lực của Trung Quốc trong các cuộc tấn công mạng máy tính đã tiến bộ đến mức có thể gây nguy hiểm cho việc triển khai quân của Mỹ trong trường hợp xảy ra xung đột. Thứ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter, dù không đề cập đến bản báo cáo, gần đây cũng nói rằng ông không hề hài lòng với năng lực tác chiến mạng của Mỹ.
Năm 2009, nhiều hệ thống vi tính trên toàn thế giới, trong đó có của chính phủ Mỹ, tiếp tục bị xâm nhập. Các cuộc xâm nhập này đa phần có nguồn gốc từ Trung Quốc, tập trung đánh cắp thông tin, trong đó có những thông tin phục vụ mục đích chiến lược hoặc quân sự. Cách tiếp cận cũng như các kỹ xảo để thực hiện các vụ xâm nhập này tương tự như các kỹ thuật cần thiết để tiến hành các vụ tấn công mạng vi tính. Tháng 3/2009, các chuyên gia nghiên cứu Canada đã phát hiện một mạng tình báo điện tử, nhiều khả năng đặt căn cứ chính tại Trung Quốc, đã xâm nhập các cơ quan chính phủ của Ấn Độ và nhiều quốc gia khác trên thế giới. Hơn 1.300 máy vi tính tại 103 quốc gia đã được nhận dạng.
Trung Quốc đang có những nỗ lực đáng kể trong việc tăng cường khả năng chiến tranh mạng và cả chiến tranh không gian. TQ đang làm những điều đó bằng cách mở rộng hệ thống vệ tinh thông tin, tình báo, do thám, dẫn đường của mình trong không gian. Đồng thời họ đang phát triển một chương trình đa chiều nhằm cải thiện khả năng của các vệ tinh này trong việc ngăn chặn hoặc hạn chế mọi đối thủ tiềm tàng sử dụng các loại máy móc trong không gian nếu xảy ra khủng hoảng hoặc xung đột.
Bắc Kinh cũng đã phóng một vệ tinh dẫn đường ngày 15/4/2009, và dự kiến vào năm 2015 – 2020 sẽ hình thành một mạng lưới đầy đủ nhằm cung cấp định vị toàn cầu cho người sử dụng là dân sự hay quân sự. Họ cũng đã phóng vệ tinh Giao Cảm-6 ngày 22/2/2009, seri thứ sáu trong các vệ tinh do thám trên quỹ đạo từ năm 2006.
Hiện Trung Quốc đang tiếp tục chế tạo và thử nghiệm tên lửa Trường Chinh V. Dự định mang lượng lớn đầu đạn vào không gian, dự kiến hơn gấp đôi số đầu đạn mà nước này đã mang vào không gian. Để hỗ trợ cho các tên lửa mới này, Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng một cơ sở phóng vệ tinh gần Wenchang trên đảo Hải Nam từ năm 2008.
Hoa Kỳ:
Quân đội Hoa Kỳ hay Các lực lượng vũ trang Hoa Kỳ (United States armed forces) là tổng hợp các lực lượng quân sự thống nhất của Hoa Kỳ, gồm có Lục quân, Hải quân, Thủy quân lục chiến, Không quân, và Tuần duyên. Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ do Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ lãnh đạo. Bộ trưởng là một người thuộc giới dân sự và là một thành viên trong Nội các Hoa Kỳ. Bộ trưởng cũng phục vụ trong vai trò tư lệnh quân sự đứng thứ hai sau tổng thống.Để điều phối hành động quân sự với ngoại giao, tổng thống Mỹ có một Hội đồng An ninh Quốc gia với một vị cố vấn an ninh quốc gia lãnh đạo để hội ý. Cả tổng thống và Bộ trưởng Quốc phòng đều được cố vấn bởi một Bộ Tổng tham mưu Liên quân Hoa Kỳ gồm 6 thành viên là lãnh đạo của các quân chủng. Bộ Tổng tham mưu Liên quân Hoa Kỳ do Tổng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ và Tổng tham mưu phó Liên quân Hoa Kỳ lãnh đạo. Tất cả quân chủng được đặt dưới quyền hướng dẫn của Bộ Quốc phòng, ngoại trừ Tuần duyên Hoa Kỳ được đặt dưới quyền của Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ (United States Department of Homeland Security – DHS).
Quân đội Hoa Kỳ là một trong những quân đội lớn nhất thế giới tính theo quân số. Quân đội Mỹ ngày nay phần lớn được hình thành từ những người tự nguyện phục vụ để đổi lấy rất nhiều quyền lợi về giáo dục, tri thức, kinh tế, công việc, y tế v.v. Luật an sinh xã hội Mỹ rất ưu tiên cho tầng lớp quân đội, quân nhân/cựu quân nhân. Luật doanh nghiệp Mỹ bắt buộc các doanh nghiệp phải dành một số lượng vị trí nhất định cho tầng lớp quân đội, quân nhân/cựu quân nhân. Những người nhập ngũ ngay từ đầu đã được cấp những học bổng để học miễn phí trong các trường đại học lớn ở Mỹ, và có “phụ cấp” dồi dào, không phải lo nhiều về chuyện học hành, ăn ở, sinh sống. Sau chiến tranh ở Việt Nam, Mỹ không còn áp dụng chế độ quân dịch ở liên bang.
Đến nay, chính phủ Hoa Kỳ đã bỏ ra hơn 700 tỷ USD để chi tiêu cho các lực lượng quân sự của mình, chiếm khoảng 42% chi tiêu quân sự cả thế giới. Dù trong lịch sử chưa từng bị ngoại thuộc, chưa từng bị quân đội bên ngoài xâm lược, không có nhiều cuộc chiến trong nội địa, cuộc chiến lớn nhất là Nội chiến Hoa Kỳ (American Civil War) xảy ra vỏn vẹn 4 năm, và ngày nay họ không đối diện thường trực với mối đe dọa xâm lược nào, hay thậm chí mối đe dọa quân sự nói chung nào, nhưng ngân sách quốc phòng mỗi năm của họ vẫn luôn luôn cao nhất thế giới và bỏ xa gấp nhiều lần các nước còn lại.
Nhờ luôn đặt trọng tâm vào quân sự, công nghiệp vũ khí, công nghệ chiến tranh, quân đội Mỹ đã sở hữu số lượng lớn các trang bị mạnh và tiên tiến mà giúp cho họ trở thành đội quân khó ai địch nổi trong thế kỷ 21. Bên cạnh đó, quân đội Hoa Kỳ cũng đã gây ra nhiều bất bình, tai tiếng trong dư luận và vướng nhiều chỉ trích, lên án về những tội ác do họ thực hiện trong các cuộc chiến tranh hay chiếm đóng, đi kèm theo đó là những vi phạm quyền con người nghiêm trọng.
Lính Mỹ phải là công dân có quốc tịch Hoa Kỳ. Tên gọi khác của lính Mỹ là Yankee, bắt nguồn từ Chiến tranh Cách mạng Mỹ. Trong quân đội Mỹ ngoài những người da trắng, còn có nhiều người da màu gốc Phi, gốc Mỹ Latinh, và gốc Á, kể cả gốc Việt. Một số người Việt hải ngoại rất lấy làm tự hào, hãnh diện, nở mặt nở mày, xem đó là sự vinh hạnh cho gia đình, họ hàng khi trong nhà có người được đi lính Mỹ.
Quân nhân Mỹ được huấn luyện bài bản, kỹ càng, kể cả những bài huấn luyện về trang bị kỹ năng sinh tồn, võ thuật cận chiến, gồm cả những kỹ thuật bấm huyệt, giết người trong nháy mắt. Chương trình huấn luyện võ thuật cá nhân trong quân đội Mỹ được giảng dạy bởi những huấn luyện viên chuyên nghiệp, có trình độ võ thuật cao, có nhiều kinh nghiệm chiến đấu xáp lá cà, chương trình võ thuật của họ là sự tổng hợp, tinh lọc, và phát triển từ hầu như tất cả các môn võ trên thế giới, nhưng chủ yếu vẫn là Karate, Aikido chiến đấu, Quyền anh, Quyền anh tự do, Nhu đạo… Họ thường có trình độ học vấn cao, sức khỏe tốt, có kỷ luật và tinh thần chuyên nghiệp của một đạo quân nhà nghề.
Lính Mỹ còn được gọi là “lính Vua”, vì ngoài việc hiện nay theo nhiều nhà nghiên cứu quân sự quốc tế thì không có quân đội nào hiện nay khả dĩ đối đầu cân sức với họ, thì họ còn được trang bị rất đầy đủ: Vũ khí tối tân, áo giáp chống đạn, thiết bị nhìn đêm, mặt nạ phòng độc. Trước khi vào trận thì có máy bay ném bom và pháo binh dọn đường, ăn uống tốt, chỗ ở tốt, giải trí có rất nhiều hình thức, lương cao, những nơi họ đóng quân, kể cả ở nước ngoài, đều có những khu “vui chơi giải trí” phục vụ tình dục. Khi lính Mỹ chết trận thì người thân được chính phủ đền bù, trợ cấp, bồi thường hậu hĩnh.
