Thứ Ba, 28 tháng 8, 2012

Người giàu tiêu tiền

Mộ bạc tỷ của bà bán bún. Ảnh: VNN
Mỗi lần tôi về quê, bà mẹ già lại nói, con hãy bỏ tiền đóng góp xây nhà thờ họ đại tôn, nhà thờ chi và xây thêm cái khác cho gia đình. Khi bố mẹ mất đi, con cháu có chỗ quay về thờ cúng, gặp gỡ, biết đâu là nguồn gốc. Khổ thân cụ, cứ tưởng tôi là đại gia.
Quê tôi nhiều người làm ăn phát đạt nên xây nhà thờ hoành tráng. Họ muốn làm rạng rỡ cho tổ tiên, tỏ lòng hiếu lễ, nhưng đôi lúc cũng muốn thiên hạ phải bái phục vì số tiền bỏ ra. Có nhà thờ giá hàng triệu đô la, cái mèng cũng hàng tỷ bạc.

Báo chí đưa tin, có vị quan chức cấp tỉnh chi khoản tiền khủng xây nhà thờ họ rộng tới 7.000 m2 giữa một vùng quê nghèo; một đại gia ở Hà Nội bỏ ra hàng trăm tỷ dựng nhà thờ người cha liệt sĩ tại quê nhà.
Chưa kể nhiều đại gia bỏ hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng để mua đất xây “biệt thự” cho tương lai và cả người thân đã khuất. Hai khu nghĩa trang Lạc Hồng Viên (Hòa Bình) và Vĩnh Hằng (Hà Tây) rộng hàng trăm hecta, được qui hoạch một cách cầu kỳ, là một ví dụ . Mới tuần trước, dân chúng lại rỉ tai nhau về ngôi mộ ba tỷ ở Tây Ninh của bà bán bún có tài sản ước tính cả ngàn tỷ đồng.
Trong khi đó ở phương Tây, người giầu lại làm khác. Cách đây hơn 100 năm, Alfred Nobel, nhà hóa học, một nhà kỹ nghệ, người phát minh ra thuốc nổ và là triệu phú người Thụy Điển, đã dùng tài sản của mình để sáng lập ra Giải thưởng Nobel. Hiệu ứng giải thưởng uy tín nhất hành tinh này khỏi phải bàn.
Thời nay, Bill Gates và Warren Buffett đóng góp từ thiện mấy chục tỷ đô la, giúp hàng chục triệu người thoát bệnh AIDS, bệnh ỉa chảy, mù mắt ở châu Phi.
The Castle – Smithsonian. Ảnh: Ngọc Dung
Cuối tuần rỗi rãi, tôi thường cho hai con nhỏ đi thăm các bảo tàng Smithsonian ở thủ đô Washington DC (Hoa Kỳ). Thăm thú nơi đây, các cháu có thể học rất nhiều về tự nhiên, môi trường, khoa học, lịch sử và cả nghệ thuật mà không cần đọc sách hay xem bài vở ở trường một cách nhàm chán.
Người tài trợ đầu cho Viện là một nhà khoa học Anh quốc có tên là James Smithson (1765-1829). Cho dù chưa bao giờ đến nước Mỹ, nhưng ông lại tặng cho quốc gia này số tiền 104.960 đồng vàng, tương đương với 500.000 Mỹ kim (khoảng 10 triệu đô la thời giá hiện nay), một tài sản khổng lồ lúc đó.
Theo di chúc, tài sản sẽ được trao cho chính phủ Mỹ, nếu người cháu Hungerford không có người nối dõi. Ông Hungerford mất năm 1835 và không có người thừa kế, tài sản trên được giao lại cho Hoa Kỳ. Và Viện Smithsonian được thành lập.
Smithsonian thu thập và tàng trữ tranh ảnh, hiện vật quí hiếm của nước Mỹ. Hiện có khoảng 137 triệu sưu tập và trở thành điểm tới thăm, nghiên cứu và học thuật của hàng chục triệu người mỗi năm.
Bắt đầu là hơn một chục triệu đô la, bằng số tiền một đại gia Việt bỏ ra xây nhà thờ cho cha, sau gần 170 năm, người Mỹ đã biến thành tài sản Smithsonian vô giá.
Bệnh viện và trường đại học nổi tiếng khắp thế giới Johns Hopkins ở Maryland đến nay đã có 37 giải Nobel. Khu đại học và bệnh viện rộng lớn trên do nhà hảo tâm Johns Hopkins (1795 – 1873), một thương gia giầu có, đóng góp 10 triệu đô la, một khoản hiến tặng lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ lúc bấy giờ.
Johns Hopkins Hospital. Ảnh: HM
Thế hệ sau đã biến khoản tiền kia, có lẽ không nhiều hơn tài sản của bà bán bún Việt Nam mà con cháu hiện đang tranh cãi, thành hệ thống các trường đại học và bệnh viện mang tên Johns Hopkins có mặt ở nhiều nơi, và giá trị khó mà tính bằng tỷ đô la.
Người giầu ở nhiều nước trên thế giới thường hiến tặng tiền của cho tương lai, nên tài sản của họ thường tăng gấp bội ngay cả khi từ giã cõi đời mà chính họ không thể ngờ tới.
Tiền hảo tâm cho giáo dục, y tế, bảo tàng, viện trợ nhân đạo như chống AIDS, bình đẳng giới, bảo vệ môi trường, giúp xóa đói giảm nghèo, hay cả nạn nhân chiến tranh, đã làm tên tuổi của họ sống mãi.
Thử hỏi một vài thập kỷ nữa, liệu có ai còn nhớ nhà thờ hàng chục triệu đô của một đại gia Hà Nội hay ngôi mộ giá vài tỷ đồng của bà bún Nam Bộ. Nhưng nếu họ làm theo như cách James Smithson hay Johns Hopkins thì sự thể sẽ khác.
Làm ra tiền đã khó, tiêu thế nào cho có văn hóa và đóng góp hảo tâm, gây hiệu ứng xã hội một cách tốt đẹp cho tương lai còn khó hơn nhiều.
Hiệu Minh Blog

Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2012

THÂU TÓM NGÂN HÀNG, THÂU TÓM ĐẤT ĐAI

1.  Hơn bốn mươi giờ sau khi ông Nguyễn Đức Kiên, người kinh doanh ngân hàng bị bắt, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng liền lên tiếng trong phiên họp của Ban Chỉ đạo trung ương phòng chống tham nhũng, đòi hỏi cơ quan công an nhanh chóng điều tra làm rõ và xử lý nghiêm minh theo pháp luật bất cứ ai có hành vi vi phạm pháp luật nhằm thâu tóm ngân hàng gây mất ổn định hoạt động ngân hàng.
Một đòi hỏi, một chỉ đạo đúng đắn và đúng lúc. Nhưng thâu tóm ngân hàng gây rối loạn cả hệ thống ngân hàng chỉ vừa xảy ra gần đây và tội phạm này có tính cá biệt cao, rất ít người có thể phạm tội nên dễ bị phát hiện sớm và đấu tranh loại bỏ không phức tạp, không khó, không dây dưa kéo dài.
Những dự án hoành tráng được những nhóm lợi ích vẽ ra để thu hồi đất sống ổn định của người dân, thực chất những dự án đó chỉ nhằm thâu tóm đất đai để kinh doanh kiếm lời còn tệ hại gấp nhiều lần thâu tóm ngân hàng.
 2. Thâu tóm đất đai đã tạo ra dòng người dân oan khiếu kiện đất đai kéo dài vô tận trên cả nước và kéo dài vô tận trong thời gian, đã làm hư hỏng nhiều quan chức trong bộ máy nhà nước. Thâu tóm đất đai, một người đơn độc không thể làm được mà phải là cả một hê thống quyền lực nhà nước. Thâu tóm đất đai đã làm cho cả một hệ thống quyền lực nhà nước đối lập với dân, làm tha hóa bộ máy nhà nước, gây mất ổn định xã hội, thủ tiêu thế mạnh của những vùng đất đặc thù, làm mất mát, hao hụt, hoang phí rất lớn đất vàng, đất bạc của nông nghiệp, đẩy nhiều gia đình nông dân vào cảnh khốn cùng, không còn đường sống.
Thâu tóm đất đai đã tàn phá cả cơ cấu, nền tảng xã hội, phá nát cả qui hoạch tổng thể, hợp lí của đất nước, gây nguy hại lớn lao và lâu dài gấp nhiều lần thâu tóm ngân hàng lại chưa được coi là tội phạm nên thâu tóm đất đai đã ngang nhiên diễn ra từ hàng chục năm nay và đang diễn ra quyết liệt, rộng khắp trên cả nước.
Thu hồi đất nông trường Sông Hậu, chiếm đoạt đất sống ấm no, ổn định của hàng nghìn nông dân nông trường viên, tội phạm hóa người có công biến mảnh đất phèn hoang hóa nghèo đói thành đất sống tươi tốt, ấm no, xanh cây, ngọt trái. Việc thu hồi đất ngang trái ở  nông trường Sông Hậu đã đẩy người Anh hùng mở đất trở thành tội phạm, thành dân oan. Việc thu hồi đất bất chấp kỉ cương và đạo lí đó thực chất cũng chỉ là thâu tóm đất đai, kinh doanh kiếm lời từ đất của một nhóm lợi ích.
Thâu tóm đất đai làm cho sân bay Tân Sơn Nhất không thể mở rộng để đón những chuyến bay quốc tế có nhu cầu quá cảnh đang ngày càng nhiều. Mất đi một nguồn thu lớn ngoại tệ. Sân bay Tân Sơn Nhất còn hàng trăm hecta đất trống nhưng không thể mở rộng đường băng, bãi đỗ máy bay vì đất trống sát sân bay đã bị nhóm lợi ích đầy quyền lực chiếm giữ để họ kinh doanh sân golf và biệt thự.
