Thứ Năm, 26 tháng 4, 2012

Báo Người Cao tuổi: HUYỆN VĂN GIANG THỰC HIỆN CƯỠNG CHẾ TRÁI LUẬT




Trong cuộc họp báo ngày 23-4-2012, ông Bùi Huy Thanh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên cho biết ngày 24-4 sẽ tổ chức cưỡng chế tại xã Xuân Quan để bàn giao đất cho chủ đầu tư và đề nghị các nhà báo không đến khu vực cưỡng chế.
.
Ngày 24-4-2012, chúng tôi đến xã Xuân Quan, huyện Văn Giang (Hưng Yên), từ xa đã thấy nhiều người dân đứng trên đê nhìn về khu vực cưỡng chế. Hỏi thăm đường vào, những người dân nói: Công an không cho vào đâu. Đi theo đường người dân chỉ, chúng tôi gặp một toán cảnh sát cơ động (CSCĐ) chắn đường, hỏi giấy tờ. Tôi xuất trình thẻ nhà báo, đề nghị CSCĐ cho vào khu vực cưỡng chế chụp ảnh. Các chiến sĩ không cho vào, tôi hỏi: Ai là chỉ huy cao nhất ở đây cho tôi gặp? Một cảnh sát dáng vẻ chỉ huy, có cảnh hàm nhưng không đeo biển hiệu ra tiếp. Tôi nói ngắn gọn: Theo Luật báo chí, các nhà báo được quyền chụp ảnh mọi nơi trên lãnh thổ nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trừ những khu vực quân sự, bí mật quốc gia. Đây là cưỡng chế công khai, theo quyết định hành chính không đóng dấu “mật”, đề nghị anh để tôi vào. Người cảnh sát bảo tôi đứng chờ, anh báo cáo cấp trên xong sẽ trả lời. Đợi quá lâu không thấy người cảnh sát quay lại tôi quay ra gặp nhân dân đang đứng bên đường. Một người dân nói: Bác đi theo em, chúng em dẫn bác đi chụp ảnh.

Xe gầu xúc đang hoạt động
Theo chân người dân, chúng tôi rẽ sang đường khác nhưng vẫn bị cảnh sát bám theo ngăn cản, không cho vào. Ngồi nghỉ trong nhà dân một lúc, những người dân khác đến dẫn chúng tôi vào làng. Họ bảo: Các bác thay quần áo rồi đi theo em. Chúng tôi mượn tạm quần áo người dân đưa cho, thay tại chỗ, gửi máy ảnh cho dân giữ hộ, chỉ mang theo máy ảnh du lịch cỡ nhỏ và đi theo người dẫn đường. Vượt qua hai điểm gác của cảnh sát cơ động, chúng tôi luồn lách qua mấy bụi gai đến một nhà dân sát khu vực cưỡng chế. Vào nhà xong, chủ nhà đóng cửa dẫn chúng tôi lên tầng gác. Trên sân thượng có mấy người dân đang nhìn vào khu cưỡng chế, gương mặt họ đầy vẻ đau buồn. Tì máy ảnh vào vai người đứng trước tôi chụp liền mấy kiểu, rồi lại theo người dẫn đường trở ra. Trên đường đi, tiếng loa oang oang nói việc cưỡng chế theo quyết định của Phó Chủ tịch UBND huyện Chu Quốc Hiệu và Chủ tịch UBND huyện Đặng Thị Bích Thuỷ. Trên báo Người cao tuổi số 47, ra ngày 20-4-2012 chúng tôi đã có bài “Ra quyết định cưỡng chế trái luật”, trong đó chỉ rõ quyết định cưỡng chế của UBND huyện Văn Giang là hoàn toàn trái pháp luật hiện hành. Theo Luật đất đai, chỉ những dự án phục vụ quốc phòng, an ninh…nhà nước mới thu hồi đất, trình tự thu hồi được quy định rõ trong luật. Những dự án không thuộc nhóm này, như dự án Ecopark thì Nhà nước không thu hồi đất, mà chỉ đứng ra làm trọng tài để nhà đầu tư thoả thuận với dân. Lẽ tất nhiên, thoả thuận đền bù dân giá cao thì nhà đầu tư lãi ít, thoả thuận đền bù giá thấp thì nhà đầu tư lãi nhiều. Ở đây UBND huyện lại đứng ra cưỡng chế, lấy đất giao cho chủ đầu tư, hoàn toàn không xem quy định của Luật đất đai có tí giá trị nào
.
Cảnh sát cơ động chặn ngõ
Nếu hỏi người dân có đồng tình với việc cưỡng chế trái luật này hay không thì tôi tin chắc không ai đồng tình. Cũng có nghĩa là UBND huyện Văn Giang không đạt được “sự đồng thuận của nhân dân” theo chỉ đạo trong Thông báo 168/TTCP-V4 ngày 26-1-2007 của Thanh tra Chính phủ .

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA HÀ NỘI


An Giang: Chết sau 44 năm vẫn nguyên vẹn

- Qua đời cách nay 44 năm, thi thể một thanh niên 17 tuổi không hề được tẩm ướp bằng bất cứ một loại hóa chất nào, nhưng xác vẫn nguyên vẹn và không có hiện tượng phân hủy. Hiện nay thi thể này đang cùng người 'sống'…chung một mái nhà.
Cậu học trò và căn bệnh hiểm nghèo
Đi ven tỉnh lộ 954 theo hướng chợ Vàm về thị xã Tân Châu, chúng tôi đến ấp Phú Lộc, xã Phú Thạnh (H. Phú Tân, Thị xã Tân Châu – An Giang).
Ghé một quán nước ven đường, hỏi thăm về hiện tượng kỳ lạ này. Sau một ngụm trà, ông chủ quán cho biết, chuyện cũng đã lâu lắm rồi nhưng may mắn là ông đã sống và chứng kiến toàn bộ sự việc nên nhắc đến là ông có thể kể được vanh vách...
Năm ấy là năm Mậu Thân 1968. Gia đình ông Đinh Đại Bửu - chủ nhân của ngôi nhà cổ 3 gian như đứng ngồi không yên. Nhiều tháng qua, đứa con trai của ông, anh Đinh Công Hạo, một học sinh xuất sắc nhất trong vùng vừa tròn 17 tuổi bất ngờ bệnh trở nặng.
Di ảnh ông Đinh Công Hạo
  Anh Hạo bệnh trước đó 7 năm. Bắt đầu bệnh, anh biếng ăn và ngủ càng ngày càng ít. Từ một đứa trẻ khỏe mạnh, anh Hạo ốm dần và sau nhiều năm anh có hiện tượng kiệt sức.
Trong 7 năm mang chứng bệnh khó hiểu đó, gia đình ông Bửu vốn là một phú nông trong vùng đã hết lòng chạy chữa. Từ đông y rồi đến tây y, không thầy thuốc nào tìm ra được căn bệnh.
Trong khi đó, thể trạng anh Hạo cứ xấu dần đi. Hầu như y học đã bó tay, ông Bửu đành phải tin vào tâm linh huyền bí. Ông đã lên núi Sam (Châu Đốc) cầu nguyện trời phật cho con ông chóng khỏi. Nhưng cho dù gia đình đã hết sức ngày 19 tháng chạp năm Mậu Thân, anh Hạo đã trút hơi thở cuối cùng.
Câu chuyện của ông chủ quán và chúng tôi bị ngắt quãng bởi một vài người khách bước vào. Ông đứng lên tiếp và phục vụ. Xong việc, ông quay lại ngồi với chúng tôi...
“Lâu lắm ở vùng này không ai nhắc đến chuyện ấy nữa. Hôm nay gặp anh, tôi xin kể lại để lỡ mai kia mốt không còn ai để nhắc nữa. Anh biết không, tôi lớn hơn anh Hạo vài tuổi nên tôi rất rành về anh ấy.
Anh là người có tư chất thông minh. Trong suốt những năm học tiểu học, ngoài chương trình học ở trường, ông Bửu còn dạy thêm cho anh cách làm thơ lục bát, song thất lục bát và đường luật.
Ông cũng truyền vào anh nguồn cảm hứng bất tận của thi ca. Kết quả, những sáng tác tuy còn mang đậm tính trẻ thơ nhưng qua những bài thơ tặng bạn tặng thầy, ai cũng phải thừa nhận đó là những bài thơ rất có hồn.
Sau những cố gắng không mệt mỏi của ông Bửu nhằm đem lại sự sống cho anh thất bại, anh Hạo mất. Gia đình tiếc thương lắm. Chọn một vị trí tốt nhất trong khu đất của gia đình để chôn anh”.
Chiếc quan tài ở chung với người sống
Anh Hạo mất được 4 ngày – ông chủ quán nói tiếp – gia đình còn đang trĩu nặng tiếc thương thì một ông lang già tìm đến. Không rõ ông lang này là người ở địa phương nào nhưng nhìn qua cốt cách của ông ẩn hiện một con người thoát tục.
Ông lang mặc bộ bà ba trắng đã ngã màu. Trên vai một tay nải ló ra bên trong vài quyển sách cũ kỹ. Cặp kính lão trên đôi mắt ông lúc nào cũng trễ xuống...