Hoa Kỳ là nước dẫn đầu và đi trước các nước khác nhiều năm về các công nghệ quân sự mới. Công nghệ tàng hình để tránh radar, sonar, tia hồng ngoại mà nhiều nước phát triển ngày nay chính là do Mỹ phát minh đầu tiên vào năm 1958. Ngoài việc sản xuất và sở hữu số lượng và chất lượng vũ khí quy ước lớn nhất thế giới, hơn xa các nước khác, Mỹ còn đặt trọng tâm vào việc nghiên cứu và phát triển các loại vũ khí đặc biệt, vũ khí công nghệ cao, vũ khí tương lai.
Hoa Kỳ đang đặt trọng tâm vào việc nghiên cứu và sản xuất những vũ khí công nghệ cao cho tương lai. Họ luôn đi trước các nước khác nhiều bước về lĩnh vực quân sự. Những vũ khí do Mỹ chế tạo ngày càng tân tiến. Họ đang nghiên cứu những loại vũ khí tiếp theo trong nấc thang tiến hóa của nhân loại. Một số công nghệ vũ khí đang được Bộ quốc phòng Mỹ nghiên cứu cho tương lai bao gồm…
Vũ khí tự động: Đây là những người máy đang được phát triển, có khả năng tìm kiếm và hủy diệt binh lính cũng như trang thiết bị của địch trên mặt đất hoặc trong không khí. Các máy tính cài đặt bên trong sẽ diễn giải dữ liệu cảm biến để xác định và nhắm tấn công các lực lượng thù địch bằng những vũ khí gắn liền chúng. Các robot có thể truy vấn những người điều khiển từ những vị trí ở xa về việc tiến tới nã hỏa lực. Khuyết điểm của loại vũ khí này là gặp khó khăn trong việc phân biệt nhanh chóng và chính xác giữa lính và dân, giữa các khí tài quân sự và các dụng cụ dân sự. Các hệ thống kết nối với những người điều khiển từ xa dễ bị trục trặc trong lúc liên lạc. Các robot bị hỏng có thể nã hỏa lực điên loạn vào bất cứ đối tượng nào, kể cả những người dân vô can.
Các tia laser năng lượng cao có thể di chuyển với tốc độ của ánh sáng và tấn công từ khoảng cách xa hàng ngàn km.
Vũ khí laze năng lượng cao: Đây là những chùm tia năng lượng mạnh mẽ, bay xuyên không khí hoặc không gian theo đường thẳng. Chúng di chuyển với tốc độ ánh sáng và có thể tấn công từ khoảng cách xa hàng ngàn km. Các tấm gương lớn tập trung những chùm laser mạnh mẽ vào một điểm nhỏ trên mục tiêu. Sức nóng tạo ra các vết bỏng xuyên qua bề mặt của mục tiêu, phá vỡ chuyến bay, vô hiệu hoá các đầu đạn hoặc đốt cháy nhiên liệu hay vật liệu nổ.
Vũ khí không gian: Không gian là vùng đất cao nhất, vì vậy các vũ khí trên quỹ đạo sẽ có khả năng nhìn thấy và hạ gục bất cứ vật gì trên mặt đất, trong không khí hoặc ở liền kề trong không gian. Nhiệm vụ chính của các loại vũ khí cài cắm trong không gian sẽ là chống lại những tiên lửa đạn đạo nhắm bắn các mục tiêu trên trái đất. Các đội bắn chặn hoặc trạm chiến đấu sẽ được xây dựng trên quỹ đạo, sẵn sàng nã hỏa lực vào bất kỳ tên lửa tấn công nào. Phương pháp hàng đầu hiện nay là đạn rắn, có thể tác động đến tên lửa. Tuy nhiên, các nhà quân sự Hoa Kỳ cũng đang cân nhắc xây dựng các trạm chiến đấu bằng tia laser.
Máy bay siêu thanh: Cất cánh từ một đường băng tiêu chuẩn, một máy bay siêu thanh có thể bay nhanh hơn mức tốc độ khoảng 5.793km/h để tiếp cận bất cứ nơi nào trên thế giới trong vòng 2 giờ đồng hồ. Nó cũng sẽ có đủ lực đẩy để đưa một vệ tinh vào quỹ đạo thấp của trái đất. Để có thể cất cánh từ một đường băng, một chiếc máy bay siêu thanh hoặc sẽ “quá giang” trên một máy bay thông thường, hoặc có riêng động cơ phản lực thông thường. Động cơ đó sẽ mang máy bay siêu thanh tới độ cao có mật độ không khí và sức cản thấp hơn. Tại đây máy bay sẽ đạt tốc độ siêu âm và sau đó chuyển sang sử dụng động cơ phản lực tĩnh siêu âm. Máy bay phản lực tĩnh siêu âm thu nhận không khí và trộn nó với nhiên liệu, vì vậy hỗn hợp sẽ bốc cháy khi chảy qua động cơ ở tốc độ siêu âm. Điều này đồng nghĩa với việc máy bay phản lực tĩnh siêu âm có thể đạt được phần nào tốc độ của một tên lửa mà không cần phải mang theo chất oxy hóa nặng như tên lửa.
Hệ thống vô hiệu hóa hoạt động (ADS) : Các chùm tia vi ba hoặc sóng millimét cực ngắn có thể gây ra đau đớn khủng khiếp và làm cho mọi người bỏ chạy. Chúng thường có thể được kích hoạt qua một máy phát gắn trong xe quân sự Humvee, trong các tình huống kiểm soát đám đông. Một ăng ten 2 mét và máy phát di động sản sinh và bắn ra một chùm phóng xạ 95-gigahertz (3 millimét). Lớp ngoài dày 0,3 millimetre của da người sẽ hấp thụ các sóng milimét, gây đau dữ dội. Vì vậy, mọi người sẽ phải bỏ chạy càng nhanh càng tốt. Loại vũ khí này có thể gây thương tích nghiêm trọng nếu các mục tiêu không thể tẩu thoát khỏi chùm tia bắn ra. Chùm tia này cũng siêu đốt nóng các vật bằng kim loại như tiền xu, hoa tai hay gọng kính, vốn sau đó có gây bỏng cháy da người.
Theo báo cáo của SIPRI, Mỹ là “tay lái súng” dẫn đầu thế giới ở thị trường xuất khẩu vũ khí. Trong khi ngược lại, các nước châu Á – Thái Bình Dương đang dẫn đầu trong danh sách các nước nhập khẩu vũ khí lớn trên cả thế giới. Trong giai đoạn 2007-2011, các nước này chiếm tới 44% giá trị các hợp đồng mua vũ khí.
Nga:
Các lực lượng vũ trang Nga (UTC – Вооружённые Си́лы Росси́йской Федера́ции) được thành lập sau sự tan rã của Liên Xô, vào ngày 7 tháng 5 năm 1992, khi Boris Yeltsin ký sắc lệnh thành lập Bộ quốc phòng Liên bang Nga thay thế cho Hồng quân trên lãnh thổ của RSFSR dưới quyền của liên bang Nga. Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Nga hiện nay là tổng thống Putin. Mặc dù quân đội liên bang Nga ngày nay không liên quan đến Hồng quân, nhưng nền công nghiệp quốc phòng của nước này vẫn có sự thừa hưởng rất lớn từ Liên Xô, họ có một nền tảng quân sự tốt từ Liên Xô, đã sở hữu và sử dụng những nguồn nhân lực, quân đội, vật chất, công nghệ, vũ khí khổng lồ mà Liên Xô để lại.
Quân đội Nga được chia thành các nhánh sau: Lục quân, hải quân và không quân. Nga cũng có các lực lượng vũ trang độc lập gồm: Lực lượng Tên lửa chiến lược, Vũ trụ, và Hàng không. Lực lượng phòng không, trước đây là Voyska PVO, đã được sát nhập và trực thuộc vào lực lượng không quân từ năm 1998. Lực lượng bộ binh được chia thành 6 quân khu: Moscow, Leningrad, Bắc Caucausian, Privolzhsk-Ural, Siberia, và Viễn đông. Hải quân gồm bốn hạm đội: Hạm đội Baltic, Hạm đội Thái Bình Dương, Hạm đội Phương Bắc, Hạm đội Biển Đen. Quân đội non trẻ này chỉ chiến đấu trong 2 cuộc chiến quy mô; chiến tranh Chesnia năm 1994 và chiến tranh Nam Ossetia năm 2008.
Gần đây, Nga đã công bố về sức mạnh của “quái vật” bay khổng lồ. Từ năm 2010, Chủ tịch Tập đoàn chế tạo máy bay thống nhất OAK Aleksei Fedorov của Nga đã cho biết sẽ cần 15-20 năm để phát triển PAK-DA và các máy bay mới sẽ được chế tạo tại Liên hiệp sản xuất máy bay Kazan mang tên S.P Gorbunov.