Việc cưỡng chế đất đai phi pháp ở Tiên Lãng, Hải Phòng, cưỡng chế bằng máu, đưa công an, quân đội, đưa súng lớn, súng nhỏ ra đối đầu với một gia đình nông dân hiền lành chỉ chí thú lấn biển mở đất nuôi chí làm ăn vì dân giầu, nước mạnh. Thu hồi phi pháp mảnh đất lấn biển bằng mồ hôi và máu của gia đình người nông dân lam lũ Đoàn Văn Vươn thực chất cũng chỉ là thâu tóm đất đai của một nhóm lợi ích của chính quyền địa phương Hải Phòng.
Để có đất xây cất khu đô thị Ecopark ở Văn Giang, Hưng Yên, kinh doanh căn hộ cao cấp kiếm lời lớn, để thâu tóm được 500 ha đất phù sa màu mỡ bậc nhất của đồng bằng Bắc Bộ do con sông Hồng bồi lắng từ hàng triệu triệu năm mới tạo nên, để chiếm được mảnh đất sống từ ngàn đời nay của những gia đình nông dân ở Văn Giang, Hưng Yên, nhà đầu tư đã liên kết với cả một hệ thống quyền lực mạnh từ trung ương tới địa phương và cả hệ thống quyền lực mạnh đó đã ngang nhiên vi phạm hàng loạt điều luật của luật pháp hiện hành để thâu tóm đất đai cho những nhà đầu tư nhiều tiền, nhiều tham vọng làm giầu bằng chiếm đoạt cơ nghiệp, chiếm đoạt nguồn sống của người nông dân, làm giầu trên sự khốn cùng của người nông dân.
Nghe ông Thứ trưởng của bộ quản lý đất đai đối thoại với những người nông dân Văn Giang mất đất càng thấy rõ cơ quan quản lí đất đai đã đứng hẳn về phía nhà đầu tư khát đất, dùng quyền lực nhà nước thâu tóm đất sống của người nông dân cho nhà đầu tư kinh doanh nhà, đất. Quyền lực đó đã biến mối quan hệ mua bán bình đẳng giữa nhà đầu tư cần mua đất và người nông dân có đất thành mối quan hệ mệnh lệnh hành chính bất bình đẳng giữa cơ quan quản lí nhà nước và người dân chịu sự quản lí. Quyền lực đó đã ngụy trang cho việc kinh doanh bất động sản đơn thuần được mang một danh nghĩa mĩ miều: Dự án này là dự án đổi đất lấy hạ tầng, là lợi ích công cộng, ở góc độ nào đó cũng là lợi ích quốc gia!
 3.  Luật đất đai đã tước đoạt quyền làm chủ của người nông dân trên mảnh đất hương hỏa cha ông để lại, đã biến “tấc đất tấc vàng” của đau con xót của người nông dân thành đất chùa, thành “sở hữu toàn dân”! Luật đất đai lại giao đất chùa đó cho “nhà nước thống nhất quản lí”! Và quan chức nhà nước được quyền quản lí đất đai đã hối hả và quyết liệt thâu tóm đất sống của người nông dân cho những dự án kinh doanh thu lãi khẳm của nhà đầu tư, lạnh lùng bỏ mặc sự khốn cùng của người nông dân.
Thâu tóm đất đai cho những dự án của những ông chủ, bà chủ kinh doanh nhà đất là cách làm giầu nhanh nhất, dễ nhất, là sự tham nhũng nhanh nhất, dễ nhất, và cũng là sự tha hóa nhanh nhất, dễ nhất của quyền lực.
Khi luật đất đai vẫn còn có điều luật “Đất đai là sở hữu toàn dân do nhà nước thống nhất quản lí” thì tội phạm thâu tóm đất đai vẫn chưa bị vạch mặt chỉ tên, thì sự tham nhũng dễ nhất, nhanh nhất bằng đất đai còn diễn ra rộng khắp, thì quyền lực còn bị tha hóa dễ nhất, nhanh nhất bởi đất đai. Và quyền lực đó sẽ ngày càng đối lập với dân tất yếu dẫn đến bùng nổ, dân phải nổi can qua!
Đất ở Tiên Lãng, Hải Phòng, ở Vụ Bản, Nam Định, ở Văn Giang, Hưng Yên, ở Sông Hậu, Cần Thơ đang nóng bỏng dưới chân. Với hiện thực đang diễn ra, quyền lực đang ráo riết thâu tóm đất ở khắp nơi, cả dải đất Việt Nam yêu thương, nơi nào đất cũng đang nóng bỏng dưới chân.
PHẠM ĐÌNH TRỌNG