Ông lang và ông Bửu đàm đạo với nhau suốt buổi sáng. Ông hỏi cặn kẽ từ chi tiết nhỏ về căn bệnh của anh Hạo.

Và rồi ông lang quả quyết: “Tiếc thật hôm nay là ngày thứ 4, nếu tôi đến vào hôm qua thì có cơ may cứu sống. Tuy không còn sự sống nhưng xác anh Hạo vẫn chưa chết…”.

Câu nói khó hiểu của ông lang già làm nhiều người trong tộc họ Đinh thắc mắc.Ông còn khẳng định nếu không tin cứ quật mộ lên sẽ biết.

Ở vùng quê, mồ mả rất quan trọng trong khi vừa mở cửa mả bây giờ đào mộ lên ai có thể làm được chuyện đó ? Vậy mà ông Bửu vẫn đào lên vì quá thương cậu con trai, vừa muốn xác minh lời nói của ông lang già có đúng hay không, bất chấp lời can ngăn của thân tộc.
Chiếc quan tài trong ngôi nhà cổ
Mọi người tụ tập quanh ngôi mộ mới chôn. Ai nấy chuẩn bị đầy đủ dụng cụ và cả…tinh thần để đối phó với một xác chết trương sình hôi hám.
Thế nhưng kỳ lạ thay, khi chiếc quan tài được đưa lên mặt đất, nắp áo quan mở ra, thi thể anh Hạo vẫn còn nguyên vẹn mà không hề bị phân hủy. Anh nằm im như ngủ...
Những người thân trong gia đình nước mắt ràn rụa. Có người đưa tay vỗ vào má gọi: “Hạo ơi dậy đi đừng ngủ nữa !!”. Điều lạ lùng hơn khi mới chết, xác anh Hạo cứng đơ nhưng khi khai quật lên xác vẫn còn tươi. Tay chân mềm mại. Thế mới lạ…

Sau đó, ông Bửu quyết định đưa quan tài anh Hạo vào nhà yên nghỉ chung với những người còn sống cho đến ngày nay.

Trải qua 44 năm rồi đó, anh Hạo vẫn ngủ. Ai có thể tin được điều này khi xác anh Hạo vẫn còn nguyên lục phủ ngũ tạng, không một hóa chất nào tẩm ướp mà không hề bị phân hủy?

Câu chuyện giữa chúng tôi với ông chủ quán càng lúc càng say sưa. Ông còn muốn nói nhiều nữa nhưng khi tính hiếu kỳ thôi thúc, chúng tôi đành từ giã ông để vào ngôi nhà cổ nơi quan tài ông Đinh Công Hạo vẫn còn tồn tại sau 44 năm ở chung với người sống...

Ngôi nhà cổ đến nay tròn 120 năm ẩn mình dưới tán cây. Nếu không phải là dân địa phương đố ai biết bên trong ngôi nhà này đang có một cỗ quan tài với xác chết đã 44 năm chưa hề thối rữa...


Người tiếp chúng tôi trong căn nhà này là ông Đinh Hữu Trí. Ông đang mấp mé lục tuần. Ông là em ruột của ông Đinh Công Hạo là người nằm trong cỗ quan tài hàng chục năm nay...
Trước khi đi vào câu chuyện, chúng tôi đã xác minh lại những lời của ông chủ quán nước ven đường kể lại. Ông Trí thừa nhận tất cả đều đúng.
Ông nói thêm: “Năm anh Hạo mất tôi mới 13 tuổi nhưng vẫn còn nhớ rất rõ. Sau khi mang quan tài anh tôi về nhà, nhiều người hay tin bán tín bán nghi kéo đến xem rất đông. Chính quyền lúc bấy giờ cử một đoàn chuyên gia gồm 5 người trong đó có một bác sĩ người nước ngoài đến tìm hiểu. Tất cả đều xác nhận anh tôi đã chết, nhưng vì sao thi thể không phân hủy thì không một ai tìm được lời giải đáp.
Xác ông Hạo nhìn qua kính quan tài
Ông Trí kể tiếp: “3 tuần sau kể từ ngày khai quật, thi thể anh tôi vẫn mềm mại. Cha tôi nhỏ vào miệng anh mấy giọt cà phê, trôi tuột vào bụng. Một người khác thấy vậy nhỏ liên tiếp đến 3 lít nước nhưng không tràn ra ngoài một giọt.
Anh Hạo được cha tôi đóng cho một chiếc quan tài mới, lắp kính bên trên. Hàng ngày cha tôi ngồi bên xác con trai trò chuyện như lúc anh tôi còn sống. Ngày đêm ông đều cầu nguyện trời Phật ban cho phép mầu giúp con ông sống lại.
Đoàn chuyên gia hôm nọ trở lại. Cũng vẫn không có kết quả gì. Rồi năm tháng trôi dần, xác anh tôi ngày một teo tóp... Hiện nay, chúng tôi vẫn đốt nhang cho anh mỗi ngày. Qua lớp kính chúng tôi nhìn thấy anh cứ ngỡ như anh vẫn còn sống với gia đình với con cháu.
Năm 1994, ông Đinh Đại Bửu qua đời để lại căn nhà và cỗ quan tài cho ông Trí quản lý.
Ông cho biết: “Lúc lâm chung, cha tôi đã di ngôn không được lợi dụng xác chết của anh tôi để làm những việc mê tín dị đoan bởi trước đó, khi tin tức được loan truyền ra có nhiều nhóm đông người tìm đến với ý đồ quảng bá cho những trò huyền hoặc.
Bởi vậy, cỗ quan tài anh tôi yên nghỉ là một báu vật của gia đình. Trong suốt 44 năm nó không hôi thối, không ảnh hưởng môi trường môi sinh và luôn luôn là điều bí ẩn mà chưa một ai khám phá được”.
Cần giới nghiên cứu khoa học nhập cuộc
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết đã có nhiều cơ quan truyền thông lên tiếng về hiện tượng trên. Song từ đó đến nay vẫn chưa có một nghiên cứu khoa học nào nhằm giải thích được hiện tượng có một không hai này.
Theo lời ông Trí, trước năm 1975, một bác sĩ người Mỹ đã đặt vấn đề trả cho ông một số tiền rất lớn để đưa xác ông Hạo về nước thực hiện nghiên cứu, nhưng gia đình từ chối.
Ông Trí cạnh quan tài anh mình.