PAK-DA là loại máy bay ném bom chiến lược không người lái lớn nhất từ trước đến nay
Nhưng đến đầu năm 2012, nhóm nghiên cứu đã chốt được thiết kế tổng thể của loại máy bay này. Theo đó, đây sẽ là loại máy bay không người lái lớn nhất từ trước đến nay vì thế để điều khiển máy bay hoàn toàn từ dưới đất, cần có một mạng vệ tinh mạnh trên vũ trụ.
Trước mắt Nga đã có kế hoạch mở rộng hệ thống vệ tinh trên quỹ đạo. Theo các chuyên gia, ưu tiên tiếp theo là nghiên cứu các vấn đề khí động học, độ bền, vật liệu và công nghệ mới, cũng như chế tạo vũ khí và các hệ thống trên khoang mới.
Nga cũng dự kiến sẽ sản xuất những “xe tăng bay” không cần đường băng. Bộ Quốc phòng Liên bang Nga mới đây đã cho đăng tải trên trang web chính thức của họ về những thông tin liên quan tới học thuyết mới về máy bay cường kích trong tương lai. Theo đó, Nga sẽ tập trung chế tạo những chiến đấu cơ được gọi là “xe tăng bay” với công nghệ tàng hình tân tiến.
Loại máy bay mới này sẽ có các đặc tính tàng hình hiện đại, được trang bị các hệ thống radar mới cùng các tổ hợp thông tin, thiết bị dẫn đường và chỉ thị mục tiêu tiên tiến. Loại máy bay xuất hiện trong học thuyết mới cũng sẽ được tích hợp các loại vũ khí chiến thuật mới và đặc biệt là khả năng cất hạ cánh không cần đường băng.
Chiến đấu cơ đa năng tàng hình thế hệ 5 T-50 PAK FA của Nga
Các nhà khoa học Nga cũng đã chế tạo siêu vũ khí điện từ thành công trong nỗ lực chế tạo vũ khí công nghệ cao. Họ đã chế tạo thành công máy phát điện từ có công suất tương đương một lò phản ứng hạt nhân.
Máy phát điện từ Nika có công suất hàng tỷ W
Chiếc máy này được coi là bước đột phá trong khoa học với khả năng ứng dụng trong các lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là quân sự, quốc phòng. Máy phát điện từ này có tên là Nika, công suất lên tới vài tỷ W nhưng kích thước nhỏ gọn, chỉ tương đương với một chiếc bàn giấy. Viện sĩ Viện Khoa học Hàn lâm Nga Mikhail Yalandin, một trong những người phát minh ra cỗ máy trên cho biết nhóm nghiên cứu của ông đã chế tạo ra 2 phiên bản, một phiên bản cỡ lớn và một phiên bản nhỏ gọn. Cả 2 phiên bản đều được đặt tại thành phố Ekaterinburg.
Cỗ máy này có thể được sử dụng trong công nghệ phòng thủ tên lửa. Ngoài ra, công suất khổng lồ của máy phát có thể tạo ra các xung điện từ gây tác động và phá vỡ tính bền vững của bất kỳ hệ thống và mục tiêu điện nào. Nó có thể mô phỏng những nhiễu động tương đương với những nhiễu động tạo ra do sét đánh, thậm chí tương đương một vụ nổ hạt nhân. Trên cơ sở chiếc máy phát mới này, các nhà khoa học quân sự Nga đang muốn chế tạo một loại siêu vũ khí điện từ. Loại vũ khí này sẽ tạo ra xung điện từ với công suất siêu lớn phá hoại hoạt động của các máy vô tuyến điện tử, điện thoại di động và các hệ thống máy tính.
Nhìn chung, Nga có một tiềm lực quân sự và một nền công nghiệp nặng về quốc phòng hàng đầu thế giới. Quân đội thiện chiến, kỷ luật nghiêm. Vũ khí hiện đại, tối tân, dồi dào về số lượng và bảo đảm về chất lượng.
CHDCND Triều Tiên:
Quân đội Bắc Triều Tiên được thành lập vào năm 1948. Tiền thân của nó là lực lượng Quân Tình nguyện Triều Tiên, nằm trong một liên minh hỗn hợp các lực lượng quân sự chống Nhật vùng Đông Bắc Trung Hoa, một số dư đảng của Quân Giải phóng Triều Tiên, các lực lượng du kích chống Nhật, những cựu chiến sĩ người Triều Tiên phục vụ trong Hồng quân của Liên Xô và Hồng quân Trung Quốc.
Quân đội Triều Tiên vừa đông đảo vừa tinh nhuệ, huấn luyện tốt. Tuy nhiên, một số vũ khí, nhất là xe tăng, xe bọc thép đã lỗi thời và khá cũ kỹ. Quân đội này có một hệ thống phòng ngự tốt với hơn nửa thế kỷ chuẩn bị cho chiến tranh, chuẩn cho tình huống bị đánh vào. Vô số dàn tên lửa tầm ngắn, tầm xa đang chỉa thẳng vào các hải đảo, vùng biên giới của Hàn Quốc và cả thủ đô Seoul, Tokyo, và có thể cả Hawaii và Alaska như họ tuyên bố. Đây là điều mà Mỹ – Nhật – Hàn rất ngán và chưa dám vọng động, gây chiến. Dù chiếm được Triều Tiên thì họ cũng sẽ phải trả một giá rất đắt, kinh tế vẫn chưa phục hồi hoàn toàn sau khủng hoảng, có thể sẽ sụp đổ hoàn toàn, đưa tới thảm họa kinh tế khu vực và toàn cầu.
Hầu hết các vũ khí hạng nhẹ và cả hạng nặng của Triều Tiên là tự sản xuất, kể cả các vũ khí cá nhân và đặc biệt là các hệ thống tên lửa, vũ khí chiến lược của họ. Ngoài ra, họ còn có lực lượng vũ khí đặc biệt, cấu thành từ 2 bộ phận: Tác chiến và phòng chống chiến tranh hóa học; tác chiến và phòng chống chiến tranh sinh học. Hiện nay bộ phận này có hàng ngàn đạn pháo mang tác nhân sinh hóa, cũng như nhiều vũ khí sinh hóa có khả năng hủy diệt hàng loạt.
Để đối phó với những kẻ địch có sức mạnh quân sự, có thực lực kinh tế, có trình độ phát triển, và quân số cao hơn gấp nhiều lần, họ đã thực hiện chiến lược “chiến tranh phi đối xứng” (asymmetric warfare) và chiến tranh phi quy ước để chống lại những quân thù mạnh hơn, bằng cách sử dụng những khoa học kỹ thuật công nghệ và vũ khí đặc biệt, độc đáo như hệ thống gây nhiễu định vị toàn cầu và sóng radar, sơn ngụy trang tàng hình (một loại hóa chất đặc chế để tránh bị radar phát hiện), tàu ngầm lưu động, ngư lôi cảm tử (tự sát), và nhiều vũ khí hóa học, sinh học và tia laser, bất chấp việc họ đã ký vào Hiệp ước không phổ biến vũ khí sinh học.
Họ cũng đã chuẩn bị sẵn sàng cho những cuộc chiến tranh hóa học, chiến tranh khí tượng, chiến tranh điện tử mà Mỹ đã áp dụng tại Việt Nam và nhất là rất thành công ở Iraq (chiến tranh điện tử, gây tê liệt cho các vũ khí cần dùng hệ thống điện tử của Iraq, hầu hết các vũ khí mua từ Pháp của Iraq đều trở nên bất khiển dụng khi Mỹ mở cuộc đột kích bất ngờ).
Lực lượng phòng không của Triều Tiên khá mạnh, gần đây họ được Trung Quốc viện trợ, bán rẻ các vũ khí phòng không và một số vũ khí phòng thủ khác. Nga cũng bán cho họ một số vũ khí phòng không. Nếu xảy ra chiến tranh, vì lợi ích dân tộc và an ninh quốc gia của mình, Trung Quốc sẽ còn viện trợ không hoàn lại (cho không) những vũ khí tấn công khác cho đồng minh. Còn Nga thì cũng sẽ “bán rẻ như cho” một số vũ khí trong kho vũ khí khí tài khổng lồ của mình cho người bạn bất đắc dĩ này.
Họ còn những loại bong bóng, khinh khí cầu phòng không, khi có chiến tranh thì họ sẽ thả lên không để bảo vệ những vùng trời, những khinh khí cầu, bong bóng này có nối dây kích nổ với nhau, những sợi dây này cực nhỏ và khó thấy bằng mắt thường, khi máy bay quân sự của địch va vào bong bóng, khinh khí cầu, hoặc những sợi dây này thì sẽ bị bốc cháy hoặc nổ tung.