Thứ Ba, 21 tháng 8, 2012

Kế hoạch bắt Nguyễn Đức Kiên được Bộ trưởng CA giữ tuyệt mật

- Rút kinh nghiệm từ vụ Dương Chí Dũng, việc bắt ông Kiên được Ban chuyên án tiến hành hết sức bí mật. Ngay cả bên Viện Kiểm sát tối cao cũng chỉ có 2 người được biết trước. Bắt và khám nhà do đích thân Bộ trưởng Công an chỉ đạo. Các Thứ trưởng Bộ Công an, đặc biệt là Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ phụ trách cảnh sát đều không được biết trước. Đây là điều cực kỳ bất thường từ năm 1994.

Vừa qua, Đảng CSVN hô hào làm trong sạch nội bộ. Trong một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm mà Thủ tướng chỉ được 3/14 phiếu, chức danh Trưởng ban phòng chống tham nhũng Trung ương được chuyển từ tay Thủ tướng sang Tổng bí thư với Ban Nội chính được tái lập do đích thân Tổng bí thư đứng đầu.
Đợt Bộ chính trị và Ban bí thư kiểm điểm nội bộ cuối tháng 7, đầu tháng 8/2012 tuy chưa làm được nhiều việc lớn nhưng đã tạo được một số bước đi làm tiền đề chống tham nhũng có hiệu quả hơn. Thứ nhất, khẳng định cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác này (thực chất là loại bớt ảnh hưởng của Thủ tướng). Thứ hai, kiện toàn bộ máy chống tham nhũng mà trọng tâm là Bộ Công an (thực chất là loại bớt ảnh hưởng của tướng an ninh Nguyễn Văn Hưởng cùng tay chân ở các đơn vị nghiệp vụ trong Bộ và tại nhiều địa phương), thực hiện một số điều chỉnh nội bộ để hoạt động điều tra chống tham nhũng đạt hiệu quả cao
Việc bắt giam và điều tra Kiên “bạc” được giao cho Tổng cục Cảnh sát của tướng Vĩnh “chột” chứ không do An ninh điều tra làm. Như vậy, có lẽ sẽ tránh được ảnh hưởng của bên an ninh mà tướng Hưởng còn nhiều quyền uy. Rút kinh nghim t v Dương Chí Dũng, vic bt ông Kiên được Ban chuyên án tiến hành hết sc bí mt. Ngay c bên Vin Kim sát ti cao cũng ch có 2 người được biết trước. Bắt và khám nhà do đích thân Bộ trưởng Công an chỉ đạo. Các Thứ trưởng Bộ Công an, đặc biệt là Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ phụ trách cảnh sát đều không được biết trước. Đây là điều cực kỳ bất thường từ năm 1994.
Việc Bộ Công an bắt người kiểu này lần cuối xảy ra năm 1994. Lúc đó đích thân Bộ trưởng Bùi Thiện Ngộ chỉ đạo Phó Tổng cục trưởng CSND là Thiếu tướng Trịnh Thanh Thiệp (người có tư thù với Trung tướng Phạm Tâm Long) bắt con trai của Thứ trưởng Phạm Tâm Long là đại úy công an Phạm Xuân Liên. Các Thứ trưởng, hồi ấy, đều không được biết trước kế hoạch đánh án. Ngay trước đó, thứ trưởng Phạm Tâm Long còn được Bộ trưởng “cho” đi họp ở Đông Âu.
Trung tướng Nguyễn Văn Vĩnh từ giám đốc Công an Nam Định đi lên, gần đây liên tục được đánh bóng tên tuổi trên báo, đài. Tướng Vĩnh có mối quan hệ thân thuộc với Bộ trưởng Trần Đại Quang bởi cùng trong hội “Nam Cường”. Viên tướng này bị chột 1 mắt do dính mảnh lựu đạn nổ khi bắt tội phạm lúc ông này còn làm ở Phòng Cảnh sát hình sự tỉnh Nam Định. Sau vụ đó, ông được phong Anh hùng LLVT. Gần đây, ông lại được đeo lon Trung tướng. Nếu Trung tướng cứ tận tụy phục vụ “bên Đảng” như thế này thì vụ Kiên “bạc” rất có thể là bực thang đầu tiên để ông bước lên chức Thứ trưởng Bộ CA. Hiện, ghế của thứ trưởng Ngọ đang lung lay bởi ông bị rất nhiều người –  trong đó có những nhân vật tên tuổi – đâm đơn kiện, nhưng quan trọng hơn, trong con mắt của “bên Đảng”, ông là người của Thủ tướng.