“Tiền thì ai cũng thích, nhưng xác anh tôi đối với dòng tộc là một tài sản vô giá. Tuy chết nhưng anh vẫn 'sống' với chúng tôi. Không thể vì tiền mà chúng tôi làm điều không đúng với đạo lý” - ông Trí xúc động nói.
Trước mắt chúng tôi là cỗ quan tài bên trong có xác ông Hạo. Chiếc áo quan đã cũ. Lớp kính theo thời gian cũng có mờ đi. Xác người chết bên trong không hề bốc mùi, không hề rỉ nước.
Và cũng ngần ấy thời gian, những người sống chung với xác chết trong ngôi nhà này không ai có biểu hiện của bệnh truyền nhiễm.
Xung quanh quan tài chưa bao giờ có kiến, gián, chuột hoặc bất cứ loại côn trùng nào muốn thâm nhập vào bên trong.
Như thế, xác chết mặc nhiên 'sống chung' với người sống hết năm này qua năm khác.
Theo một vị lãnh đạo của UBND xã Phú Thạnh, chính quyền biết chuyện này từ lâu nhưng qua nhiều năm không thấy xảy ra trường hợp ô nhiễm, hoặc xảy ra bệnh tật.
Gia đình ông Trí cũng không lợi dụng cái xác này để mưu cầu lợi ích gì và bà con chung quanh cũng không ai khiếu nại nên chính quyền tôn trọng nguyện vọng của gia đình.
UBND xã cũng có vận động chứ không bắt buộc, yêu cầu gia đình ông Trí an táng xác ông Hạo như tập tục truyền thống. Thế nhưng, ông Trí không đồng ý.
Một cái xác từ khi chết đến 44 năm không qua một xử lý hóa chất nào mà không hề bị phân hủy, cứ theo thời gian khô dần. Phải chăng đây là một hiện tượng hiếm, lạ mà giới nghiên cứu khoa học cần tìm hiểu để có một giải thích hợp lý.
Trần Chánh Nghĩa

Thứ Tư, 25 tháng 4, 2012

Các video về vụ cưỡng chế đất đai ở Văn Giang






ĐỪNG CHĨA SÚNG VÀO DÂN!

Nguồn: RFA Việt ngữ.

Mặc dù gặp sự phản đối quyết liệt của người dân huyện Văn Giang nhưng vụ cưỡng chế cánh đồng 70 hecta của xã Xuân Quan vẫn diễn ra sáng sớm ngày 24-04-2012. 

 

Cưỡng chế, bắt người

Tin cho biết phía quyền có rất đông người, trong khi người dân tập trung tại cánh đồng lên đến 2 ngàn người. Cuối buổi cưỡng chế, có khoảng 10 người bị bắt. Bà Lê Hiền Đức chứng kiến sự việc và kể lại với Quỳnh Chi của đài Á Châu Tự do. Đầu tiên, bà cho biết về việc bà bị ngăn chặn không cho đến hiện trường:

Bà Lê Hiền Đức: Không có vấn đề gì. “Họ” không  muốn cho tôi có mặt ở hiện trường nhưng dù sao người dân cũng đưa tôi đến để có vài lời động viên với bà con nhân dân và nhắn nhủ với lực lượng công an nhân dân rằng “Cầm súng chĩa vào bọn tham nhũng, đừng cầm súng quay vào nhân dân. Những người nông dân lao động lam lũ chính là những người làm ra hạt lúa nuôi chúng ta”. Tôi nói như thế thì có một cháu công an khóc. Nhưng nói chung là cũng cưỡng chế xong hết rồi. Tuy nhiên, tôi nghĩ dân không thể dừng lại đây được.

Quỳnh Chi: Vì sao mà bà cho rằng người dân sẽ không dừng lại?

Bà Lê Hiền Đức: Không thể dừng lại được vì càng ngày “họ” càng tham nhũng, càng ngày “họ” càng đàn áp dân. Mọi người không thể hiểu được là người dân khổ như thế nào. Hôm nay, không phải chỉ có người dân Văn Giang mà còn nhiều người xã Đại Bái, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh cũng kéo sang hỗ trợ. Nhân dân Dương Nội, Hà Đông cũng nhiều lần mặc áo đỏ đi đến các cơ quan khiếu kiện. Nói chung nhân dân rất đoàn kết.

Quỳnh Chi: Sau khi vụ cưỡng chế được thực hiện xong thì thái độ hiện tại của người dân ra sao?


Bà Lê Hiền Đức: Trông người dân thương lắm. Bây giờ họ sống bằng gì đây? Tôi xót ra lắm. Thái độ người dân tất nhiên là buồn lắm nhưng họ vẫn có nhiều quyết tâm trong bụng. Tôi hiểu như thế. Tôi biết rằng dân bức xúc lắm.

Quỳnh Chi: Đài RFA có nhận được tin là có vài người bị bắt về đồn công an. Việc này bà có được chứng kiến không?


Bà Lê Hiền Đức: Cho đến bây giờ (7 giờ tối 24 tháng 4) tôi vẫn không biết những người bị bắt ấy bị giữ ở đâu. Người dân cũng chưa biết. Khoảng mười người bị bắt.

Quỳnh Chi: Lý do họ bị bắt là gì? Có phải là trong lúc cưỡng chế, một số người có hành động quá khích?


Bà Lê Hiền Đức: Không có gì là quá khích cả. Người ta cầm gộc gậy, thuổng cuốc đi làm đồng vì có những khu vực không phải là khu bị cưỡng chế. Nếu công an dùng súng hơi cay bắn vào nông dân, dùng dùi cui điện đánh vào dân thì người ta phải chống cự lại để tự vệ. Tôi đã hỏi “Tại sao lại bắt những người đó?” thì một số công an giải thích là tại “chống cự”, nghĩa là “dùng gậy gộc”. Bản thân tôi đi cùng với người dân ra hiện trường để xem thì có chỗ xe không đi được, tôi cũng không bước qua được. Lúc đó nhiều thanh niên chìa lưng vào cõng tôi nên tôi rất cảm động. Trong khi đó, công an thấy tôi cầm cái gậy chống thì hỏi “Bà đánh tôi à?” Một bà già chân đi không vững, phải có người cõng, vịn vào gậy mà họ lại hỏi như vậy. Tôi vừa buồn cười vừa bức xúc.
Tôi thấy chắn chắn không thể phát triển được bởi vì bao nhiêu của cải đều rơi vào tay bọn nhà giàu. Người giàu càng giàu mà người nghèo thì gần như khánh kiệt.
Bà Lê Hiền Đức
Quỳnh Chi: Theo bà thì lực lượng công an tham gia cưỡng chế có đông không? Thái độ của họ ra sao?


Bà Lê Hiền Đức: Gần hai nghìn người. Tôi buồn là chính quyền không tôn trọng người dân. Tôi không thể cầm được nước mắt.

Quỳnh Chi: Thưa bà, ĐCS Việt Nam lúc trước có khẩu hiệu là “Người cày có ruộng”. Nhưng thực tế cho thấy ngày càng xảy ra vụ cưỡng chế đất đai trái với ý muốn của người dân. Đây có phải là một nghịch lý?


Bà Lê Hiền Đức: Tôi không phát biểu về vấn đề này nhưng tôi chỉ muốn nhắc nhở rằng ngày xưa chúng tôi hy sinh cả tuổi thanh xuân. Cho đến bây giờ gần như cả cuộc đời tôi chiến đấu đem lại ấm no cho người dân, cho nông dân có ruộng cày. Nhưng bây giờ thì đồng ruộng của nông dân đang bị tước đoạt gần hết, có nơi bị tước đoạt hết giống như Văn Giang hay Dương Nội hôm nay. Tại những nơi đó, bây giờ những người nông dân chỉ có hai bàn tay trắng. Bây giờ họ sẽ sống bằng gì trong  khi tiền đền bù vô cùng rẻ mạt. Một mét vuông đất chỉ đáng bát phở. Đồng ruộng như xương máu của người nông dân. Lấy hết đất của họ thì họ trồng lúa vào gầm giường à? Nông dân trồng lúa để  nuôi bao nhiêu người và còn có bao nhiêu lúc để xuất khẩu mà bây giờ họ lại tước đoạt hết ruộng của nông dân. Tôi đau xót lắm. Tôi thương họ và đặt tất cả niềm tin vào sức mạnh của họ. Họ sẽ đi tìm công lý. 


Nông dân khánh kiệt
.
van-giang-250.jpg

Người dân huyện Văn Giang bị cưỡng chế đất hôm 24/4/2012. RFA screen capture 
Quỳnh Chi: Việc ngày càng có nhiều khiếu kiện liên quan đến đất đai thường xuất phát từ đâu thưa bà?