Triều Tiên còn tận dụng cả những loài động vật cho tác chiến. Họ dùng chó chống tăng mà Liên Xô đã dùng trong Chiến tranh vệ quốc vĩ đại chống Đức Quốc Xã trước đây. Những con chó săn này sẽ được huấn luyện để chạy lao vào xe tăng, xe thiết giáp và các xe quân sự của địch với bom và các loại chất nổ gắn vào mình. Họ còn huấn luyện loài khỉ để “đánh bom cảm tử” tương tự nhưng mục tiêu không phải là xe tăng mà là những xe quân sự nhỏ hơn và các công trình xây dựng, đồn lính, lều trại… Ngoài ra, họ còn bỏ tiền ra để học từ các nhóm quân phiệt, phiến quân, quân phỉ ở châu Phi về nghệ thuật nuôi, huấn luyện và sử dụng loài chuột cho mục tiêu dò mìn. Hiện có vô số mìn đang được đặt dài khắp vĩ tuyến 38 bên trong biên giới Hàn Quốc, đề phòng quân đội Bắc Triều Tiên tràn sang. Họ còn nuôi cả ong độc và dùng bom dơi (loài dơi được gắn bom, chất nổ vào mình) để chuẩn bị cho chiến tranh.
Không chỉ dùng loài vật để đánh bom tự sát, Triều Tiên còn đào tạo những cảm tử quân, quyết tử quân cho cả 3 quân chủng hải, lục, không quân. Những chiến binh lục quân này sẵn sàng ôm bom lao vào chết chung với xe tăng, thiết giáp, hoặc số đông quân địch, hoặc đánh sập các công trình xây cất của địch, họ liều mạng như những chiến binh Hồi giáo cực đoan “tử vì đạo” ở Trung Đông. Những tàu ngầm loại nhỏ, các ngư lôi cảm tử của họ sẵn sàng mang bom lao vào tàu địch tự sát và đồng thời góp phần đánh chìm tàu địch. Những máy bay chiến đấu của họ cũng sẵn sàng đem bom lao vào tàu chiến và các mục tiêu khác nhau của địch để chết chung.
Tình báo Mỹ – Nhật – Hàn cho rằng Triều Tiên đã nghiên cứu và chế tạo thành công những hóa chất có thể làm cho cỏ tạm ăn được, được trang bị cho lực lượng đặc nhiệm để họ có thể sinh tồn được trong những điều kiện khó khăn, đói rét, trong những môi trường không có thức ăn, trong tình huống không có lương thực.
Hoa Kỳ còn cáo buộc Bắc Triều Tiên và Trung Quốc âm mưu chuẩn bị để khi cần thiết sẽ tiến hành một cuộc chiến tranh mạng với Mỹ, có một số thông tin từ Mỹ cho rằng Triều Tiên đã bí mật nghiên cứu chung với các lực lượng khủng bố Hồi giáo cực đoan về chiến tranh mạng với Mỹ. Đây là một lợi thế của họ, vì ở nội địa Bắc Triều Tiên không phổ biến mạng lưới Internet. Tương tự như chiến trường ngoài đời, trên chiến trường online trên Internet giữa các hackers, họ không có nhiều thứ để mất, trong khi Mỹ – Hàn – Nhật có rất nhiều thứ để mất. Chỉ một vài website giao dịch, của các tập đoàn kinh tế lớn, của chính phủ, nhà nước v.v. sụp đổ, tê liệt lâu ngày và liên tục thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế.
Từ thập niên 1980, trong lúc Internet chỉ mới được sử dụng hạn chế trong quân đội Mỹ, chưa dân sự hóa, xã hội hóa, thì các điệp viên Triều Tiên đã tiến hành nghiên cứu và Bộ quốc phòng Bắc Triều Tiên đã bắt đầu phát triển dự án chiến tranh mạng. Tới năm 2011, Bắc Triều Tiên đã đào tạo được khoảng 1100 tin tặc quân sự, tin tặc đặc biệt. Đó là lý do lâu nay CHDCND Triều Tiên luôn ưu tiên cho những học sinh, sinh viên có năng khiếu về kỹ thuật vi tính, ai bộc lộ tài năng về máy tính thì sẽ được chú trọng đào tạo về chuyên môn này và được miễn nhiều môn học khác.
Hàn Quốc và Hoa Kỳ lâu nay luôn tuyên truyền về sự đáng sợ của đội quân tin tặc của Triều Tiên. Nhất là sau khi xảy ra một loạt những cuộc tấn công mạng vào nhiều cơ quan chính phủ Hàn Quốc cũng như việc các thiết bị quân sự của Hàn Quốc bị phá sóng trong thời gian qua.
Tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên đã đứng sau vụ tấn công mạng và phá sóng thiết bị quân sự của Hàn Quốc trong thời gian qua. Trước đó, Triều Tiên đã chuẩn bị cho cuộc chiến tranh mạng từ năm 1986 khi thành lập Đại học Mirim, nay là Đại học Kỹ thuật, để huấn luyện các chuyên gia công nghệ.
Một người tỵ nạn kinh tế Triều Tiên hiện sống ở Hàn Quốc, từng tốt nghiệp đại học trên, cho biết mỗi năm, có khoảng 100 tới 110 hackers được đào tạo chính quy. Để tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật, mỗi sinh viên sẽ mất 5 năm. Các trường như Đại học Quân sự Quốc gia, Học viện Không quân, Học viện Hải quân của Triều Tiên hàng năm đều gửi sinh viên tới trường Đại học Kỹ thuật để theo học các khóa chiến tranh mạng.
Ông Jang Se-yul, một người tỵ nạn Triều Tiên hiện sinh sống ở Hàn Quốc, cho hay: “Tôi từng được biết rằng, Triều Tiên đã đào tạo cho khoảng 30.000 chuyên gia chiến tranh điện tử, trong đó có khoảng 1.200 người là sĩ quan cấp cao. Mỗi quân chủng đều có một đơn vị tác chiến điện tử hay còn gọi là những chuyên gia chiến tranh mạng”.
Năm 2006, quân đội Hàn Quốc từng cảnh báo các hackers Triều Tiên có thể làm tê liệt Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ và có thể tấn công vào các hệ thống máy chủ của Bộ Quốc phòng Mỹ. Theo các chuyên gia, những tin tặc Triều Tiên từng cố gắng thực hiện một vụ tấn công nhằm kiểm soát máy tính của một đại tá quân đội Hàn Quốc hồi tháng 8/2008. Năm 1999, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, địa chỉ quốc gia truy cập vào các trang mạng của bộ này nhiều nhất đều bắt nguồn từ Triều Tiên.
Đầu năm 2012, thủ đô Seoul của Hàn Quốc đã có lúc bị “tê liệt” bởi sự tấn công của các tin tặc. Ủy ban truyền thông Hàn Quốc đã chính thức tuyên bố về việc hàng chục các trang mạng của chính phủ và các công ty lớn đã bị hackers tấn công. Công ty AhnLab chuyên về bảo đảm an ninh mạng tuyên bố rằng, 40 trang web đã bị tấn công, bao gồm các trang web của Nhà Xanh, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Thống nhất, cũng như các trang web của Cơ quan Tình báo, Quốc hội, Thanh tra thuế và các lực lượng vũ trang. Người đại diện của AhnLab cho biết, các trang web chính thức của công ty AhnLab cũng bị tấn công. Ngoài ra, các trang web của 7 ngân hàng lớn nhất nước cũng chịu chung số phận như các cơ quan trên.
Năm 2009, hacker đã tiến hành tấn công vào các trang web của các cơ quan nhà nước Hàn Quốc và các hệ thống ngân hàng lớn nhất làm nhiều trang web bị tê liệt. Cơ quan Tình báo Hàn Quốc cáo buộc Bộ truyền thông Bắc Triều Tiên là thủ phạm.
Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng từng cáo buộc, kết tội Bắc Triều Tiên và Iran đã âm mưu tiến hành một cuộc chiến tranh ngầm, cuộc chiến tranh kinh tế để chống lại nước này bằng cách in “siêu đô la” (tờ $100 đô la Mỹ, tiền giả như thật, tiền giả siêu cấp chỉ có 1 ngân hàng trung ương của chính phủ Mỹ mới có máy phát hiện), hòng phá hoại nền kinh tế của Mỹ, nhất là trong các thời kỳ khủng hoảng.
Quân đội Triều Tiên là một quân đội thiện chiến, tinh nhuệ, bản lĩnh chiến đấu rất cao, kỷ luật sắt, tinh thần tư tưởng vững mạnh, tư tưởng chính trị vững vàng, tinh thần sẵn sàng quyết tử, quyết chiến, kỹ năng tác chiến cá nhân và tập thể rất cao và ăn ý, được trang bị vũ khí cá nhân khá tốt.
Trong thời Chiến tranh Lạnh, quân đội Triều Tiên được báo Times và BBC Luân Đôn đánh giá là thiện chiến nhất, xếp hạng trước cả Hồng quân Liên Xô và quân đội Hoa Kỳ. Quân đội Triều Tiên có chương trình huấn luyện như khổ sai, dễ chết nhất, nguy hiểm nhất, và thuộc loại kinh hoàng nhất trong các hệ thống quân sự thế giới. Mỗi chiến sĩ Triều Tiên đều là những chiến binh thép và khá cuồng tín nhưng lại rất kỷ luật.