Bầu Kiên - 'ông trùm' các ngân hàng Việt Nam

Nhịp cầu đầu tư - Ngoài số cổ phiếu tại Ngân hàng ACB, ông Kiên còn nắm giữ cổ phiếu của một số ngân hàng khác là Kiên Long, Đại Á (được cho là cổ đông lớn nhất). Bên cạnh đó, có tin cho biết bầu Kiên còn sở hữu cổ phần của VietBank, Eximbank và Sacombank.
Cho ra đời CLB bóng đá Hà Nội với cả tá ngôi sao, “đánh” VFF tơi bời, lập ra VPF, đấu tay đôi với AVG về bản quyền truyền hình, bầu Kiên trở thành tâm điểm của bóng đá Việt Nam trong năm qua.

Cướp diễn đàn, đánh tơi tả VFF

Là doanh nhân đầu tiên nhảy vào làm bóng đá, nhưng tên tuổi của bầu Kiên khá “chìm” so với bầu Thắng hay bầu Đức. Sở dĩ có điều trên là bởi ông trùm ngân hàng này có đặc tính không thích lên tiếng trên các phương tiện thông tin đại chúng và làm bóng đá một cách khá căn cơ chứ không vung tiền quảng bá thương hiệu rầm rộ.

Tuy nhiên, tất cả đã thay đổi kẻ từ sau buổi hội nghị tổng kết mùa giải 2011 của VFF. Trong buổi hội nghị ấy, chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ quyết định “cấm cửa” giới truyền thông, thế nhưng bất ngờ bầu Kiên thông qua chánh văn phòng VFF Lê Hoài Anh đã gửi cho ông Hỷ một mẩu giấy với nội dung bằng mọi giá phải cho giới truyền thông vào tác nghiệp.

Khi giới truyền thông được tham dự hội nghị, bầu Kiên bất ngờ “cướp diễn đàn”, nói sa sả về những điều tồi tệ của bộ máy VFF, của BTC V-League, của đội ngũ trọng tài. Vụ “tung bom” trên đã giúp ông chủ của CLB Hà Nội ACB nổi danh như cồn, trở thành tâm điểm của các trang báo thể thao.