Bà Lê Hiền Đức: Hoàn toàn là do nông dân cứ bị thu hồi đất. Tôi cũng không đồng ý việc chính quyền dùng từ “thu hồi”. Người ta chưa nhận được một đồng nào tiền đền bù thì tại sao lại dám nhổ hết cây cối của họ đi? Hôm qua tôi đã ở với dân và tìm hiểu cả ngày. Một người nông dân nói với tôi rằng “Nhà cháu chưa chạy được một cây nào cả”. Cánh đồng của bà ta có mấy ngàn cây hoa Hải Đường. Bây giờ mang cây chạy đi đâu? Chẳng lẽ đào lên hết rồi mang về nhà? Trông họ xót xa lắm.

Quỳnh Chi: Nhiều người cho rằng việc ngày càng có các khiếu kiện đất đai là do chế độ công hữu về tư liệu sản xuất đang được ĐCS Việt Nam áp dụng. Ý kiến của bà ra sao?


Bà Lê Hiền Đức: Tôi không dám phân tích xa xôi nhưng tôi chỉ biết bênh vực quyền lợi người dân và chống tham nhũng. Tôi nói là dân sẽ vùng lên nếu họ có trình độ. Bởi vì chủ yếu chính quyền cấp quận huyện cướp đất của dân và ăn chia với cấp tỉnh, thành phố. Cho nên, dân có kiện lên cấp thành phố thì cũng bị trả về tỉnh.
Cầm súng chĩa vào bọn tham nhũng, đừng cầm súng quay vào nhân dân. Những người nông dân lao động lam lũ chính là những người làm ra hạt lúa nuôi chúng ta.
Bà Lê Hiền Đức nói với công an
Quỳnh Chi: Trong  hơn 60 năm phục vụ đất nước thì bà thấy khoảng thời gian nào xảy ra nhiều bất đồng giữa người dân và chính quyền nhất?


Bà Lê Hiền Đức: Đó là thời gian hiện tại. Hoàn toàn trước mắt tôi như thế. Hơn sáu mươi năm hy sinh cả tuổi trẻ và cuộc đời mình, chiến đấu để mang lại lợi ích cho người dân nhưng tôi thấy dân càng ngày càng khổ và càng bức xúc. Cho nên làm sao tôi có thể ngồi yên mà bưng  bát cơm ăn được.

Quỳnh Chi: Thế thì nếu tình trạng bất đồng giữa chính phủ và người dân cứ kéo dài như thế thì sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển đất nước như thế nào?


Bà Lê Hiền Đức: Tôi thấy chắn chắn không thể phát triển được bởi vì bao nhiêu của cải đều rơi vào tay bọn nhà giàu. Người giàu càng giàu mà người nghèo thì gần như khánh kiệt.

Quỳnh Chi: Cám ơn bà đã dành thời gian cho đài RFA.

Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012

BBC - Vụ Văn Giang: Chính quyền cưỡng chế


Cảnh sát chống bạo động tại Văn Giang sáng 24/4
Người dân Văn Giang nói cảnh sát chống bạo động đã cưỡng chế khu đất 70 héc-ta
Hàng ngàn cảnh sát chống bạo động đã phá vỡ sự kháng cự của dân làng Văn Giang, Hưng Yên, những người phản đối chính quyền lấy đất của họ cho một dự án xây dựng khu đô thị sinh thái.
Dân làng đốt lửa và thức đêm canh 70 héc-ta đất nhưng khoảng 2000-4000 cảnh sát cùng những người lạ mặt không mặc đồng phục đã tràn vào khu đất sáng thứ Ba, theo Reuters.
Hãng tin này dẫn lời một người tên Kiên nói: "Chúng tôi ném chai xăng vào họ nhưng không ăn thua gì vì họ có lá chắn. Họ dùng dùi cui đánh chúng tôi. Kể cả khi chúng tôi chạy về làng họ vẫn đuổi theo và đánh tiếp,"
"Họ đã chiếm đất và dùng xe ủi phá hủy mùa màng. Chúng tôi đã thua. Tôi không biết sẽ làm gì tiếp."
Ông Kiên cũng nói cảnh sát đã ném lựu đạn gây choáng vào dân làng và bắt 10 người.
'Càn quét, phá phách'
Bản thân ông Kiên nói với BBC: 'Sáng nay 4h30 sáng nó đưa công an đến nó giải vây trước.
"Nó đi dàn hàng ngang, dồn bà con vào đánh đập. Nó ném lựu đạn pháo, xong rồi nó dồn về cánh đồng [xã] Xuân Quang, rồi nó đưa gần 100 cái máy ủi xuống nó càn quét, phá phách vườn cây cối của dân."
Một nữ nông không muốn nêu tên kể: "[Khi] giáp lá cà với nhau, nói với nhau thì trong lúc nói với nhau dân cũng bức xúc, cũng chứi.
"Thực sự là chửi bới. Bắt đầu là họ phun hơi cay, bắt đầu cứ dùi cui điện họ đuổi dân họ đánh dân.
"Thế thì dân vừa chạy, cứ người nào quay lại chống đối một cái thì nó bắt nó quẳng lên xe. Hiện nó đã bắt khoảng tám người.
"Khi nó dẹp được chúng tôi chạy tán loạn như thế này thì nó bắt đầu đốt những quả pháo cối rất to ném thẳng vào dân.
"Nó không thương tiếc, nó coi chúng tôi như kẻ thù."
Nữ nông này cũng nói chính quyền đã cho quân, cùng máy xúc máy ủi 'kìn kìn' kéo tới 'nối đuôi nhau từng đoàn như chiến dịch Hồ Chí Minh'.
Hãng tin Reuters cũng dẫn lời một người tên Tuyên nói: "Nếu họ muốn lấy đất, chúng tôi đề nghị các nhà đầu tư đến nói chuyện trực tiếp với chúng tôi nhưng họ không làm vậy.
Còn theo AFP, số người dân "bám trụ" để bảo vệ đất trong vụ chống cưỡng chế lên tới 700 người.
Tin tức về sự phản đối của dân làng và vụ cưỡng chế chưa xuất hiện trên truyền thông trong nước nhưng một vài bloggers đã về tận nơi để đưa tin.
Người dân Văn Giang sáng 24/4
Người dân Văn Giang tự trang bị gậy gộc trong vụ giữ đất bất thành
Video từ các trang mạng xã hội cho thấy người dân xuất hiện với số đông, nhiều người đầu đội mũ bảo hiểm, đeo khẩu trang.
Một số người mang theo gậy gộc.
Hình ảnh từ video cũng cho thấy cảnh sát chống bạo động với những lá chắn lớn tiến vào khu đất vào sáng 24/4.
Có những lúc họ phải lùi lại khi bị dân làng ném đá.
Nhưng số đông công an và những người mặc thường phục cuối cùng đã áp đảo hàng trăm dân làng.
Blogger Xuân Diện nói một số nhân viên an ninh trẻ đã khóc khi bị cụ bà Lê Hiền Đức 'mắng' họ 'đem súng ống bắn vào dân' và 'cướp đất của cha mẹ... cho bọn quan chức tham nhũng'.
'Lớn nhất miền Bắc'
Người dân Văn Giang đã phản đối dự án xây dựng đô thị sinh thái vì cho rằng dự án này vi phạm pháp luật về đất đai trong khi chính quyền nói họ không làm gì sai trái.
Họ nói họ đã bị gây khó dễ khi không nhận các khoản bồi thường mà họ cho là quá ít ỏi cho những khu đất nông nghiệp của họ.
Người dân đã đòi gặp chủ tịch tỉnh Hưng Yên và cũng lên Hà Nội để khiếu kiện nhưng chính quyền dường như không giải quyết thỏa đáng các yêu cầu của họ.
Căng thẳng đã có từ một thời gian tại Văn Giang
Khu đô thị Thương mại và Du lịch Văn Giang (Ecopark) được quảng cáo xây dựng trên quy mô gần 500 ha của ba xã Xuân Quan, Phụng Công và Cửu Cao thuộc huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên và là 'khu đô thị sinh thái lớn nhất miền Bắc'.
Trên trang web dự án, chủ đầu tư là công ty Việt Hưng (Vihajico) nói "Ecopark sẽ tạo đà phát triển mạnh mẽ cho trục kinh tế trọng điểm Hà Nội – Hưng Yên – Hải Dương – Hải Phòng".
Trên trang mạng của Ecopark cũng có khẩu hiệu 'thành phố xanh tươi, cuộc đời trọn vẹn'.