Quân đội Triều Tiên được như vậy là nhờ truyền thống chống quân Quan Đông rất tàn ác và thiện chiến của phát xít Nhật. Khi đã quen thuộc chống nhau với quân chủ lực Quan Đông mỗi ngày thì không còn biết sợ đội quân nào khác. Một phần lớn quân nhân Triều Tiên thời đó cũng từng có kinh nghiệm chiến đấu trong Hồng quân Liên Xô, đội quân thiện chiến nhất thế giới thời ấy, sự thiện chiến tinh nhuệ của Hồng quân cũng ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng tác chiến của quân đội Triều Tiên. Có nhiều tướng lĩnh, sĩ quan của Triều Tiên cũng từng phục vụ trong hàng ngũ Hồng quân, mà chủ tịch Kim Nhật Thành là một trong số đó.
Quân đội Triều Tiên vẫn giữ nguyên các chương trình huấn luyện thời chiến, tương tự như thời chống Nhật, chống phát xít đó. Và vẫn giữ các bài huấn luyện khổ sai đó. Những bài huấn luyện như “Đi dây tử thần” rùng rợn trong chương trình của Hoa Kỳ mà tân binh nào của Mỹ cũng ngán sợ, thật ra chỉ là một bài tập cơ bản của Triều Tiên.
Tại Triều Tiên, cứ khoảng 10 người là có 1 chiến binh chính quy. Đó là chưa tính quân dự phòng và các lực lượng bán quân sự. Quân đội chiếm 10% tổng dân số, đó là tỷ lệ cao nhất thế giới. Mặc dù ngân sách nghèo, diện tích nhỏ, dân số ít, nhưng vẫn luôn là một trong những quốc gia có lực lượng quân sự đông nhất thế giới, một trong những ngân sách quốc phòng lớn nhất hành tinh, tỷ lệ ngân sách giành cho quốc phòng cũng cao nhất thế giới.
Các nước khác chỉ tập trung lo cho 3 quân chủng là Hải – Lục – Không quân, thì Triều Tiên ngoài 3 quân chủng đó họ còn xem trọng lực lượng An ninh ngang bằng với 3 quân chủng kia. Đó là chưa kể các lực lượng cảnh sát, cảnh sát chìm, tình báo, đặc tình, cộng tác viên của chính phủ v.v. Giữ vững tuyệt đối an ninh trong quân đội, trong hệ thống chính trị và ngoài xã hội.
Triều Tiên có nền công nghiệp quốc phòng khá tốt, vũ khí thuộc loại tốt. Công nghệ tên lửa, đạn đạo rất cao. Tên lửa là vũ khí chiến lược của Triều Tiên nên họ rất chú trọng và đầu tư rất lớn vào đây. Tên lửa tầm ngắn, tầm xa của họ dành cho những vùng ven biên giới, hải đảo, thành phố gần biên giới và vĩ tuyến 38 ngăn đôi hai nước, và những thành phố lớn, phát triển ở Hàn Quốc và Nhật Bản, trong đó có cả thủ đô Seoul và thủ đô Tokyo.
Theo các nhà quân sự phương Tây tính toán thì chỉ cần khoảng 30 giây là tên lửa của họ đến được Seoul, và chỉ cần khoảng 2, 3 phút là đến được Tokyo, họ có rất nhiều pháo đài đặt khắp nơi trên các vùng núi cao ở Triều Tiên. Những hệ thống tên lửa phòng ngự mà Hàn, Nhật sản xuất hoặc được Mỹ viện trợ / bán cho đều không chắc có thể bắn chặn hóa giải được những tên lửa từ Triều Tiên, cùng lắm thì cả 3 “ôm nhau cùng chết”, và có thể kéo theo cả vài trăm ngôi nhà, công trình xây dựng ở Hawaii và Alaska của Mỹ đi chung.
Tên lửa xuyên lục địa của Triều Tiên thì để dành cho Mỹ, nhắm vào tiểu bang Alaska và Hawaii mà Triều Tiên cho rằng họ có thể vươn tới. Tuy khó thể biến Hawaii và Alaska thành “bình địa” như Seoul và Tokyo nhưng cũng sẽ gây thiệt hại nặng nề cho Mỹ, gây tổn thất nặng cho kinh tế Mỹ, và như một cái bạt tai tóe lửa, gây tổn thương danh dự, tự ái của đại cường quốc Hoa Kỳ. Nếu chuyện đó xảy ra, thì đó sẽ là lần đầu tiên trong suốt 200 năm lập quốc nước Mỹ bị tấn công vào bên trong nội địa của mình, điều mà cả Đức Quốc Xã, phát xít Ý, quân phiệt Nhật, Hồng quân Liên Xô còn chưa dám. Quân đội Nhật hung hăng và thiện chiến như vậy mà cũng chỉ đánh vào Trân Châu Cảng chứ chưa dám bén mảng đến lục địa.
Một khi liên quân do Mỹ đứng đầu mở cuộc phiêu lưu quân sự tiến công vào Bắc Triều Tiên. Chính phủ Bình Nhưỡng sẽ lập tức khởi động những tên lửa chiến lược và bắn thẳng vào những mục tiêu mà họ đã định sẵn, tính toán trước và chuẩn bị đâu đó suốt nửa thế kỷ. Những tên lửa sẽ đồng loạt khai hỏa cùng lúc vào các hải đảo, thành phố phát triển, khu vực gần biên giới, như đảo Diên Bình năm 2008. Tên lửa mang đầu đạn hạt nhân hoặc sinh học, hóa học sẽ bắn thẳng vào Tokyo và các thành phố lớn của Nhật.
Tên lửa liên lục địa có thể mang theo cả đầu đạn hạt nhân phóng tới tiểu bang Hawaii và Alaska của Mỹ. Nhiều chuyên gia Mỹ cho rằng Bình Nhưỡng chỉ “khoác lác” để hù dọa chứ tên lửa của Triều Tiên sẽ không tài nào vươn tới Alaska, nhưng họ tin là có thể chạm tới được Hawaii. Có thể tên lửa bay xa đến như vậy thì sẽ không chính xác, không bắn trúng vào được thủ phủ Honolulu của bang Hawaii như Triều Tiên đã hăm dọa. Nhưng các tên lửa đó dù trúng bất kể 1 nơi nào ở Hawaii thì cũng sẽ trở thành một thảm họa đối với Hoa Kỳ.
Kinh tế quốc tế vẫn chưa hồi phục được bao nhiêu, sẽ sụp đổ lâu dài. Thị trường chứng khoán Hàn – Nhật hầu như chắc chắn sẽ sụp đổ. Phố Wall của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, sẽ càng có thêm nhiều cuộc biểu tình để chống Phố Wall. Năm 2008, Triều Tiên chỉ bắn răn đe, cảnh cáo vào đảo Diên Bình vốn có rất ít dân cư, vùng đất không có bao nhiêu giá trị kinh tế, thế mà đã làm chứng khoán Hàn – Nhật chao đảo. Những ông trùm tư bản tài phiệt Mỹ ở Hàn – Nhật đổ mồ hôi hột. CHDCND Triều Tiên có dư khả năng giáng trả cho tới lưỡng bại câu thương với Mỹ – Hàn – Nhật, do đó họ có một sức mạnh răn đe rất hiệu quả.
Triều Tiên đã xây dựng rất nhiều khu sinh hoạt dưới lòng đất, sẵn sàng cho một cuộc đối đầu trực diện và dai dẳng với bất kỳ thế lực nào, đặc biệt là với không lực Hàn hoặc Mỹ. CIA Mỹ cũng không có đường thể hiện tài năng của mình ở quốc gia khép kín này như họ đã làm được ở các nước khác. Một nhà khoa học quân sự Mỹ, giáo sư ở trường võ bị nổi tiếng West Point cho rằng “Triều Tiên là quốc gia duy nhất trên thế giới ngày nay có khả năng đối đầu toàn diện trong một cuộc chiến tranh toàn diện, tổng lực với chúng tôi”. Triều Tiên sẽ không dùng chiến tranh du kích, mà họ sẽ dùng trận địa chiến đối chọi thẳng thừng, đối đầu trực tiếp trong một cuộc chiến tranh toàn diện và tổng lực theo học thuyết quân sự Liên Xô.
Tờ Daily News của Hàn Quốc cho biết vừa qua Triều Tiên đã phát triển một hệ thống phóng rocket đa nòng có tầm bắn xa lên đến 200 km. Cự li tấn công này đủ để vươn tới cả các khu vực trung tâm của Hàn Quốc. Theo đó, hệ thống rocket phản lực đa nòng mới được phát triển để nhắm vào các mục tiêu quân sự của quân đội Hàn Quốc và các căn cứ của quân đội Hoa Kỳ và ở sâu bên trong lãnh thổ và bao phủ cả thành phố Pyeongtaek, thuộc tỉnh Gyeonggi (Hàn Quốc).
Nguồn tin cũng cho biết thêm, hệ thống pháo phản lực mới sẽ được Triều Tiên đưa đến triển khai ở các căn cứ quân sự gần biên giới hai nước, gồm căn cứ Gyeryongdae ở phía Nam tỉnh Chungcheong để có thể phát huy được tối đa tầm xa của đạn pháo.