Sau cú ra đòn bất ngờ trên, bầu Kiên tiếp tục tấn công dồn dập, đẩy VFF rơi vào cảnh thất thế. Bầu Kiên đòi phải thành lập một công ty cổ phần bóng đá để thay VFF điều hành các giải đấu trong nước. Nói là làm, bầu Kiên bắt tay cùng các đối tác hùng mạnh khác như bầu Thắng, bầu Đức, bầu Trường…, buộc VFF phải xuống nước, cho ra đời công ty VPF.
Bầu Kiên - tâm điểm của bóng đá Việt Nam trong năm 2011

Sự ra đời của VFP thực sự đã mở ra một bước ngoặt mới cho bóng đá Việt Nam. Đặc biệt, trong công ty này bầu Thắng là người giữ ghế CT HĐQT nhưng thực tế quyền lực của bầu Kiên mới là nhất. Kể từ ngày thành lập cho tới nay, đa phần các phát ngôn hay công văn của VPF đều xuất phát từ ông bầu tóc bạc này.

VPF được thành lập chưa lâu, bầu Kiên tiếp tục gây xôn xao dư luận khi lao vào cuộc chiến bản quyền truyền hình. PCT HĐQT VPF bất ngờ bỏ qua AVG – đơn vị đã ký hợp đồng bản quyền truyền hình có thời hạn 20 năm với VFF – để bắt tay hợp tác với VTV và VTC. "Ác liệt" hơn, ông còn làm công văn gửi lên các Bộ và thủ tướng, đề nghị xem xét lại tính hợp pháp của bản hợp đồng mà VFF và AVG đã ký.

Cho ra đời CLB bóng đá Hà Nội, nuôi mộng vô địch
Siêu xe bầu Kiên thường dùng để tới sân Hàng Đẫy

Bầu Kiên thuộc hàng đại gia giàu nứt đố đổ vách, nhưng khi bước chân vào làm bóng đá, ông khá căn cơ. Không thiếu tiền nhưng ông bầu tóc bạc này không đổ tiền thực hiện những hợp đồng bom tấn gây xôn xao dư luận, không tung tiền thưởng hàng tỷ đồng cho mỗi trận thắng như bầu Đức, bầu Hiển hay bầu Trường. Thế mới có chuyện Hà Nội ACB cứ lẹt đẹt, luôn lo trụ hạng chứ chẳng mơ gì tới ngôi vô địch.

Tuy nhiên, mọi chuyện đã rẽ sang một trang khác khi Hà Nội ACB phải xuống hạng vào cuối mùa giải 2011. Bầu Kiên bất ngờ mua lại Hòa Phát Hà Nội, sát nhập hai đội lại để cho ra đời CLB bóng đá Hà Nội. Tiếp theo, ông trùm ngân hàng gây chấn động dư luận khi chiêu mộ thành công ngôi sao sáng nhất của bóng đá Việt Nam - Công Vinh. Bầu Kiên luôn miệng khẳng định ông không phá giá, nhưng ai cũng hiểu, không phải ngẫu nhiên mà Công Vinh lật kèo Hà Nội T&T để về đầu quân cho CLB bóng đá Hà Nội.

Với những cầu thủ chất lượng như Công Vinh, Thành Lương, Timothy…CLB Hà Nội sở hữu lực lượng hùng hậu thuộc hàng số một Việt Nam. Có lẽ đây cũng là lần đầu tiên đội bóng mà bầu Kiên nắm được liệt vào danh sách ứng cử viên sáng giá cho ngôi vô địch.

Bầu Kiên: Bí ẩn đại gia đầu bạc

Vietnamnet - Khác với bầu Đức (ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai), hay bầu Hiển (ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Ngân hàng SHB và Tập đoàn T&T), bầu Kiên không làm chủ tịch một tập đoàn nào.

Việc điều hành các doanh nghiệp tư nhân trong nước và liên doanh không phải là mục tiêu của bầu Kiên. Xu hướng đầu tư của ông cho thấy ông thích nắm cổ phần lớn trong ngân hàng và doanh nghiệp hơn là ngồi ghế lãnh đạo.

Nói chính xác, bầu Kiên là dạng nhà đầu tư thầm lặng phục vụ bản thân và một số cổ đông lớn có tiềm lực tài chính, có thể can thiệp vào các doanh nghiệp khi cần thiết để doanh nghiệp đó làm ăn tốt hơn. Tại các thị trường phát triển trên thế giới, đó là một nghề. Tuy vậy, nghề này đòi hỏi nhà đầu tư phải hội đủ nhiều yếu tố như tầm vóc và tầm nhìn, năng lực tài chính, kiến thức và uy tín.