RFI: CÔNG AN Ồ ẠT CƯỠNG CHẾ NÔNG DÂN ĐỂ TỊCH THU ĐẤT


Việt Nam: Công an ồ ạt cưỡng chế nông dân Văn Giang, Hưng Yên để tịch thu đất

Thụy My

 

Cảnh sát chống bạo động Việt Nam hôm nay 24/04/2012 đã bắn chỉ thiên để giải tán hàng trăm nông dân muốn ngăn trở việc trưng thu đất tại huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên. Hãng thông tấn Pháp AFP trích lời các nhân chứng cho biết, lực lượng công an hùng hậu, trang bị mặt nạ, cũng đã sử dụng hơi cay để tấn công vào đám đông khoảng 700 người. Dân chúng chống lại việc cưỡng chế để lấy đất xây dựng một khu đô thị mới, một hồ sơ đã kéo dài từ nhiều năm qua.


Bà Lê Hiền Đức, 80 tuổi, một nhân vật đấu tranh chống tham nhũng, đã có mặt tại chỗ, cho AFP biết: “Hàng trăm công an vũ trang mặc sắc phục đang hiện diện tại đây. Người dân ném đá vào công an…Lực lượng an ninh đã bắt đi 10 người dân”.

Hàng trăm nông dân đã tập hợp lại tại địa điểm giải tỏa từ tối qua, thứ Hai. Tất cả những con đường dẫn đến vùng này của tỉnh Hưng Yên đều bị chính quyền phong tỏa, với quyết tâm tịch thu 72 hecta đất của 166 gia đình.
Một nông dân 51 tuổi, xin giấu tên, nói với AFP: “Có những loạt đạn bắn chỉ thiên (…). Công an sử dụng hơi cay, đánh đập một số người và bắt họ đi”. Còn bà Lê Hiền Đức tâm sự: “Tôi chưa bao giờ phẫn nộ như thế. Cả đời tôi, tôi đấu tranh chống những bất công đối với người dân, nhưng bây giờ thì tôi thật sự đau khổ”.
Các vụ tranh chấp đất đai đã lan rộng tại Việt Nam trong những năm gần đây, tại một đất nước mà đất đai thuộc về Nhà nước. Chính quyền khẳng định có đền bù cho những người dân bị di dời, nhưng theo AFP, thì số tiền này thường bị "bốc hơi" qua những đường ngang ngõ tắt của bộ máy hành chính tham nhũng.
Dự án đô thị mới “Ecopark” với vốn đầu tư ước tính 250 triệu đô la, do công ty tư nhân Việt Hưng thực hiện. Chính quyền địa phương đã đồng ý giao cho công ty này 500 hecta đất tại Văn Giang, ở phía nam Hà Nội, mà không thực sự thương thảo với những người dân mất đất. Công ty Việt Hưng, từ năm 2004, đã cố đẩy nhanh việc xây dựng, vốn đã bị tạm ngưng sau một loạt các cuộc biểu tình vào năm 2006, nhưng sau đó đã được tiếp tục.
Sau đây mời quý thính giả nghe lời tường thuật của một nông dân xã Phụng Công, huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên, và bà Lê Hiền Đức, hiện đang có mặt tại khu vực bị cưỡng chế.
Nông dân xã Phụng Công:
“Tình hình là sáng nay tầm năm rưỡi là nó đổ quân xuống đông lắm, gần ba nghìn người cơ! Nó rải toàn là cảnh sát cơ động che lá chắn, công an áo xanh, công an áo vàng, rồi xã hội đen…Quân của nó kéo dài hàng hai cây số, dàn hàng ngang - cả cái mặt đường mà nó phá đi, mặt đường 200 mét nó dàn ra. Rồi bắt đầu tầng trên là cảnh sát cơ động có lá chắn, tầng sau là chúng nó có súng bắn hơi cay, rồi dùi cui điện…Nó mang những quả pháo cối to bằng cái bắp chân ấy. 
Người dân chúng tôi thì chỉ có tay không, vũ khí không có. Người dân chỉ muốn giữ lấy sào ruộng để làm. Nhưng nó đến là bắt đầu cho bắn hơi cay rồi nó đốt pháo cứ quẳng vào người, và cứ tiến vào…Thế là dân tản mác. Nó cậy đông nó đuổi dân, tất cả phải chạy xuống ruộng. Xong rồi nó cho quân rải kín hết, không cho người dân bén mảng đến.
Người ta đã dùng toàn bộ lực lượng công an, bộ đội, xã hội đen rồi máy móc đông nghìn nghịt như thế. Chúng tôi thật chưa bao giờ từng thấy dã man như vậy. Tôi nghĩ đây là một tập đoàn quan tham nhũng đến cướp đất của dân, chứ không phải là chính quyền nữa rồi. Thật là một ngày kinh khủng chưa từng thấy! Nhân dân khu vực này bàng hoàng, đau đớn trước sự mất mát quá lớn”.

Bà Lê Hiền Đức:
“Gần hai nghìn cảnh sát cơ động, và nói chung là công an, cả xã hội đen nữa, đã bốc hết tất cả hoa mầu của bà con và cây cối đi rồi, và bây giờ cũng đang tiếp tục. Ngoài việc san bằng đất đai của dân ra, nó còn bắt mười người dân. 
Cả đêm hôm qua tôi cũng thức cùng với bà con Văn Giang, và sáng hôm nay tôi cũng trực tiếp đứng bên cạnh bà con khi lực lượng công an đến cưỡng chế, đàn áp bà con nông dân, và giờ này đây, tôi vẫn đang ngồi ở Văn Giang.
Tôi ở đây, thứ nhất là để chia sẻ nỗi bức xúc với bà con, và cũng muốn động viên bà con là phải đoàn kết, phải chiến đấu đến cùng. Bởi vì họ mất hết quyền lợi chính đáng của mình là đồng ruộng, cái để mà người nông dân sinh sống từ bao nhiêu đời nay. Họ đổ mồ hôi sôi nước mắt để có được sản vật cung cấp cho xã hội, nhưng bây giờ chúng nó “tàn sát”, cưỡng chế rất là láo! Và gọi là đòi dân bàn giao, thì tôi rất bức xúc với cái từ bàn giao. Tại vì người ta đã nhận tiền đâu?
Nó nói loa oang oang lên cả một buổi sáng. Tôi nghe tôi vừa chói tai – chói đây không phải vì là nó nói to, mà tôi nghe những từ nó nói, tôi tức lắm! Tôi không phải là nông dân ở đây nhưng tôi chia sẻ nỗi bức xúc của bà con. Nó gọi là bàn giao. Bán cho người ta đâu, đã cầm tiền đâu mà gọi là bàn giao! Mà dùng cái từ cưỡng chế, thì tôi thấy là dã man quá. 
Tôi nhìn thấy dân tôi khổ lắm! Người già, người trẻ, trẻ con lớn bé, nó xua nó đuổi, nó xịt hơi cay. Có anh thanh niên mà chính mắt tôi nhìn thấy, một thằng đeo băng đỏ và một thằng mặc sắc phục công an, hai người khoác hai bên tay anh thanh niên đem đi.
Tôi ức quá, tôi định xông ra lôi người thanh niên ấy lại và mắng cho những kẻ bắt người một trận. Nhưng dân thương tôi. Dân sợ sức tôi yếu, người tôi già và chân tôi đau, dân lôi tôi lại, nhưng tôi không thể ngồi im được. Nhìn thấy những cái cảnh cưỡng chế sáng nay ở Văn Giang, chính quyền đối xử với người nông dân hiền lành của tôi, tôi xin nói rằng chỉ có súc vật thì mới không đau lòng mà thôi!
Tôi không liên quan gì đến quyền lợi đất đai ở đây đâu. Nhưng nhìn thấy những người dân Việt Nam thân yêu của tôi bị đàn áp ghê quá, tôi không thể chịu được, tôi đau lòng lắm. Giờ này tôi đang còn ngồi với bà con nông dân đây, động viên an ủi bà con. 
Nhưng tất nhiên nông dân sẽ không dừng lại ở đây. Còn tiếp đó thế nào thì đó là việc của dân định lượng. Tôi thì tôi chỉ nói là tôi chia sẻ với bà con và luôn luôn đứng bên cạnh những người nông dân hiền lành của tôi!”