Một số quan chức cấp cao Hàn Quốc cũng cho hay Triều Tiên còn phát triển một thành công thêm một loại pháo phản lực bắn loạt khác, có cỡ nòng 240 mm, bắn xa cực 90 km. Sự phát triển của loại pháo phản lực mới nhất của Triều Tiên có cỡ nòng 300mm, chiều dài nòng pháo lên tới 3 mét, và có đặc điểm nổi bật là được tích hợp với hệ thống thông tin định vị vệ tinh toàn cầu GLONASS do Nga sản xuất.
Nhiều chuyên gia quân sự quốc tế cho rằng, pháo phản lực ban đầu của Triều Tiên sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính của Pháp, tuy nhiên gần đây Triều Tiên đã khai thác hệ thống định vị vệ tinh GLONASS cho MLRS mới của họ. Với sự hỗ trợ của hệ thống định vị này, khả năng tấn công chính xác các mục tiêu bên trong lãnh thổ Hàn Quốc sẽ được tăng lên đáng kể. Ngoài hệ thống định vị GLONASS của Nga, MLRS mới của Triều Tiên còn sử dụng các công nghệ do Trung Quốc cung cấp.
Theo một số thông tin tình báo từ Mỹ, Hàn, Nhật, quân đội và quốc phòng Triều Tiên còn được tài trợ bởi Phòng 39. Theo sự cáo buộc của Mỹ, Hàn, Nhật, Phòng này dùng từ 10 đến 20 tài khoản ngân hàng ở Trung Quốc và Thụy Sĩ nhằm mục đích in tiền giả, rửa tiền, giao dịch lậu vũ khí khí tài, ma túy, muốn tung ma túy vào Mỹ – Hàn – Nhật, một “chiêu” mà đế quốc Anh và Bát quốc liên quân phương Tây đã làm với Trung Hoa trước đây.
Hàn Quốc:
Quân đội Hàn Quốc, tên chính thức là Quốc quân Đại Hàn Dân Quốc, ban đầu được xây dựng từ những tân binh, dân binh, nghĩa binh, lực lượng tự vệ được chính quyền mới của Lý Thừa Vãn tuyển mộ. Tuy nhiên, quân đội này đã bị quân đội Triều Tiên đánh tan trong giai đoạn 1 của cuộc chiến Triều Tiên. Sau trận tử thủ Phú Sơn, quân đội này về cơ bản đã tan rã, Mỹ và Liên Hiệp Quốc phải nhảy vào tiếp cứu.
Sau khi Hiệp định đình chiến được ký (16/5/1953), quân đội Hàn Quốc được tái thành lập và xây dựng lại từ đầu. Đến nay nước này có một lực lượng quân sự mạnh với mức đầu tư trong 10 nước đứng đầu (tính theo GDP). Hàn Quốc đứng thứ hai trong danh sách các nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới với 6% giá trị toàn cầu, chỉ sau Ấn Độ.
Lục quân Hàn Quốc có 670.000 binh sĩ, trong đó 140.000 lính nghĩa vụ và 4 triệu quân dự bị (theo thống kê của năm 2006). Số quân trên được phiên chế thành 3 quân đoàn, 11 binh đoàn, 49 sư đoàn và 19 lữ đoàn. Lục quân sở hữu 4.850 xe tăng, xe thiết giáp (trong đó đáng chú ý có loại T-80U, M48 Patton, K1, K1A1, K2 và XK2 Black Panther). 10.774 pháo các loại, 7.032 tên lửa (trong đó đáng chú ý có Patriot, MIM-23B Hawk và 3 loại tên lửa vác vai là Stinger của Mỹ, Mistra của Pháp và Javelin của Anh). Họ còn có khoảng 13.000 vũ khí bộ binh khác. Phương tiện chiến đấu chủ yếu của Hàn Quốc là xe tăng đổ bộ K-200 (KIFV) được thiết kế dựa trên phiên bản AIFV của Mỹ và được đưa vào hoạt động năm 1985.
Hải quân Hàn Quốc có 68.000 binh sĩ, trong đó có 25.000 thủy quân lục chiến cùng 170 tàu chiến các loại. Hải quân được chia thành 3 hạm đội. Do có Hạm đội 7 của Mỹ đóng gần Nhật Bản nên Hàn Quốc không chú trọng phát triển lực lượng hải quân. Nhiệm vụ chủ yếu của hải quân là phòng vệ ven biển. Tuy nhiên, Hàn Quốc thời gian gần đây rất chú trọng tăng cường sức mạnh cho lực lượng hải quân. Họ có hơn 20 tàu ngầm và 69 tàu chiến trên mặt nước
Không quân Hàn Quốc có hơn 600 máy bay các loại, trong đó có loại F-15K Slam Eagle do Boeing sản xuất và T-50 Golden Eagle. Họ chủ yếu được trang bị bằng máy bay sản xuất từ Mỹ, nhưng Hàn Quốc thời gian gần đây đã phát triển ngành công nghiệp sản xuất máy bay riêng của mình. Họ có 460 máy bay chiến đấu và máy bay trực thăng, trong đó có 195 chiếc F-5 và 60 chiếc F-16, một số được lắp đặt trong nước. Quân đội Hàn Quốc có nhiều máy bay chiến đấu và vận tải. Hải quân cũng sở hữu phi đội bay hùng hậu.
Nhờ ưu thế của một nền kinh tế lớn nên quân đội Hàn Quốc luôn nằm trong danh sách những quốc gia đầu tư lớn cho quốc phòng, thậm chí có thời kỳ nước này nằm trong top 10 nước đứng đầu thế giới về ngân sách quân sự. Theo phân tích của nhiều chuyên gia quân sự, Hàn Quốc sẽ sớm trở thành một trong 10 quốc gia xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới. Khách hàng chủ yếu của Hàn Quốc là những quốc gia thuộc khu vực Trung Đông và đồng minh của Mỹ và họ chủ yếu mua súng tự động, máy bay và tàu hải quân.
Đây là một quân đội hùng mạnh trên giấy tờ, thiện nghệ trong quân trường, tinh nhuệ trong tập trận. Nhưng chưa ai biết khi vào thực chiến thì sẽ thể hiện một phong độ chiến đấu ra sao. Kim Chính Nhật từng nói đại ý “đám bát nháo quân đội thuộc địa Hàn Quốc chỉ là những con hổ giấy không có gì phải sợ”. Công nghiệp, quân đội, ngân sách, thực lực quốc phòng mạnh, khoảng 80% vũ khí của Hàn Quốc là tự sản xuất lấy. Quân số, tỷ lệ quân – dân, tỷ lệ phần trăm ngân sách quốc phòng cũng thuộc loại cao. Vũ khí tối tân. Trang bị đầy đủ, hiện đại. Huấn luyện tốt, khoa học. Tinh thần và lý tưởng chiến đấu cũng cao độ không thua kém nhiều so với quân đội CHDCND Triều Tiên.
Ấn Độ:
Quân đội Ấn Độ là các lực lượng vũ trang đáp ứng cho nhiệm vụ bảo vệ quốc phòng và an ninh trên lãnh thổ Ấn Độ. Quân đội Ấn Độ bao gồm hải, lục, và không quân, được đặt dưới sự chỉ huy, điều hành trực tiếp của Bộ Quốc phòng. Lực lượng phục vụ, hỗ trợ gồm có Lực lượng Bảo vệ Biên giới, Lực lượng Bán vũ trang, và Bộ chỉ huy các Lực lượng Chiến lược.Tất cả các quân nhân phục vụ trong quân đội của Ấn Độ là những người tình nguyện, mặc dù chính phủ được quyền thực thi chế độ tòng quân bắt buộc khi thấy cần thiết cho việc bảo vệ Ấn Độ. Tuy nhiên, Ấn Độ chưa bao giờ thực thi chế độ tòng quân cưỡng bách, ngay cả trong các cuộc chiến tranh lớn trước đây. Lực lượng vũ trang Ấn Độ nói chung đã thể hiện được vai trò chiến lược quan trọng của Ấn Độ, có năng lực và sức mạnh ngày càng tăng sau khi Ấn Độ trở thành quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.
Lực lượng vũ trang của Ấn Độ đã tham gia chiến đấu trong cả 3 cuộc chiến tranh chống Pakistan và những cuộc xung đột quân sự gay gắt nơi biên giới chống lại Trung Quốc. Quân đội Ấn Độ cũng tham gia vào các hoạt động “gìn giữ hòa bình” của Liên Hiệp Quốc. Lực lượng vũ trang Ấn Độ có số quân đông thứ 3 trên thế giới.
Ấn Độ có một nền công nghiệp quốc phòng thuộc loại khá, trong khi hiện nay họ vẫn đang tiếp tục dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực nhập khẩu vũ khí. Theo báo cáo của Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stokholm (SIPRI) thì Ấn Độ là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới trong giai đoạn 2007-2011. Quốc gia Nam Á này chiếm tới 10% giá trị nhập khẩu vũ khí toàn cầu.