Từng học Đại học Kỹ thuật Quân sự thuộc Bộ Quốc phòng, sau đó sang Hungary học Trường Kỹ thuật Quân sự Zalkamate (từ năm 1981-1985), ông Kiên tham gia sáng lập ACB vào năm 1994 cùng với các cổ đông khác. Từ năm 1994-2008, ông Kiên đảm nhiệm cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị ACB. Theo thông tin của giới ngân hàng, cho tới trước khi từ bỏ chức vụ thành viên Hội đồng Quản trị ACB vào năm 2008, ông Kiên và vợ là bà Đặng Ngọc Lan đã cùng các thành viên gia đình nắm giữ khoảng 10% cổ phần của ACB. Trong đó, riêng ông được cho là sở hữu 3,75% cổ phần.

Giá trị tài sản tính theo số cổ phiếu ACB ông Kiên nắm giữ năm 2011 vào khoảng 759,6 tỉ đồng (đứng thứ 14 trong top 100 nhà đầu tư giàu nhất trên sàn chứng khoán), trong khi năm 2010 là gần 805,9 tỉ đồng.

Ngoài số cổ phiếu đang nắm giữ tại Ngân hàng ACB, ông Kiên còn nắm giữ cổ phiếu của một số ngân hàng khác. Nhà đầu tư này được cho là cổ đông lớn nhất, chi phối 2 ngân hàng Kiên Long và Đại Á. Việc ông Kiên sở hữu cổ phần tại 2 ngân hàng nhỏ này có thể cấu trúc qua Ngân hàng ACB hoặc một số cá nhân, tổ chức được ủy thác. Ngoài Kiên Long, Đại Á, có tin cho biết bầu Kiên còn sở hữu cổ phần của Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (VietBank), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).

Trong lễ tổng kết của VFF, ông cho biết mình là “cổ đông chính của Eximbank”. Ông cũng tuân thủ quy định, theo đó mỗi ông bầu chỉ được phép sở hữu một đội bóng tại một giải đấu, thông qua một phát ngôn khác: sẽ bán cổ phần tại Ngân hàng Kiên Long bởi câu lạc bộ bóng đá Kiên Long Bank Kiên Giang được lên chơi ở giải vô địch quốc gia, còn Ngân hàng Kiên Long lại là nhà tài trợ chính cho đội bóng. Thậm chí, lại xuất hiện tin đồn trong giới đầu tư rằng bầu Kiên là nhân vật chính đã đứng ra dàn xếp việc một số cổ đông nước ngoài lẫn trong nước mua được hơn 45% cổ phần của Ngân hàng Sacombank.

Về khả năng lãnh đạo, thông tin về công việc điều hành của doanh nhân này càng mù mờ hơn. Mặc dù ông Kiên có cổ phần trong các ngân hàng, từng tham gia Hội đồng Quản trị Công ty Liên doanh dầu nhờn Caltex (Mỹ), Công ty Liên doanh KFC Việt Nam, rồi có chân trong Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Dịch vụ Du lịch Chợ Lớn và Công ty Cổ phần Du lịch Thiên Minh, chưa có thông tin nào cho thấy ông là nhà quản trị doanh nghiệp trực tiếp. Thậm chí, với thương vụ đình đám đầu năm 2011 khi Thiên Minh bỏ ra 45 triệu USD, trong đó Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) rót khoảng 12 triệu USD, để mua lại chuỗi resort Victoria, thì cũng không ai nhắc đến vai trò lãnh đạo của ông.

Một chuyên gia tư vấn chiến lược doanh nghiệp (giấu tên) cũng lắc đầu trước đặt câu hỏi này. Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, bất chấp khả năng lãnh đạo vẫn là dấu hỏi lớn, rõ ràng kỹ năng đánh giá cơ hội và khả năng thay đổi (kể cả một hệ thống lớn và rất phức tạp như VFF) của bầu Kiên cho thấy ông là một doanh nhân có nhiều phẩm chất và xảo thuật.

Đằng sau doanh nhân này còn nhiều câu hỏi khác, như cách hành xử ở ông hay khả năng điều hành doanh nghiệp, nhưng không thể phủ nhận thuật lãnh đạo của nhà đầu tư thầm lặng này được biểu hiện khá rõ thông qua sự nể trọng và e dè của các nhà lãnh đạo khác dành cho ông.

Ông Kiên ít khi thất bại một khi đã theo đuổi một mục tiêu nào đó. Hoặc những thất bại của ông thường bị vầng hào quang thành công của ông che khuất. Tuy nhiên, đây chính là điểm yếu của bầu Kiên. Quá tự tin có thể dẫn đến thất bại, ví dụ như những rắc rối hiện nay trong cuộc chiến bản quyền với Công ty Cổ phần Viễn thông và Truyền thông An Viên. Bầu Kiên đã quá vội vàng và chủ quan, nhất là ngay sau khi nắm ghế Phó Chủ tịch VPF, cho nên sẽ có khả năng thất bại trong vụ việc này.

Nếu điều này xảy ra, lần đầu tiên chúng ta sẽ có dịp thẩm định một cách chính xác năng lực điều hành của ông Nguyễn Đức Kiên, bất chấp lớp màn bí mật ông đã phủ lên nghiệp kinh doanh của mình.

Ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt

VnExpress - Chiều tối 20/8, ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) đã bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt giữ để làm rõ hành vi "cố ý làm trái" liên quan đến các hoạt động kinh tế. Cảnh sát cũng đã làm việc với Tổng giám đốc ACB Lý Xuân Hải.

Trao đổi với VnExpress, một lãnh đạo Tổng cục cảnh sát Phòng chống tội phạm (Bộ Công an) cho biết, ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt để điều tra về hành vi "cố ý làm trái" liên quan đến các hoạt động kinh tế. "Dù là ai, vi phạm pháp luật cũng đều phải bị xử nghiêm", nguồn tin nói.
Việc khám xét nhà riêng của ông Kiên tại quận Tây Hồ đã diễn ra tối 20/8. Công an đã thu giữ một số tài liệu, USB phục vụ quá trình điều tra. Tổ trưởng tổ dân phố nơi ông Kiên cư trú cho biết, việc khám xét diễn ra từ 19h đến 20h. Ông Kiên về sống tại đây được vài năm, ít quan hệ với hàng xóm, chỉ có người mẹ hay đi họp tổ dân phố.
Sáng 21/8, căn biệt thự 3 tầng bề thế, rộng 500 m2 nhìn ra hồ Tây đóng kín cửa. Bên ngoài cánh cổng sắt cao hơn 3 mét có người mặc đồng phục bảo vệ canh gác, ngăn cản người tới gần.
Biệt thự của ông Kiên tại khu vực hồ Tây. Ảnh: Hà Anh
Sáng 21/8, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB) Nguyễn Thanh Toại cho biết, Tổng giám đốc Lý Xuân Hải đã được cơ quan điều tra mời lên làm việc liên quan đến vụ ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt.
Theo ông Toại, việc ông Kiên bị bắt không ảnh hưởng đến hoạt động của Ngân hàng Á Châu bởi "ông Kiên hiện không còn vai trò gì trong ngân hàng mà chỉ là cổ đông nhỏ".
Ngay sau khi có tin ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt, sáng nay, trên sàn chứng khoán, nhiều mã cổ phiếu ngân hàng đã lao dốc.
Ông Nguyễn Đức Kiên. Ảnh: An Nhơn
Ông Nguyễn Đức Kiên được cho là "cổ đông chính" của nhiều ngân hàng. Ảnh: An Nhơn.
Ông Kiên (sinh năm 1964) từng học Đại học Kỹ thuật quân sự - Bộ Quốc phòng, sau đó tu nghiệp Trường kỹ thuật quân sự Zalkamatê, Hunggary. Sau 8 năm làm việc trong ngành dệt may, ông bắt đầu đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng và trở thành Phó chủ tịch Hội đồng quản trị ACB - một trong những ngân hàng tư nhân lớn nhất Việt Nam - khi mới 30 tuổi.
Năm 2010, trong bản danh sách 100 người giàu nhất Việt Nam, với số cổ phiếu ACB có trong tay, tài sản của ông Kiên được đánh giá là 805 tỷ đồng. Tổng số cổ phiếu ACB mà gia đình ông Kiên nắm giữ tính tới cuối 2010 đạt giá trị khoảng 2.000 tỷ đồng.
Theo cáo bạch 2010 của Ngân hàng ACB, ông Nguyễn Đức Kiên không còn có tên trong Hội đồng quản trị. Tuy nhiên, ông được cho là “cổ đông chính” của nhiều ngân hàng lớn.
Trong lĩnh vực thể thao, ông Nguyễn Đức Kiên là Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam - VPF, và thường được gọi là "bầu Kiên".