BLOG NGUYỄN XUÂN DIỆN - TT TRỰC TIẾP VỤ CƯỠNG CHẾ ĐẤT TẠI HUYỆN VĂN GIANG - HƯNG YÊN 24-04-2012



Từ 4h30, an ninh và lực lượng khác đã có mặt khắp các ngõ ngách trong làng.

Mặc dù bị mất điện từ 4h30 sáng nhưng 5h15 loa của xã đang vang lên về vấn đề cưỡng chế. Đoàn xe máy xúc, ủi đang chạy trên đê đường 195 hướng về bờ kênh Bắc Hưng Hải để tiến vào khu vực cưỡng chế.

- Theo bà con nói ngay tại đầu dốc xuống xóm 1 Xuân Quan có nhiều công an, đầu gấu gác ở trên đê 195 rẽ vào xóm 1.

Loa phóng thanh đọc các văn bản quyết định cưỡng chế và cấm người dân không được ra nơi cưỡng chế.

5h39: xã Phụng Công báo có người bị công an đánh.
5h41: Lửa đã cháy trên cánh đồng Xóm 3 xã Xuân Quan.
An ninh và công an mặc thường phục có mặt khắp nơi.

CẤP BÁO: 06h10 - 06h20 Phía xã Phụng Công có tiếng nổ liên hồi trong 5 phút. Có thể là tiếng súng AK.
6h28: Công an quân phục đi quần thảo khắp các ngõ xóm. Lùng sục khắp các vườn nhà.

Đã thấy nhiều xe ô tô to chở công an trên đê 195 tiến vào khu vực xã Phụng Công.

Bà con nông dân Xuân Quan đã bị lực lượng an ninh, công an, đầu gấu xã hội đen cô lập.

Có tin cho biết Bà Lê Hiền Đức đã bị ngăn cản và đuổi ra khỏi khu vực.

Nông dân tiếp tục đổ về yểm trợ nhau.
Các ngả đường ra cánh đồng đã được chất củi kín, sẵn sàng phóng hỏa.
Theo bà con ở hiện trường cho biết: một số bà con nông dân Phụng Công đã bị bắt lên xe. Đã có 10 người bị bắt, khóa tay xịt hơi cay vào mặt đe dọa và thả ra. Một số người bị ngất xỉu.

Một nguồn tin nói có bà con bị thương vào cánh tay.
Lửa cháy lớn ở con đường độc đạo dẫn vào khu cưỡng chế.


Lương thực, bánh mỳ của dân đã bị công an ném xuống ao.




TIN TỔNG HỢP:

5h sáng cảnh sát đã tiến vào cánh đồng Phụng Công, Xuân Quan. Bà con Phung Công đã đốt lửa chặn đường.

Tình hình hiện tại là có 10 bà con bên Phụng Công đã bị bắt lên xe. Lực lượng cảnh sát có trang bị lá chắn, dùi cui, súng ak. Lựu đạn hơi cay ném vào bà con dồn dập, khói kín cả cánh đồng, lưả cháy loang như chiến tranh, rồi cảnh sát dàn hàng ngang như đội ngũ quân Lã Mã đợt này tiến lên, rồi đến đợt sau xông vào bà con dùng dùi cui vụt. Một số người bị đánh ngã quỵ đã bị bắt đi.Họ tóm tay chân thô bạo lôi những người bị bắt lên xe.

Hiện nay cảnh sát đang tụ lại đợi tiếp tế thêm lựu đạn cay vì đã dùng hết. Khoảng 500 cảnh sát lá chắn dùi cui đang tụ tròn trên cánh đồng để chuẩn bị cho đợt đàn áp tiếp theo. Một lực lượng cảnh sát khác đã khóa đường về của bà con, hiện nay một số vài trăm bà con bị cô lập giữa cánh đồng. Những người dân nào đi qua chốt chặn đều bị cảnh sát dùng dùi cui chọc vào bánh xe hoặc dọa đánh.

Nhiều tiếng khóc của bà con, phụ nữ, trẻ em vang khắp cánh đồng rất ai oán.



Cập nhật:

7h10: Cảnh sát chặn một chốt tại khu vực đang xây cầu. Bà con xã Phụng Công tràn qua đồng để nhập với bà con Xuân Quan. Cụ bà Lê Hiền Đức có mặt trong đoàn người.

07h19: Có tiếng mấy loạt súng lại vang lên.
Tiếng loa vẫn ra rả sắp các xã.

07h27: Bà Lê Hiền Đức đang hiên ngang đối thoại với lực lượng cưỡng chế. Bà con quây xung quanh Bà Đức. 

Hình ảnh trực tiếp từ hiện trường:



7h55: Bà con Dương Nội (Hà Nội) và Bắc Ninh đã kéo đến chung sức chung lòng với bà con Xuân Quan, Phụng Công, Cửu Cao.

08h00: Lực lượng cưỡng chế quá đông tới 3.000 người, chúng dùng hơi cay, dùi cui ... để chia cắt dân, chặn đứng các ngả vào cánh đồng. Máy ủi đã vào san đất.

Đoàn xe của chủ tịch Ecopark Hà đang từ khu đã xây của Ecopark đang tiến về khu vực mới cánh đồng Xuân Quan. An ninh thành phố đang liên tục gọi điện ép cụ Lê Hiền Đức về HN.



Bà con Dương Nội và Bắc Ninh sau nhiều vòng thoát lưới bổ vây của công an trên quốc lộ đã tiến được vào nhập đoàn cùng Văn Giang.

08h10: Xe của Chủ tịch Hà Ecopark đang đi vê phía UBND. Băng đỏ khắp nẻo đường.

08h20: Có thêm một đoàn bà con Bắc Ninh kéo đến chia sẻ với Xuân Quan. Mặt trận Xuân Quan vẫn vững.
Xe mắc 2 loa tuyên truyền, chạy khắp các xã các thôn
8h30: Hiện có thông tin là khoảng 7-10 người bị bắt trong đó đã xác minh được những người sau: - Anh Hùng – Uyên thôn Đại xã Phụng Công; - Chị Tảo Thơm thôn Đào xã Phụng Công; - Chị Sửu thôn Đào xã Phụng Công.

8h47: Xe ủi đã bắt đầu làm việc. Càn xóm 11 Xuân Quan - nơi các hộ dân đã nhận tiền đền bù.
9h12: Cảnh sát cơ động đã tiến sát làng Xuân Quan lập hàng rào cho máy xúc và máy ủi đào mương, lấp ruộng. Bà con nông dân đã tấn công lại đám cảnh sát phải lấy khiên che chắn.

9h35: Lực lượng CA ném đạn hơi cai mù mịt xung quanh nhà dân và đánh người.

10h05: Bà Lê Hiền Đức vẫn còn ở cánh đồng cùng bà con. Lúc 9h30, khi lực lượng cưỡng chế bắn đạn hơi cay, bà con đã mắng các em an ninh trẻ: Chúng mày ngu quá! Chúng mày đem súng ống bắn vào dân, cướp đất của cha mẹ chúng mày cho bọn quan chức tham nhũng. Nhiều anh em an ninh trẻ đã khóc.

Xã Xuân Quan có hai người bị trúng đạn hơi cay. Một trong hai người bị đạn bắn vào chân, gây chảy máu.

Tiếp cận bên ngoài sào huyệt Ecopark để ghi nhận CSCĐ bảo vệ Ecopark:

Cảnh sát cơ động ăn cơm dân không bảo vệ dân, mà bảo vệ cho doanh nghiệp cướp đất dân



10h45: Một số bà con cho biết lực lượng an ninh tỉnh Hưng Yên vừa chia nhau tiền bổi dưỡng tại hiện trường và chuẩn bị rút. Lực lượng cưỡng chế vẫn tiếp tục bám hiện trường. Chúng lập một hàng rào bao lấy khu dân làng ở.