Trong số đó, giá trị lớn nhất thuộc về các hợp đồng Ấn Độ mua 120 máy bay tiêm kích Su-30MK và chiến đấu cơ trang bị cho tàu sân bay MiG-29K của Nga. Ngoài ra còn có hợp đồng Ấn Độ mua 20 máy bay tiêm kích – cường kích Jaguar của Anh. Sắp tới, Ấn Độ sẽ mua 126 máy bay chiến đấu Rafale của Pháp. Ngoài ra, Ấn Độ cũng đã lên kế hoạch mua 75 máy bay huấn luyện Pilatus PC-7 của Thụy Sĩ và 145 khẩu pháo lựu siêu nhẹ của Hoa Kỳ.
Theo báo cáo của SIPRI, các nước châu Á đang dẫn đầu trong danh sách các nước nhập khẩu vũ khí lớn trên thế giới. Trong giai đoạn 2007-2011, các nước này chiếm tới 44% giá trị các hợp đồng mua vũ khí. Trong khi ngược lại, Mỹ là “tay lái súng” dẫn đầu toàn thế giới ở thị trường xuất khẩu vũ khí.
Cũng như trong 2 cuộc Thế chiến, từ xưa tới nay, tư bản tài phiệt lái súng của Mỹ luôn đi đầu trong việc “hưởng lợi” trong bối cảnh căng thẳng và xung đột quân sự gia tăng tại một số khu vực trên thế giới
Đài Loan:
Tên chính thức của quân đội Đài Loan là “Quốc quân Trung Hoa Dân Quốc”. Tiền thân của nó bao gồm nhiều đội quân gắn liền với thời kỳ cách mạng tư sản lật đổ phong kiến Mãn Thanh ở Trung Hoa, gồm cả những đội quân của nhiều lãnh chúa, quân phiệt, một bộ phận quân của chính phủ Bắc Dương và Quốc dân đảng. Sau này hình thành Quân đội Cách mạng Quốc dân của chính phủ Dân Quốc.
Nhà nước Cộng hòa Trung Hoa ra đời một phần nhờ cuộc nổi dậy bên trong Tân quân của nhà Thanh. Khi Viên Thế Khải lên nắm quyền tổng thống, ông đã chỉ huy Bắc Dương quân, đội quân kiểm soát miền Bắc Trung Quốc. Tuy nhiên, khi Viên Thế Khải chết năm 1916, nhiều phe phái bên trong Bắc Dương quân đã chia rẽ, bắn giết lẫn nhau, và các tướng lĩnh trong Bắc Dương quân trở thành những lãnh chúa, quân phiệt, kiểm soát những vùng đất to lớn trong thập kỷ tiếp sau đó. Quân nhân trong những đội quân đó thường không mặc đồng phục và sự khác biệt giữa những quân nhân và kẻ cướp, băng đảng, xã hội đen thường không rõ rệt lắm.
Với sự trợ giúp của Đệ tam Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III) và Liên Xô, “quốc phụ Trung Hoa” Tôn Trung Sơn (Tôn Dật Tiên, Tôn Văn), người được tôn vinh là vị cha già của dân tộc Trung Hoa, đã thành lập Quân đội Cách mạng Quốc dân năm 1925 tại Quảng Đông với mục tiêu thống nhất Trung Quốc. Để thực hiện mục tiêu đó, ban đầu đội quân này, do tướng quân Tưởng Giới Thạch chỉ huy, chiến đấu chống những lãnh chúa, quân phiệt từng làm chia rẽ Trung Quốc trong cuộc Chiến tranh Bắc phạt, mưu cầu thống nhất Trung Hoa.
Tôn Trung Sơn qua đời năm 1925, trước khi lâm chung, ông để lại di ngôn: “Cách mạng Trung Hoa muốn thành công thì phải liên Nga, liên Cộng, phù trợ công – nông”. Nhưng sau khi ông qua đời, Tưởng Giới Thạch lên nắm quyền lập tức phản lại di nguyện của thầy, cho quân đội tàn sát những người cộng sản, tiến hành giết hại, ám sát, bắt cóc, thanh trừng, khủng bố trắng những thành phần cánh tả trong Quốc dân đảng và chính phủ Dân Quốc. Đỉnh cao là cuộc Chính biến Thượng Hải, khi máu đổ khắp thành phố Thượng Hải, quân Tưởng mở nhiều cuộc thảm sát hàng loạt khắp nơi trên thành phố, hàng chục ngàn người cộng sản, thiên tả, thân cộng bị kéo lê ra ngoài đường phố và bị hành quyết tập thể công khai bằng những phát súng vào sau ót sau khi bắt họ quỳ xuống.
Chính biến Thượng Hải đã gây ra sửng sốt và phẫn nộ trong dư luận. Tội ác này cũng làm góa phụ của Tôn Trung Sơn là bà Tống Khánh Linh bị sốc nặng và đẩy bà ta hẳn sang phía Mao Trạch Đông. Sau này bà nhiều lần tuyên bố, tố cáo trên báo chí rằng Tưởng Giới Thạch đích thị là một “phản đồ” của chồng bà, và lên án những tội ác của ông ta.
Tống Khánh Linh ngày nay vẫn được dư luận Trung Quốc và cả Đài Loan gọi là “thánh nữ Trung Hoa” hoặc “quốc mẫu Trung Hoa”. Trong 3 chị em nhà họ Tống, vốn là một gia đình đại địa chủ, tư bản lớn, thì chỉ có bà là đi theo cộng sản, và được đa số người dân Trung Hoa xem là một biểu tượng thanh khiết, cao đẹp, trong sáng. Hai chị em kia đều đi theo Quốc dân đảng, em gái bà là Tống Mỹ Linh, chính là một trong những người vợ của thống chế Tưởng Giới Thạch. Trong ba chị em nhà họ Tống thì Tống Ái Linh được các trí thức Trung Hoa xem là “người yêu tiền” (chồng là Khổng Tường Hy, một tỷ phú Trung Quốc), Tống Mỹ Linh được xem là “người yêu quyền”, Tống Khánh Linh được xem là “người yêu nước” (個愛錢、個愛權、個愛國).
Sau 2 cuộc Quốc-Cộng hợp tác bị thất bại, Quân đội Cách mạng Quốc dân đã cùng với các lực lượng vũ trang quân phiệt chiến đấu chống Cộng và chống Nhật trong Chiến tranh Trung – Nhật, chống lại Tân Tứ Quân, Bát Lộ Quân của Đảng Cộng sản Trung Quốc và quân đội Thiên Hoàng.
Từ khi Tưởng Giới Thạch thay Tôn Trung Sơn cầm quyền, yếu tố quân sự đã được đưa lên hàng đầu, đặt cao hơn yếu tố chính trị, quyền lãnh đạo quân sự trong thời kỳ này đã lấn át chính trị. Những nguyên tắc của chủ nghĩa Lenin về sự lãnh đạo và phân biệt của Đảng, Nhà nước, và quân đội bị Tưởng xóa bỏ.
Khi Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc chiến thắng trong cuộc Nội chiến Trung Quốc, đa phần Quân đội Cách mạng Quốc dân bỏ chạy về Đài Loan cùng với chính phủ Tưởng Giới Thạch. Sau này đội quân đó được cải tổ thành Quốc quân Trung Hoa Dân Quốc (中華民國國軍). Những đơn vị đầu hàng và ở lại Trung Quốc hoặc bị giải giáp hoặc được sát nhập vào quân đội của nước Trung Hoa mới.
Ngày nay, Trung Hoa Đài Bắc duy trì một đội quân lớn và hiện đại, chủ yếu để phòng vệ chống lại hiểm họa tấn công từ phía Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa theo Luật chống ly khai của CHND Trung Hoa. Từ năm 1949 đến thập niên 1970 nhiệm vụ chủ yếu của quân đội Trung Hoa Đài Bắc là “tái chiếm lục địa”. Khi nhiệm vụ này bắt đầu càng lúc càng không còn thực tế theo thời gian, thì nhiệm vụ được rút gọn xuống chỉ còn phòng thủ, duy trì hiện tình ly khai, cát cứ.
Theo nhiệm vụ mới, mục tiêu mới, quân đội Đài Bắc đã bắt đầu chuyển những ưu tiên cho lực lượng lục quân truyền thống sang cho không quân và hải quân. Quyền kiểm soát các lực lượng vũ trang cũng đã được chuyển vào tay các quan chức dân sự trong chính phủ. Bởi quân đội Đài Loan có cùng nguồn gốc với Quốc dân đảng, thế hệ các sĩ quan cấp cao cũ trong quân đội thường có cảm tình với liên minh Phiếm Lam. Tuy nhiên, nhiều người đã nghỉ hưu và hiện có nhiều sĩ quan không phải người Hán đang nắm quyền trong các lực lượng vũ trang, vì thế xu hướng chính trị trong quân đội đã chuyển sang gần với xu hướng chung của toàn dân đảo quốc Đài Loan.