Các lực lượng an ninh rút vào quán xá, bóng râm nghỉ ngơi:



Rất nhiều xe thùng chở tội phạm được điều đến hiện trường
Xe cứu thương chở cơm hộp đến cho cảnh sát cơ động

Ngồi ăn la liệt ngay Đài Tổ quốc ghi công
13h45: Xe ủi tiếp tục càn quét, phá cây tại các khu ruộng của bà con giáp trạm xá xã Xuân quan.

Thư của tổng thống Lincoln gửi thầy hiệu trưởng


Abraham Lincoln shares a book with his son Tad
Abraham Lincoln shares a book with his son Tad
Lá thư của cố tổng thống Mỹ Abraham Lincoln ( 1809 – 1865) gửi thầy hiệu trưởng ngôi trường nơi con ông theo học. Được viết ra từ  200 năm trước, lại là nước Mỹ, nhưng bức thư vẫn giữ nguyên tính “Thời sự “ và gợi nhiều suy nghĩ cho chúng ta.
XIN THẦY HÃY DẠY CON TÔI…
Kính gửi thầy…
Con tôi sẽ phải học tất cả những điều này. Rằng không phải tất cả mọi người đều công bằng, tất cả mọi người đều chân thật. Nhưng xin thầy hãy dạy cho cháu biết : cứ mỗi một kẻ vô lại ta gặp trên đường phố, thì ở đâu đó, sẽ có một con người chính trực : bên cạnh một chính trị gia ích kỷ, sẽ xuất hiện một nhà lãnh đạo tận tâm.
Xin hãy dạy cho cháu biết rằng cứ mỗi kẻ thù ta gặp ở nơi này thì ở nơi khác ta lại tìm thấy một người bạn. Bài học này sẽ mất nhiều thời gian, tôi biết : nhưng xin thầy hãy dạy cho cháu hiểu rằng một đồng đô la kiếm được do công sức lao động của mình bỏ ra còn quý giá hơn nhiều so với mười đô la nhặt được trên hè phố…
Xin hãy dạy cho cháu cách chấp nhận thất bại và cách tận hưởng niềm vui chiến thắng. Xin hãy dạy cháu tránh xa sự đố kỵ. Xin dạy cho cháu biết được bí quyết của niềm vui thầm lặng. Dạy cho cháu biết được rằng những kẻ hay bắt nạt người khác là những kẻ dễ bị đánh bại nhất…
Xin hãy dạy cho cháu biết được thế giới kỳ diệu của sách … nhưng cũng để cho cháu có đủ thời gian để lặng lẽ suy tư về sự bí ẩn muôn thuở của cuộc sống : đàn chim tung cánh trên bầu trời, đàn ong bay lượn trong nắng, và những bông hoa nở ngát bên đồi xanh.
Ở trường, Xin hãy dạy cho cháu biết chấp nhận thi rớt còn vinh dự hơn gian lận khi thi. Xin hãy tạo cho cháu có niềm tin vào ý kiến riêng của bản thân, cho dù tất cả mọi người xung quanh đều cho rằng ý kiến đó là không đúng…
Xin hãy dạy cho cháu biết cách đối xử dịu dàng với những người hòa nhã và cứng rắn đối với những kẻ thô bạo. Xin tạo cho cháu sức mạnh để không chạy theo đám đông khi tất cả mọi người đều chạy theo thời thế.
Xin hãy dạy cho cháu biết phải lắng nghe tất cả mọi người nhưng cũng xin thầy dạy cho cháu biết cần phải sàng lọc những gì nghe được qua một tấm lưới “CHÂN LÝ” để cháu chỉ đón nhận những gì tốt đẹp mà thôi.
Xin hãy dạy cho cháu biết cách mỉm cười khi buồn bã… Xin hãy dạy cho cháu biết rằng không có sự xấu hổ trong những giọt nước mắt. Xin hãy dạy cho cháu biết chế giễu những kẻ yếu thế và cẩn trọng trước sự ngọt ngào đầy cạm bẫy.
Xin hãy dạy cho cháu rằng có thế bán cơ bắp và trí tuệ cho người ra giá cao nhất nhưng không bao giờ được để cho ai ra giá mua trái tim và tâm hồn mình.
Xin hãy dạy cho cháu biết ngoảnh tai làm ngơ trước một đám đông gào thét… và đứng thẳng người bảo vệ lẽ phải.
Xin hãy đối xử với cháu dịu dàng nhưng đừng vuốt ve nuông chiều cháu bởi vì chỉ có sự thử thách của lửa mới tôi luyện nên những thanh sắt cứng rắn. Hãy giúp cháu có can đảm biểu lộ sự thiếu kiên nhẫn và có đủ kiên nhẫn để biểu lộ sự can đảm.
Xin hãy dạy cho cháu biết rằng cháu phải luôn có niềm tin tuyệt đối vào bản thân bởi vì khi đó cháu sẽ luôn có niềm tin tuyệt đối vào nhân loại.
Đây quả là một yêu cầu quá lớn, tôi biết, thưa thầy, nhưng xin thầy cố gắng hết sức mình …. Con tôi là một đứa bé tuyệt vời.
Kính thư
ABRAHAM LINCOLN.

Lincoln’s Letter to his Son’s Teacher


He will have to learn, I know,
that all men are not just,
all men are not true.
But teach him also that
for every scoundrel there is a hero;
that for every selfish Politician,
there is a dedicated leader…
Teach him for every enemy there is a friend,
Steer him away from envy,
if you can,
teach him the secret of
quiet laughter.

Let him learn early that
the bullies are the easiest to lick…
Teach him, if you can,
the wonder of books…
But also give him quiet time
to ponder the eternal mystery of birds in the sky,
bees in the sun,
and the flowers on a green hillside.
In the school teach him
it is far honourable to fail
than to cheat…
Teach him to have faith
in his own ideas,
even if everyone tells him
they are wrong…
Teach him to be gentle
with gentle people,
and tough with the tough.
Try to give my son
the strength not to follow the crowd
when everyone is getting on the band wagon…
Teach him to listen to all men…
but teach him also to filter
all he hears on a screen of truth,
and take only the good
that comes through.
Teach him if you can,
how to laugh when he is sad…
Teach him there is no shame in tears,
Teach him to scoff at cynics
and to beware of too much sweetness…
Teach him to sell his brawn
and brain to the highest bidders
but never to put a price-tag
on his heart and soul.
Teach him to close his ears
to a howling mob
and to stand and fight
if he thinks he’s right.
Treat him gently,
but do not cuddle him,
because only the test
of fire makes fine steel.
Let him have the courage
to be impatient…
let him have the patience to be brave.
Teach him always
to have sublime faith in himself,
because then he will have
sublime faith in mankind.
This is a big order,
but see what you can do…
He is such a fine little fellow,
my son!
~ Abraham Lincoln

Trường Sa Đông nhớ Trường Sa Tây


 
Mai Thanh Hải – Vinh quê Thanh Hóa, là Thượng úy, Phân đội trưởng chiến đấu trên đảo Trường Sa Đông, khi chỉ huy bộ đội đẩy xuồng chúng mình vượt khỏi bãi cạn lúc nước triều xuống, tuy mệt đứt hơi, thở hổn hển nhưng vẫn cười tươi, răng trắng lấp lóa trên gương mặt đen nhẻm, giống y quảng cáo kem đánh răng và hát to: “Đường ra trận mùa này đẹp lắm. Trường Sa Đông nhớ Trường Sa Tây!”.
Trường Sa Đông thì sừng sững hiên ngang bên quần đảo đây rồi. Còn Trường Sa Tây?. Vinh cười, răng vẫn trắng lấp lóa: “Ngoài này, chiều chiều nhìn về phương mặt trời lặn phía Tây. Đó là đất liền đó anh!”. Ừ! Gọi đất liền là Trường Sa Tây, cũng có gì là sai đâu?.. 
Năm trước mình ra Trường Sa Đông, ở ngoài sân vẫn còn mấy cây phong ba mọc la đà mặt đất, trên đó có treo mấy cái võng, ngồi rất thích.
Năm nay ra, có lẽ do tiến nhanh lên “chính quy hiện đại”, nên chỉ huy đảo chặt béng mấy cây đó, lấy diện tích làm nơi chào cờ, nghi lễ, bộ đội chơi thể thao… nên mình mất chỗ ngồi võng ngắm đảo quen thuộc, tiếc tiếc là.
Định dạng về Trường Sa Đông, phải nói rõ thế này: Đảo nằm ở 8055’ vĩ độ Bắc; 122021’ kinh độ Đông, cách đảo Đá Tây 8,5 hải lý về phía Bắc, cách đảo Đá Đông 12 hải lý về phía Tây Bắc và nằm trên phía Đông của bãi san hô ngập nước, dài khoảng 1 hải lý.
Lịch sử Hải quân Việt Nam ghi rõ: Tháng 3/1978, tình hình khu vực quần đảo Trường Sa có nhiều diễn biến phức tạp, các nước trong khu vực tăng cường hoạt động thăm dò bằng máy bay, tàu thuyền xâm phạm các đảo chúng ta đang đóng giữ.
Trước tình hình đó, Đảng uỷ Quân chủng Hải quân đã ra Nghị quyết chỉ rõ “Phải tập trung, khẩn trương mọi nỗ lực cao nhất của toàn Quân chủng vào việc chuẩn bị chiến đấu, sẵn sàng đánh thắng kẻ thù xâm lược, giành cho được thắng lợi từ trận đầu, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”.
Chấp hành mệnh lệnh của Quân chủng, ngày 4/4/1978, tàu HQ-681 thuộc Lữ đoàn 125 đưa 19 cán bộ, chiến sỹ do đồng chí Nguyễn Trung Cang, Tham mưu trưởng Trung đoàn 146 chỉ huy 1 lực lượng ra đóng giữ đảo.
Ngày 19/4/1978, một lực lượng khác gồm 17 cán bộ chiến sĩ, ra thay cho bộ phận của đồng chí Nguyễn Trung Cang. Chỉ huy trưởng lúc này là đồng chí Bùi Xuân Nhã.
Do làm tốt công tác giáo dục, quán triệt và xác định tốt nhiệm vụ, sau gần một tháng khẩn trương xây dựng trận địa, công sự chiến đấu hoàn tất, đời sống cán bộ, chiến sỹ ổn định, khắc phục khó khăn quyết tâm bám trụ, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Đảo chạy dài theo hướng Đông-Tây. Trên đảo không có giếng nước ngọt.
Để trồng cây và rau xanh, cán bộ, chiến sỹ trên đảo phải vận chuyển từng bao đất nhỏ trong đất liền ra, tận dụng vật liệu xây dựng che chắn bồn rau, tiết kiệm từng giọt nước ngọt ươm mầm cây xanh.
Trải qua hơn 3 thập kỷ sau ngày giải phóng với ý chí và nghị lực của cán bộ, chiến sỹ nơi đây, đảo Trường Sa Đông đã được cải tạo từ đảo bãi đá san hô cằn cỗi trở thành một hòn đảo xanh tươi, rợp bóng mát của các loại cây  như bàng vuông, phong ba, muống biển…
Cũng từ những khó khăn trong việc tăng gia, với nghị lực, sự sáng tạo của người lính canh biển, cán bộ, chiến sỹ đảo Trường Sa Đông đã thiết kế thành công lò ấp trứng gia cầm, thủy cầm đầu tiên trên quần đảo Trường Sa.
Đến nay, cán bộ, chiến sỹ đảo Trường Sa Đông là một trong những đơn vị dẫn đầu trong phong trào tăng gia, chăn nuôi của Lữ đoàn 146. Năm 2010, tổng sản lượng tăng gia của đảo đạt trên 100 triệu đồng. Trong đó, rau xanh 15.610 kg, cá các loại 300 kg và thịt gia súc, gia cầm trên 2.000 kg.
Hơn 30 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành cán bộ, chiến sỹ đảo Trường Sa Đông đã lập được nhiều thành tích xuất sắc: Năm 1982, đảo được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, nhiều năm được Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân tặng danh hiệu “Đơn vị quyết thắng” và các  Bộ Tư lệnh Hải quân, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế tặng Bằng khen.
Nửa ngày ở Trường Sa Đông, mấy đồng hương Hải Phòng chúng tìm tụ tập tìm nhau và la cà đến giường ngủ của từng người, để gọi là… thăm nhà.
Các đồng hương dẫn mình ra vườn rau xem lá rau mồng tơi to bằng bàn tay, nháy mắt cười: “Chục lá rau là đủ nồi canh cho cả phân đội!”, hình như để mình quên đi nỗi băn khoăn, khi vào bếp ăn, thấy ghi trên bảng toàn thịt hộp, rau hộp, quả hộp… đến hoa cả mắt vì chữ hộp.
Lang thang ra bãi cát rìa đảo, túm tụm ngồi trên xác chiến xe tăng han rỉ, cùng nhìn qua biển về phía Tây, nơi mặt trời đang nhúng chân chờ tắm và kể nhau nghe về những góc đường, nóc phố thân quen của thành phố “Hoa cải đỏ”, tự dưng thấy đất liền được kéo lại thật gần, như trước mắt những thằng con trai Đất Cảng đang ngồi vỉa hè với bia cỏ, vi na gôn…
Chia tay nhau, các đồng hương hè nhau bế tọt mình lên xuống và ghé vai đẩy xuồng cùng chiến sĩ, hòa với nhau lời hát: “Đường ra trận mùa này đẹp lắm. Trường Sa Đông nhớ Trường Sa Tây”, lấy sức cho đáy xuồng sượt qua cát sạn, đá san hô rơi nhẹ xuống lạch nước sâu ra với con tàu HQ.
Vẫy tay chào nhau, người ngâm mình dưới nước, kẻ kiễng chân vẫy đến mỏi tay trên xuồng, cứ rưng rưng nhớ lại hình ảnh: Chị Yên Hưng, một nhà khoa học bên Viện Nghiên cứu KHKT Nông nghiệp ra Trường Sa để tìm thuốc, chống sâu hại cây lá – rau cỏ trên đảo, ngồi trên xuồng cứ nắm chặt tay cậu chiến sĩ sinh năm 1992, bằng tuổi con trai, đang gò lưng đẩy xuống dưới biển và thút thít khóc vì thương lính trẻ bé bỏng…
Hình như, nhưng khoảnh khắc thân thương này đã kịp in dấu trong tâm tưởng những người ra với Trường Sa, để họ thực sự thấm thía tâm cảm của con người, qua câu hát: “Trường Sa Đông nhớ Trường Sa Tây”, vẫn thường bật lên trong mắt những người lính biển, cứ mỗi buổi chiều nhìn về phía Tây, nhung nhớ đất liền…
Tạm biệt nhé! Và sẽ gặp lại cùng nhau!. Ơi Trường Sa Đông!..
————————————————————————————————————-
Phía trước là Trường Sa Đông
Điện gió trên đảo
Xuồng CQ tuần tra quanh đảo
Biển quanh đảo, trong vắt đến lạ kỳ
Chào cở Tổ quốc, trên đảo thân yêu
Chồi xanh – lính trẻ
Gác bên cột mốc chủ quyền
Trực canh trên đài quan sát
Làm dáng với lính trẻ
Chỗ để bàn chải, kem đánh răng
Bếp nấu ăn
Thế này, dễ dùng nhầm lắm
Lá mồng tơi to bằng bàn tay mình
Nước là máu
Rau muống biển bao quanh đảo
Gợi nhớ lại những tháng năm chiến đấu giữ đảo
Đội Gang thép Thái Nguyên nhìn thấy, chắc tiếc lắm
Các chị đồng nát mà ra, thì có mà…
Đẩy xuồng ra nào
Mẹ và con
Chia tay nhé! Trường Sa ĐôngNguồn bài và ảnh : Blog Mai Thanh Hải