Các lực lượng vũ trang chủ lực của Trung Hoa Dân Quốc có trên dưới 30 vạn quân, với số quân dự bị trên danh nghĩa lên tới gần 4 triệu người. Chế độ nghĩa vụ quân sự vẫn đang được áp dụng cho nam giới từ độ tuổi 18 trở lên, nhưng như một phần trong chương trình giảm quy mô quân đội, nhiều người được cho phép thực hiện nghĩa vụ bằng các dịch vụ tương đương và được định hướng làm việc tại các cơ quan chính phủ hay các ngành công nghiệp liên quan tới quốc phòng. Các kế hoạch hiện tại có mục tiêu “chuyên nghiệp hóa” theo ý đàn anh Hoa Kỳ trong thập niên tới. Thời kỳ nghĩa vụ quân sự cũng sẽ được giảm bớt hai tháng cho mỗi năm.
Lo ngại hàng đầu của các lực lượng vũ trang Đài Loan hiện nay là một cuộc tấn công từ phía Đại lục, bao gồm việc phong tỏa đường biển, tấn công và ném bom bằng hàng không / tên lửa. Bốn tàu khu trục lớp Kidd cải tiến hiện đang được mua từ Hoa Kỳ, làm tăng cường đáng kể khả năng phòng vệ và săn tàu ngầm của Đài Loan.
Bộ quốc phòng Đài Loan đã có kế hoạch mua các tàu ngầm chạy diesel và các hệ thống chống tên lửa Patriot chất lượng cao từ Mỹ, nhưng ngân sách cho kế hoạch này đã nhiều lần bị đình hoãn vì Liên minh Phiếm Lam hiện nắm quyền chi phối trong cơ quan lập pháp. Gói quốc phòng đã bị đình hoãn từ năm 2001 và hiện có tranh cãi về sự thích hợp của những chiếc tàu ngầm cùng những trang thiết bị khác nhau sẽ được mua. Một lượng khí tài quân sự đáng kể đã được mua về từ Hoa Kỳ, và tiếp tục được Hoa Kỳ bán cho các loại vũ khí mới, theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan, mặc dù những giao dịch công khai nào cũng bị chính quyền Đại lục lên tiếng phản đối gắt gao. Trong quá khứ, Đài Loan cũng đã mua nhiều khí tài quân sự từ Pháp và Hà Lan.
Giới tuyến phòng vệ đầu tiên chống lại cuộc tiến công giả định của CHND Trung Hoa chính là các lực lượng vũ trang Trung Hoa Dân Quốc. Học thuyết quân sự hiện tại của Trung Hoa Dân Quốc là kiên trì chống lại một cuộc tấn công hay phong tỏa cho tới khi quân đội Hoa Kỳ kịp phản ứng. Tuy nhiên, học thuyết này đang thay đổi bởi những quan điểm của chính phủ Mã Anh Cửu về việc phát triển loại tên lửa Hùng Phong III mới, vốn có tầm bắn đạt tới lục địa Trung Hoa.
Một hiệp ước quốc phòng giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản ký năm 2005 thỏa thuận rằng Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cũng sẽ tham dự vào bất kỳ phản ứng nào của Mỹ, chống lại bất kỳ manh động quân sự nào từ phía Đại lục Trung Hoa. Một số đồng minh khác của Hoa Kỳ như Úc trên lý thuyết cũng có thể tham dự.
Đây là một quân đội được trang bị những vũ khí khá hiện đại và tối tân. Vũ khí của họ phần lớn là mua của Mỹ, một số là tự sản xuất, ngoài ra còn một số vũ khí chống tăng do Pháp sản xuất. Vũ khí bộ binh của họ do nhiều quốc gia sản xuất như Hoa Kỳ, Đức, Israel, Áo, Phần Lan, Ý, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Bỉ, Nam Phi, Đài Loan…
Malaysia:
Quân đội Malaysia được biết với tên chính thức là Lực lượng Vũ trang Malaysia (Angkatan Tentera Malaysia – ATM), gồm 3 nhánh: Hải quân Hoàng gia Malaysia (Tentera Laut Diraja Malaysia – TLDM), Lục quân Malaysia (Tentera Darat Malaysia – TD), và Không quân Hoàng gia Malaysia (Tentera Udara Diraja Malaysia – TUDM). Quân đội Malaysia có khoảng 110.000 người. Lực lượng dự bị khoảng 41.000 người. Ngân sách quốc phòng của Malaysia năm 2000 là 1,69 tỷ USD, chiếm 2,03 % GDP.
Đầu những năm 1990, Malaysia đã có chương trình phát triển và hiện đại hóa quân đội. Tuy nhiên do ngân sách hạn hẹp vì cuộc khủng hoảng tài chính đã làm chậm lại chương trình hiện đại hóa quân đội. Sự phục hồi về kinh tế thời gian gần đây làm cho ngân sách quốc phòng được tăng thêm và việc mua sắm vũ khí được tiếp tục. Trong tháng 10 năm 2000, Bộ quốc phòng Malaysia đã công bố xem xét lại chính sách quốc phòng an ninh của đất nước, để hiện đại hóa quân đội. Việc xem xét lại sẽ tập trung vào những mối đe dọa an ninh mới, những thứ có thể tạo nên sự xung đột, như nạn bắt cóc người Malaysia, người nước ngoài ở các đảo nghỉ mát v.v.
Việc mua sắm mới cho quân đội Malaysia bao gồm: Các máy bay Su-30 MKM, các máy bay trực thăng Augusta Westland A109, các xe tăng PT-91… Việc mua sắm gần đây nhất là 8 chiếc Aermacchi MB-339CM. Hải quân được trang bị thêm 2 tầu ngầm Scorpene, 6 tầu tuần tiễu thế hệ mới…
Khi giá dầu thô trên thế giới tăng nhẹ, quân đội đã là những lực lượng tiên phong sử dụng dầu sinh học. Năm 2007, tất cả các phương tiện sử dụng dầu của Lực lượng Vũ trang Malaysia sẽ sử dụng dầu sinh học.
Malaysia được cho là có các loại tàu chiến mạnh nhất Đông Nam Á. Lực lượng hiện có của Hải quân Hoàng gia Malaysia là 17.000 binh sĩ, 2 tàu khu trục tên lửa lớp Leiku (Anh) và 2 tàu hộ tống lớp Kedah (Đức) là chủ lực của hạm đội hải quân Malaysia. Trong đó, tàu khu trục lớp Leiku dài 97,5 m, rộng 12,8 m, cao 3,6 m, lượng choán nước 2.270 tấn, tốc độ tối đa 28 hải lý/giờ, phục vụ hoạt động 5.000 dặm.
Tàu được trang bị tên lửa chống hạm Axocet, tên lửa phòng không Seawolf, pháo Bofors 57mm, pháo phòng không MSI 30mm, 3 ống phóng ngư lôi Whitehead B515 324mm và các trang thiết bị tác chiến điện tử hiện đại khác. Đây là một trong những tàu chiến chủ lực có khả năng tác chiến tổng hợp mạnh nhất ở khu vực Đông Nam Á, được biên chế chính thức năm 1999.
Về lực lượng tàu ngầm, Malaysia mua của Pháp 2 tàu Scorpene và bắt đầu hoạt động năm 2009. Malaysia có thực lực không quân tương đối mạnh, sở hữu máy bay chiến đấu tương đối tiên tiến do Nga và Mỹ chế tạo, tổng cộng có 42 máy bay thế hệ thứ ba, là nước có máy bay thế hệ thứ ba nhiều nhất trong số các nước nhỏ quanh Biển Đông, bao gồm 18 máy bay chiến đấu đa năng Su-30MKM đặt mua năm 2002, còn có 8 máy bay chiến F/A-18D Hornet và 16 máy bay chiến đấu MiG-29N đang hoạt động.
Philippines:
Lực lượng vũ trang Philippines (Sandatahang Lakas ng Pilipinas) bao gồm các quân chủng lục quân, hải quân, và không quân. Đây là một lực lượng tình nguyện nhập ngũ và có khoảng 125.000 quân chính quy và hơn 130.000 quân trừ bị.
Không quân Philippines có 17.400 binh sĩ, 125 máy bay tác chiến, khoảng 99 máy bay trực thăng vũ trang. Thực lực của không quân yếu, máy bay chiến đấu F-5A/B và OV-10 từ những năm 50-60 của thế kỷ trước. Trong năm 2010, Không quân Philippines (PAF) đã ký hợp đồng đặt mua trực thăng chiến đấu đa năng W-3A Sokhôngl với công ty sản xuất máy bay trực thăng PZL Swidnik của Ba Lan nhằm thực hiện kế hoạch hiện đại hóa quân đội của Chính phủ Philippines.
Hải quân Philippinese có 20.500 binh sĩ, thủy quân lục chiến có 8.500 binh sĩ. Hạm đội Philippinese do 1 đại đội tàu khu trục, 5 đại đội tàu tuần tra và 1 đại đội thuyền máy (ca-nô) hợp thành, tổng cộng có 114 tàu thuyền các loại, trong đó có 14 tàu tuần tra duyên hải, 53 tàu tuần tra ven bờ nhỏ hơn, rất nhiều tàu chiến là vũ khí cũ kỹ, lạc hậu từ thời kỳ Thế chiến 2. Tuy gần 20 năm qua Philippines luôn thay thế thiết bị quân sự, song vũ khí vẫn lão hóa, sức mạnh quân sự tương đối kém.
Thieu Long Blog
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét